Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

COP27 bàn về phát thải từ thịt nhưng 'đại biểu bốc mùi thịt nướng'

Các gian hàng bên ngoài COP27 vẫn bán các sản phẩm làm từ thịt, thứ gây phát thải hàng đầu, và nhiều đại biểu đến dự họp với cơ thể "còn thơm mùi thịt nướng".

hoi nghi COP27 anh 1

Theo Reuters, vào mỗi buổi sáng, bên ngoài các địa điểm tổ chức của hội nghị chống biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc COP27, người ta có thể bắt gặp nhiều người biểu tình chống hoạt động chăn nuôi và tiêu thụ thịt.

Trong các trang phục hình con bò và con lợn, những người này cầm theo các biển hiệu lên án những tác động của ngành chăn nuôi tới môi trường, bao gồm lượng khí nhà kính lớn mà ngành này thải ra.

"Hãy trở thành những người ăn chay. Hãy tự giải thoát cho bản thân mình", những người biểu tình hô to.

Các tổ chức xã hội và công ty khởi nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về sự kiện kéo dài 2 tuần ở Ai Cập để gây áp lực lên hàng trăm nhà hoạch định chính sách tham dự hội nghị nhằm giảm sự phụ thuộc của thế giới vào các loại thịt, đồng thời tuyên truyền về vai trò của ngành chăn nuôi đối với tình trạng nóng lên toàn cầu.

Yêu cầu của những nhóm này rất đa dạng, từ việc giảm tiêu thụ thịt trên toàn cầu đến thông qua những chính sách về việc sản xuất thịt bằng công nghệ tế bào gốc, được dự đoán sẽ loại bỏ nhu cầu tăng sản xuất lương thực cho động vật, giảm số lượng trang trại chăn nuôi và lò mổ.

Tác hại đến môi trường của hoạt động chăn nuôi

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Illinois được công bố vào năm 2021, hoạt động chăn nuôi bò, cừu, lợn và các giống vật nuôi khác chiếm khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Các nhà khoa học lo ngại con số này có thể lớn hơn sau khi kết quả một nghiên cứu gần đây nhằm đo khí thải tại một số trang trại ở Mỹ được công bố. Theo đó, việc sử dụng máy bay đo lường khí metan tại các trang trại đã cho kết quả tệ hơn nhiều so với dự đoán của các nhà nghiên cứu.

hoi nghi COP27 anh 2

Thành viên các tổ chức vận động ngừng tiêu thụ các sản phẩm từ thịt tham gia các cuộc bàn luận tại hội nghị COP27. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi đã dự đoán sai hoàn toàn. Mỗi lần chúng tôi đo dữ liệu thực tế, kết quả thu được tệ hơn nhiều so với số liệu chính thức", Matthew Hayek, nhà nghiên cứu tại Đại học New York, cho biết.

Lần đầu tiên sau gần 30 năm tổ chức hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, đại diện từ gần 200 quốc gia tham dự COP27 đã tổ chức các cuộc thảo luận tập trung vào tác động của hoạt động chăn nuôi tới biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng thịt và sữa chưa phải vấn đề được cộng đồng quốc tế bàn luận tới khi nhiều quốc gia đã tri hàng tỷ USD để trợ cấp cho nông dân chăn nuôi.

Thay vào đó, các cuộc bàn luận tập trung vào việc thông qua các chính sách đầu tư vào công nghệ đồ ăn chăn nuôi nhằm giảm lượng phát thải khí metan từ động vật và đầu tư công nghệ thu khí metan từ chất thải chăn nuôi.

Tuy nhiên, những cuộc bàn luận trên không đủ để thuyết phục các nhà hoạt động.

"Những giải pháp được đề xuất không phải cách chúng ta đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Chúng ta phải chấm dứt việc chăn nuôi động vật", Max Weiss, thành viên một nhóm vận động thúc đẩy chế độ ăn không sử dụng thịt cho biết.

Các nhà khoa học cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả của các giải pháp được các doanh nghiệp chăn nuôi ủng hộ.

hoi nghi COP27 anh 3

Những người tham dự hội nghị COP27 xếp hàng trước một kiot bán đồ ăn chay. Ảnh: Reuters.

Andy Reisinger, một chuyên gia khí thải nông nghiệp và phó chủ tịch diễn đàn khí hậu của Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), cho biết việc thêm các phụ gia trong thức ăn chăn nuôi có thể thúc đẩy quá trình làm nông nghiệp.

"VIệc thêm phụ gia sẽ đẩy mạnh quá trình sản xuất thịt và chăn nuôi, đòi hỏi diện tích đất nông nghiệp lớn hơn để trồng thức ăn chăn nuôi, dẫn đến tăng phát thải khí nhà kính", ông Reisinger trả lời Reuters.

Một báo cáo được công bố vào hôm 15/11 của Quỹ Biến đổi Thị trường, một tổ chức vận động phát triển bền vững, cho thấy lượng khí thải từ 15 doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất sữa lớn nhất thế giới lớn hơn so với tổng lượng phát thải khí nhà kính của Đức.

Những giải pháp sản xuất thịt một cách thân thiện với môi trường

Những nhà hoạt động chống sử dụng thịt đã tập trung biểu tình chống các kiot bán các món ăn như thịt gà và hamburger tại hội nghị COP27. Những nhà hoạt động nói rằng các món ăn trên không nên được bán tại một hội nghị về khí hậu.

"Khi các đại biểu tới hội nghị, cơ thể họ đầy mùi thịt nướng. Điều này khiến tôi liên tưởng đến một xã hội ngày càng xuống dốc", Weiss cho biết.

Nhưng không phải ai đến dự hội nghị cũng quan tâm đến loại đồ ăn được bầy bán. Nhiều doanh nghiệp tham dự hội nghị đã đề xuất ý tưởng thương mại hóa việc nuôi cấy thịt trong các thùng kim loại sử dụng công nghệ lên men vi sinh.

hoi nghi COP27 anh 4

Các sản phẩm hamburger chay được phát miễn phí tại hội nghị chống biến đổi khí hậu COP27. Ảnh: Reuters.

Những doanh nghiệp này muốn thực hiện mục tiêu cung cấp các loại thịt mà không gây ra những tác động tiêu đến môi trường cực từ hoạt động chăn nuôi và làm nông nghiệp.

"Chúng tôi nghĩ mọi người thích ăn thịt. Chúng tôi chỉ đang tìm kiếm một giải pháp thân thiện với môi trường hơn để cho mọi người những gì họ muốn", Josh Tetrick, giám đốc điều hành công ty GOOD Meat cho biết.

Công ty này đã cho người tham dự hội nghị nếm thử sản phẩm thịt gà được nuôi cấy bằng công nghệ tế bào gốc tại một sự kiện bên lề COP27.

Cho đến nay, GOOD Meat đã nhận được một số đơn hàng từ Singapore và đang đầu tư vào việc nâng công suất sản xuất tại Mỹ với hy vọng chính phủ nước này sẽ sớm cấp phép cho việc buôn bán các loại thịt được nuôi cấy bằng công nghệ tế bào gốc.

Tuy mùi vị và kết cấu sản phẩm do GOOD Meat tạo ra tương đương với thịt gà thật, giá thành sản xuất các sản phẩm trên cao gấp 10 lần so với các phương pháp chăn nuôi truyền thống.

"Chúng tôi cần phải khắc phục vấn đề này", Tetrick cho biết.

Helena Wright, giám đốc chính sách tại mạng lưới đầu tư tập trung vào nông nghiệp bền vững FAIRR Initiative, cho biết bà và đồng nghiệp cảm thấy được thúc đẩy từ chương trình nghị sự tập trung vào ngành thực phẩm tại COP27.

"Các cuộc đối thoại đã bắt đầu. Và dù chính phủ các quốc gia có hành động hay không, thị trường đã bắt đầu thay đổi để bắt kịp xu hướng này", bà Wright cho biết.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thủ tướng Pakistan: Thế giới đang cháy nhanh hơn

Phát biểu tại COP 27 hôm 8/11, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif khẳng định biến đổi khí hậu đang vượt quá khả năng đối phó của các quốc gia đang phát triển.

Ông Guterres cảnh báo thế giới

Trước thềm hội nghị COP 27, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo cách biệt giữa các nước phát triển và nước nghèo sẽ cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

An Bình

Bạn có thể quan tâm