Hình ảnh anh em nhà Goncourt trên bìa một cuốn sách. Ảnh: Amazon. |
Trong lịch sử văn học Pháp, người ta vẫn thường nói Edmond và em trai Jules de Goncourt, còn được gọi là anh em nhà Goncourt, là những kẻ thất bại chính hiệu. Ban đầu cả hai muốn thành họa sĩ, nhưng lại chẳng vẽ được, rồi đổi hướng muốn viết tiểu thuyết, nhưng cũng không thành công, chẳng ai nhớ được anh em họ có tác phẩm gì. Làm gì cũng long đong lận đận, sự nghiệp lỡ dở, cả hai cũng chưa bao giờ kết hôn.
Lịch sử 119 năm của giải thưởng
Dù không thành công trong sự nghiệp, nhưng họ đã làm tốt công tác “đầu thai”. Xuất thân quý tộc tư sản nhỏ, gia cảnh khá giả, thêm vào đó là sống nhờ vào món thừa kế của mẹ để lại, từ năm 1848, anh em Goncourt mỗi năm được lãnh một khoản 5.000 francs (tương đương 30.000 euro) giúp họ có thể sống thoải mái mà không cần lao động bằng ngòi bút của mình, trái với đa số nhà văn Pháp ở thế kỷ 19 phải xoay sang viết loại văn “thị trường” mới có thể nuôi được gia đình (như viết kịch đường phố, kịch vui hoặc viết tiểu thuyết đăng báo hàng ngày), nếu không thì phải chấp nhận cảnh sống nghèo khổ như Baudelaire, Gérard de Nerval.
Xuất thân tốt, nhưng cũng thật không may, hầu hết quý tộc độc thân thời đó như Flaubert và Maupassant đều bị nhiễm bệnh giang mai, và anh em nhà Goncourt cũng không ngoại lệ. Năm 1870, Jules bị giang mai thần kinh khiến anh không thể nói được, và chết sớm ở tuổi 39.
Nhưng ngay từ năm 1862, Edmond đã quyết định, rằng sau khi qua đời, tài sản của cả hai anh em sẽ được bán lấy vốn gửi ngân hàng, lợi tức từ khoản vốn gửi sẽ được dùng cho Hội văn học Goncourt để trả thù lao cho 10 nhà văn, và lập ra Giải thưởng Goncourt với khoản tiền thưởng 5.000 franc vàng trao cho một tác phẩm văn xuôi xuất sắc xuất bản trong năm.
Năm 1896, Edmond qua đời, việc thi hành ý nguyện được Edmond phó thác cho Alphonse Daudet và Léon Hennique - nhưng việc này đã gặp sự chống đối của gia đình Goncourt và cuộc tranh chấp pháp lý diễn ra kéo dài tới ngày 1/3/1900, khiến cho việc lập Hội văn học Goncourt bị chậm trễ, mãi tới năm 1900 mới đủ số hội viên và phải tới năm 1903 mới trao giải thưởng Goncourt lần đầu.
Alphonse Daudet đã qua đời trước khi được trao một ghế trong hội, ghế này đã được trao cho con ông là Léon Daudet, còn Léon Hennique được trao một ghế.
Hội văn học Goncourt họp trong một bữa ăn trưa hàng tháng (ngày thứ ba đầu tiên trong tháng, ngoại trừ tháng 8), từ năm 1903 tới năm 1919 trong các tiệm ăn khác nhau ở Paris, sau đó kể từ năm 1920, chỉ họp và ăn ở tiệm Drouant tại phố Gaillon, quận 2.
Kể từ năm 1903, nhiều cái tên đoạt giải thưởng Goncourt đã đi vào lịch sử văn học thế giới như: Proust, Malraux, Simone de Beauvoir, Duras… và Goncourt đã trở thành giải thưởng văn học uy tín và có thẩm quyền nhất ở Pháp.
Giải thưởng ban đầu cho những người chiến thắng là 5.000 franc do Edmond de Goncourt quy định, đã được đổi thành 50 franc vào năm 1960 do lạm phát. Giờ đây giá trị giải thưởng còn lại chỉ vẻn vẹn 10 euro. Tuy nhiên, tiền thưởng chỉ mang tính biểu tượng, vì tác phẩm đoạt giải không chỉ nổi tiếng ở Pháp, mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng, trung bình bán được 400.000 bản, chỉ cần đoạt giải, tác giả sẽ nổi tiếng thế giới, vậy nên danh tiếng là chuyện lớn, tiền thưởng là chuyện nhỏ.
Cũng như bất kỳ giải thưởng nào khác, giải thưởng Goncourt thường xuyên bị chỉ trích là đã “bỏ sót” các tác giả lớn lừng lẫy của thế kỷ 20, đặc biệt là: Guillaume Apollinaire và Colette (người sau này trở thành thành viên và sau đó là chủ tịch của Hội đồng Goncourt).
Trong số những tác giả Pháp được thế giới yêu thích, công nhận, thậm chí các tác gia Pháp đoạt giải Nobel cũng bị giải Goncourt xa lánh có tên của André Gide, Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Claude Simon, Françoise Sagan, Le Clézio…
Giải Goncourt mang lại danh tiếng cho nhà văn, lợi nhuận cho nhà xuất bản. Ảnh: legideon. |
Đổi đời nhờ đoạt giải Goncourt
Nhưng dù cho thế nào, Goncourt vẫn là giải thưởng văn học được thèm muốn nhất ở Pháp, lợi ích tiền bạc và danh tiếng giải thưởng Goncourt mang lại, không có gì sánh kịp, nó có thể thay đổi số phận của tác giả và thậm chí cả nhà xuất bản. Người ta đã tính ra được lợi nhuận cho nhà xuất bản ít nhất sẽ là ba triệu euro trong vòng tám tuần kể từ khi nhận được giải thưởng.
Michel Tournier không một xu dính túi và gần như sống trên đường phố sau những năm đầu thất nghiệp, cho đến khi cuốn tiểu thuyết Chúa tể đầm lầy của ông giành được giải thưởng Goncourt năm 1970 và bán được 2 triệu bản.
Nhà văn Nga Andreï Makine đang trong tình trạng nghèo đói, ông từng phải sống tạm trong nghĩa trang khi đến Pháp, sau đó ông trở nên nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Di chúc Pháp, đoạt giải năm 1995 ngay sau đó đã bán được 2,5 triệu bản.
Jérôme Lindon, Giám đốc nhà xuất bản Minuit, từng thừa nhận rằng hai chiến thắng cho cuốn Người tình của Marguerite Duras năm 1984 và cuốn Chiến trường vinh quang của Jean Rouaud năm 1990 đã giúp nhà xuất bản của ông thoát khỏi phá sản.
Chính vì vậy, giải thưởng Văn học Goncourt đã trở thành mục tiêu được các nhà văn và nhà xuất bản. Quá trình trao giải thường sẽ có tính cạnh tranh gay gắt.
Thierry Laget, trong cuốn sách Proust, giải Goncourt: một cuộc bạo loạn văn học, có kể câu chuyện về giải thưởng Goncourt năm 1919 qua các tài liệu thời đó, đặc biệt phân tích báo chí tỉ mỉ. Quả thật là một cuộc bạo loạn văn học, kết quả giải Goncourt năm 1919 đã khiến cho báo giới tốn không biết bao nhiêu là giấy mực.
Năm ấy, giải thưởng Goncourt gần như là sự cạnh tranh giữa tiểu thuyết Cây thánh giá gỗ của Roland Dorgelès và Dưới bóng những cô gái đương hoa (Tập 2 kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất) của Marcel Proust.
Cây thánh giá gỗ mô tả cuộc sống của binh lính Pháp trong Thế chiến thứ nhất, và bày tỏ lòng thương tiếc của người dân Pháp đối với những người chết lúc bấy giờ, chiến tranh vừa kết thúc, thế nên cuốn sách đã trở thành ứng viên nặng ký nhất cho giải thưởng Goncourt.
Còn tiểu thuyết của Proust không nói gì về cuộc chiến vừa kết thúc, và thêm cái nữa là Proust với tình trạng sức khỏe yếu ớt, đã không tham gia chiến đấu. Tuy nhiên, một mặt nước Pháp mong muốn quên đi nỗi kinh hoàng của cuộc chiến và nhìn về tương lai, nhưng mặt khác, nhiều người vẫn cảm thấy cần phải tưởng nhớ những người lính hy sinh cùng những đau thương đã xảy ra, và người ta muốn nỗi đau được vang vọng trong các tiểu thuyết chiến tranh. Nhưng cuối cùng, Dưới bóng những cô gái đương hoa đã chiến thắng Cây thánh giá gỗ với số phiếu sít sao 6/10 phiếu.
Giải thưởng làm dấy lên một làn sóng bất bình của giới cựu chiến binh và những ai phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến: những người chậm xuất ngũ, hoặc phải chịu ảnh hưởng của tham ô tái thiết, những kẻ trục lợi chiến tranh, những khó khăn của cuộc sống sau chiến tranh ở những vùng đổ nát…
Nhà xuất bản Albin Michel, lợi dụng việc công khai phiếu bầu giải thưởng, đã xuất bản cuốn Cây thánh giá gỗ ngoài bìa ghi rõ: Được 4 phiếu trên 10 phiếu bầu chọn giải thưởng Goncourt.
Tuy bị nhà xuất bản Gallimard kiện, rồi phải bồi thường thiệt hại hơn 2.000 franc, nhưng cách báo chí và công luận bàn tán xôn xao về giải thưởng Goncourt... Proust, Dorgelès và các nhà xuất bản của họ hoàn toàn nhận thức được rằng các bài báo được xuất bản, dù đáng khen hay không, đều khiến mọi người bàn tán về tác giả và tác phẩm. Và họ đã không nhầm: vào năm 1920, Dưới bóng những cô gái đương hoa đã được in lần thứ 42.