Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình yêu đồng tính bi thảm hơn 100 năm trước

Được văn hào Proust viết và giữ kín vào cuối những năm 1890, 9 câu chuyện táo bạo về đồng tính luyến ái sẽ ra mắt mùa thu này.

Chạm vào chủ đề đồng tính luyến ái, các câu chuyện được Marcel Proust viết trong những năm 1890, lúc ông mới 20 tuổi. Khi xuất bản Les Plaisirs et les Jours - ấn phẩm đầu tiên của Proust bao gồm thơ, văn xuôi, ra mắt năm 1896 - tác giả đã không đưa 9 câu chuyện này vào.

Những năm 1950, 9 tác phẩm được phát hiện bởi Bernard de Fallois - một chuyên gia về Proust. Chuyên gia này sở hữu nhà xuất bản Éditions de Fallois, sẽ xuất bản các tác phẩm vào tháng 10. Ấn phẩm ra mắt 97 năm sau sự ra đi của Proust với tên Le Mystérieux Correspondant (Phóng viên bí ẩn).

Se xuat ban 9 cau chuyen bi mat cua Proust anh 1
Marcel Proust. Ảnh: Getty Images

Đại diện nhà xuất bản Pháp tiết lộ những câu chuyện cho thấy nguồn gốc của kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất (đã phát hành 7 tập từ năm 1913 tới 1927).

"Tất cả truyện trong số đó đều còn bí mật, nhà văn chưa bao giờ nói về chúng", đại diện nhà xuất bản Éditions de Fallois cho biết. Các tác phẩm này gợi lên nhận thức về đồng tính luyến ái của Proust ở tuổi 20, hầu hết nhận thức ấy theo hướng bi thảm về một lời nguyền.

Proust không bao giờ công khai thừa nhận mình đồng tính, ông còn đi xa đến mức từng đấu tay đôi với một nhà phê bình khi người này nói bóng gió rằng văn hào là người đồng tính.

“Proust rất muốn làm tình với những chàng trai trẻ, nhưng ông ấy quyết tâm tránh cái mác ‘đồng tính luyến ái’”, nhà văn Edmund White viết trong cuốn tiểu sử về Proust. Ông cho rằng các tác phẩm sẽ cho thấy “người ta có thể viết về đồng tính luyến ái rất dài, miễn là người ta không gán nó cho chính mình”. Theo White, Proust luôn kín đáo nhưng bí mật này là vô lý vì những người sống gần đại văn hào đều biết ông là gay.

Giáo sư Luc Fraisse ở Đại học Strasbourg (Pháp) là người chú thích và chỉnh sửa các câu chuyện cho ấn bản sắp tới. Sách dày 176 trang, dự định đánh dấu ấn 100 năm Proust nhận giải thưởng danh giá nhất của Pháp, Prix Goncourt, cho Dưới bóng những cô gái đương hoa (tập 2 của Đi tìm thời gian đã mất).

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Proust lại loại bỏ 9 truyện này ra khỏi tuyển thơ văn đầu tiên của mình. “Không nghi ngờ gì nữa, ông cho rằng vì sự táo bạo của mình, những truyện ngắn ấy có thể động chạm đến một môi trường xã hội chưa cởi mở, nơi đạo đức truyền thống chiếm ưu thế”, Fraise viết.

Fraise cho biết chủ đề chính của các câu chuyện “phân tích về tình yêu thể xác bị từ chối một cách bất công”, điều mà Proust có nhắc tới trong Đi tìm thời gian đã mất, thể hiện rõ nhất trong tập 4 Sodome và Gomorrhe.

Se xuat ban 9 cau chuyen bi mat cua Proust anh 2
Một bức ảnh được Proust lưu giữ. Trong ảnh, Lucien Daudet (đứng, bên phải) đang trìu mến nhìn Proust (ngồi). Ảnh: Getty Images

Nhận thức về đồng tính luyến ái trong truyện được trải nghiệm theo một cách bi thảm, như một lời nguyền. Fraise nói rằng trong những câu chuyện chưa được công bố, Proust đã có sự thành thạo trong cách hành văn. Những trang bản thảo này chưa có sự hoàn hảo của Đi tìm thời gian đã mất, nhưng chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về kiệt tác, cho ta thấy khởi đầu của tác phẩm đó là gì.

Proust qua đời năm 1922 ở tuổi 51 sau khi bệnh viêm phổi biến thành viêm phế quản. Vào thời điểm ông qua đời, một bản cáo phó trên báo chí mô tả ông ấy là một người lạ, rất nhợt nhạt, đôi mắt đen, yếu đuối và thấp bé. Nhưng bản tin ấy thừa nhận, trong số tất cả thần tượng và bậc thầy văn học ở Pháp, Proust đã giành được một vị trí mà thời gian không lấy đi được.

Marcel Proust không công khai đồng tính, nhưng nhiều bạn bè của ông đã khẳng định tính xác thực chuyện này trong các quyển hồi ký được xuất bản sau khi ông mất. Nhà văn Jean Lorrain đã đặt nghi vấn về mối quan hệ giữa ông với Lucien Daudet. Từng có những ghi chép lại chuyện tình lãng mạn giữa Proust với nhà soạn nhạc Reynaldo Hahn, tình cảm dành cho thư ký Alfred Agostinelli... 

Đi tìm thời gian đã mất còn được cho là đi trước thời đại khi sở hữu nhiều nhân vật đồng tính, song tính như Baron de Charlus, Robert de Saint-Loup, Albertine Simonet...

Đinh Huyền

Bạn có thể quan tâm