Nhà văn Marc Levy tại Nhà hát TP.HCM tối 7/11. Ảnh: Thanh Trần. |
Như lời hứa trước đó với đạo diễn Việt Linh, ngày 7/11 nhà văn Marc Levy đã có mặt tại Việt Nam và đến Nhà hát TP.HCM vào buổi tối để xem vở kịch Mọi điều ta chưa nói. Biên kịch - đạo diễn Việt Linh cho biết bà xúc động bởi sự có mặt của nhà văn ngay trong buổi ra mắt đầu tiên của vở kịch.
Trước đó, khi liên hệ nhà văn để xin phép chuyển thể tác phẩm, bà đã bất ngờ khi nhà văn không những cho phép bà chuyển thể tác phẩm, mà còn tặng tác quyền 10 buổi diễn ở Việt Nam và có nhã ý sang Việt Nam để xem tác phẩm.
Câu chuyện cảm động về tình phụ tử, tình yêu
Đã có nhiều ấn phẩm của Marc Levy được chuyển thể điện ảnh, nhưng được dựng thành kịch sân khấu thì rất ít. Marc Levy cho biết đây là lần đầu tiên ông được xem một vở kịch của tác phẩm này.
Nhà văn Marc Levy theo dõi vở kịch chăm chú. Ông thường xuyên nhìn đến phần lời dịch tiếng Anh và dùng điện thoại để chụp lại.
Marc Levy cho biết dù không hiểu tiếng Việt, ông đánh giá khá cao diễn xuất của các diễn viên. Đôi lúc trong quá trình xem kịch, ông cũng không khỏi bật cười cùng với khán giả Việt vì những tình tiết hài hước. Cuối buổi diễn, ông đặc biệt tặng hoa cho nữ diễn viên thủ vai nhân vật Julia như một lời tán dương, cảm kích.
Mọi điều ta chưa nói là câu chuyện cảm động về tình yêu và tình cha con, được viết theo phong cách kết hợp giữa hai thế giới lãng mạn và hư ảo như thường thấy ở nhà văn Marc Levy. Khi được chuyển thể thành kịch nói, những yếu tố hài hước cũng được khai thác một cách tinh tế. Tác phẩm mang đậm yếu tố lịch sử, trinh thám và khoa học.
Vở kịch bắt đầu với phân cảnh trước lễ cưới, Julia nhận được cú điện thoại từ thư ký riêng của bố nói rằng ông không thể tới dự lễ cưới của con gái. Mối quan hệ giữa Julia và bố từ lâu đã trở nên xa cách, ít gặp mặt. Điều này khiến cô phần nào dự đoán được kết quả.
Tuy nhiên, lần này cô còn nhận được tin bố mình đã mất, và trước khi ra đi,ông để lại cho cô một món quà bất ngờ. Đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cuộc sống của Julia như bị đảo lộn nhưng cũng từ đó cô bắt đầu cuộc hành trình hiểu về bố mình.
Một cảnh trong vở kịch. Ảnh: Thanh Trần. |
Hơn nửa năm tập luyện, chuyển thể kịch
Chia sẻ vào cuối buổi diễn, biên kịch - đạo diễn Việt Linh cho biết để chuyển tải hơn 430 trang sách của tác giả Marc Levy thành vở kịch dài hai tiếng rưỡi, ê-kíp đã mất nhiều thời gian chuẩn bị, luyện tập từ giữa tháng 3 năm nay. Đại diện sân khấu Hồng Hạc cho biết đây là vở kịch dài nhất từ trước đến nay của họ bởi độ phức tạp của kịch bản, trung bình các vở kịch chỉ khoảng 90 phút.
Vở kịch do Việt Linh và Lê Chi Na đồng đạo diễn, với sự tham gia của nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam, họa sĩ Tomy Trương và các diễn viên: Công Danh, Lê Chi Na, Samuel An, Đinh Mạnh Phúc, Tăng Trọng Thắng, Thái Điền, Hải Nguyên, bé Nhật Linh...
Theo lịch trình, nhà văn Marc Levy sẽ tham dự hai buổi diễn kịch tiếp theo tại Đại học Văn Lang (8/11) và Nhà văn hoá Thanh Niên (9/11). Bên cạnh đó, đạo diễn Việt Linh cho biết ông sẽ có mặt tại ba sự kiện khác để giao lưu với độc giả Việt Nam, bao gồm buổi giới thiệu sách ở đường sách Nguyễn văn Bình (15h-16h30 ngày 9/11), talk show về chuyển thể vở kịch cùng đạo diễn Việt Linh (10h-11h30 ngày 10/11) và giao lưu với cộng đồng Pháp ngữ ở Idecaf (17h-19h ngày 10/11). Ông dự định rời Việt Nam vào tối 10/11.
Marc Levy giao lưu cùng độc giả sau khi xem xong vở kịch tại Nhà hát TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Marc Levy tác giả được rất nhiều độc giả Việt Nam yêu mến qua các tác phẩm Nếu em không phải là giấc mơ, Gặp lại… Hiện tại, ông là một trong những tác giả có số lượng tác phẩm được dịch nhiều nhất ở Việt Nam và là một trong 5 tác giả Pháp được yêu thích nhất đầu thế kỷ 21.
Ông sinh năm 1961, theo học ngành Quản lý Máy tính ở Đại học Paris-Dauphine, Pháp. Năm 37 tuổi, ông chính thức ra mắt tác phẩm đầu tay - Nếu em không phải một giấc mơ. Ngay lập tức, cuốn tiểu thuyết tình yêu mang màu sắc siêu thực này đã đem về cho Marc Levy giải thưởng Goya danh giá và sự nổi tiếng trên khắp thế giới.