Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà vận động cắt ngang lời ông Biden tại COP27

Bốn nhà vận động môi trường người Mỹ đã bị thu hồi giấy phép tham dự COP27 sau khi làm gián đoạn bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập.

Bốn nhà hoạt động hô hào và giương biểu ngữ trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại COP27 hôm 11/11. Ảnh: Reuters.

Big Wind, Jacob Johns, Jamie Wefald và Angela Zhong mới đây đã bức xúc lên tiếng sau khi bị buộc bỏ lỡ tuần thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27), Guardian đưa tin ngày 18/11.

Johns, 39 tuổi, một nhà tổ chức cộng đồng tại bang Washington từ bộ lạc Akimel O'otham và Hopi ở Mỹ, nói: “Tiếng nói của chúng tôi đã bị chặn lại. Sự sụp đổ của khí hậu đang đến, chúng tôi thực sự đang chiến đấu cho cuộc sống của mình. Nếu chúng chúng không được phép vận động cho tương lai của mình, thì ai sẽ làm? Thật đáng xấu hổ”.

Wind, 29 tuổi, cộng tác viên bảo tồn người bản địa ở Mỹ của Hội đồng Ngoài trời Wyoming và là thành viên của bộ lạc Bắc Arapaho, cho biết: “Đây là một ví dụ rõ ràng về việc những người bản địa và thanh niên cấp tiến bị bịt miệng, chúng tôi bị chặn tiếng khi cố gắng bày tỏ sự thất vọng của mình”.

Bốn nhà hoạt động bị tước giấy phép tham dự COP27 vì đứng dậy và giơ biểu ngữ “People vs Fossil Fuels” (tạm dịch: Hoặc con người, hoặc nhiên liệu hóa thạch) trong thời gian ngắn khi Tổng thống Joe Biden đang phát biểu hôm 11/11.

Họ được cho là đã hô hào nhằm thu hút sự chú ý đến cuộc khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch. Sau một vài phút làm gián đoạn, họ ngồi yên lặng trong suốt phần còn lại của bài phát biểu trước khi bị nhân viên an ninh của Liên Hợp Quốc tịch thu biểu ngữ và hộ tống ra ngoài.

Các nhà hoạt động đã khiếu nại về trường hợp của họ đối với Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

COP27 là một trong những hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc được cho là kiểm soát chặt nhất.

Ai Cập cấm mọi cuộc biểu tình hoặc hành động không được phép diễn ra bên trong hoặc bên ngoài trung tâm hội nghị. Một số đại biểu của hội nghị đã bị bắt, trục xuất, trong khi hàng trăm thường dân Ai Cập bị bắt ở Cairo giữa những tin đồn về các cuộc biểu tình chính trị.

Bên trong trung tâm hội nghị, được gọi là vùng xanh lam, các quan chức an ninh mặc thường phục theo dõi để không ai có thể có hành động biểu tình, dù là về vấn đề khí hậu hay những vấn đề khác.

Bốn nhà hoạt động của Mỹ, những người đã vật lộn để giành được tấm vé xem buổi phát biểu của ông Biden, cho biết họ muốn chỉ ra các giải pháp thị trường sai lầm đang được thúc đẩy bởi Mỹ và các nền kinh tế phương Tây khác.

Wefald, một nhà hoạt động khí hậu 24 tuổi đến từ Brooklyn, cho biết: “Chúng tôi muốn tạo ra một khoảnh khắc thay mặt cho tất cả cộng đồng tiền tuyến ở phía bắc và phía nam toàn cầu để yêu cầu các giải pháp khí hậu thực sự”.

“Cơ quan an ninh của Liên Hợp Quốc nói rằng lời kêu gọi của chúng tôi đã khiến cuộc sống của mọi người gặp nguy hiểm và giờ đây chúng tôi bị coi là mối đe dọa an ninh. Phù hiệu của chúng tôi đã bị thu hồi và chúng tôi phải rời đi”, John nói.

Người phát ngôn của UNFCCC cho biết không có hoạt động vận động chính sách nào được phép diễn ra trong phòng họp toàn thể và phòng hội nghị, đồng thời bốn người này đã bị đình chỉ vì vi phạm quy tắc ứng xử. “Quyết định cuối cùng về việc thu hồi giấy phép sẽ được đưa ra sau khi điều tra thêm về vấn đề này”, họ nói.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Giới trẻ nổi giận với 'những bàn tay dính dầu'

Dù thiếu vắng nhà hoạt động khí hậu nổi tiếng Greta Thunberg, thế hệ trẻ vẫn đang "định hình kết quả tại hội nghị COP27".

Thông điệp không được thế giới mong muốn của ông Biden

Thông điệp mà Tổng thống Biden mang đến hội nghị thượng đỉnh COP27 ở Ai Cập không như các nước khác mong muốn: Tung ra luật khí hậu mới thay vì nói chuyện đóng góp tài chính.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm