Ngày 23/9, Bloomberg trích tin từ quan chức Nhà Trắng cho biết sắc lệnh đang được soạn thảo. Bản dự thảo chỉ đạo các cơ quan chống độc quyền Mỹ “điều tra thấu đáo xem liệu có bất cứ nền tảng trực tuyến nào vi phạm luật chống độc quyền hay không”.
Trong vòng một tháng sau khi sắc lệnh được ký, các cơ quan chính phủ cũng sẽ phải đề xuất biện pháp nhằm “bảo vệ sự cạnh tranh giữa các nền tảng trực tuyến và giải quyết vấn đề thiên vị đối với các nền tảng này”.
Nhà Trắng đã dự thảo sắc lệnh điều tra Google và Facebook. Ảnh: Reuters. |
“Bởi vai trò quan trọng của họ trong xã hội Mỹ, điều cần thiết là bảo vệ công dân khỏi những hành động chống cạnh tranh của các nền tảng trực tuyến chiếm ưu thế”, Bloomberg trích sắc lệnh.
Tài liệu này cho biết thêm nguy hại đối với người tiêu dùng có thể xảy ra khi có “hoạt động thiên vị”. Đây cũng là một nội dung then chốt trong các cuộc điều tra chống độc quyền.
Nếu được ký, sắc lệnh này cho thấy sự phẫn nộ của Tổng thống Donald Trump đối với Google, Facebook, Twitter và các công ty truyền thông xã hội khác. Ông Trump thường công khai cáo buộc các công ty này cản trở tiếng nói bảo thủ và các nguồn tin tức trên mạng.
“Truyền thông xã hội đang hoàn toàn phân biệt đối xử chống lại tiếng nói của đảng Cộng hòa/ Bảo thủ. Đại diện cho chính quyền Trump lên tiếng to và rõ ràng, chúng tôi sẽ không để chuyện đó xảy ra. Họ đang chèn ép ý kiến của cánh hữu trong khi những người khác thì được để yên”, Tổng thống Trump đăng trên Twitter hồi tháng 8.
Đại diện Facebook, Twitter, Google điều trần tại quốc hội vào năm 2017. Ảnh: AP. |
Trong những phiên điều trần trước quốc hội, các công ty truyền thông xã hội thừa nhận nỗ lực ngăn chặn quấy rối trên mạng đôi khi dẫn tới việc phạt sai các nhân vật chính trị của cả phe cánh hữu và tả, nhưng lỗi được sửa ngay khi phát hiện. Họ khẳng định không có bất kỳ nỗ lực mang tính hệ thống nào nhằm chặn tiếng nói của đảng Bảo thủ.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm nay cho biết 72% người Mỹ và 85% người thuộc phe Cộng hòa cho rằng các công ty truyền thông xã hội có xu hướng cố tình kiểm duyệt quan điểm chính trị mà các công ty này phản đối.
Dẫu vậy, kể cả trong cánh hữu cũng tồn tại nghi ngại về cuộc điều tra của chính quyền Trump đối với các công ty.
Hôm 21/9, các nhóm theo thiên hướng tự do, gồm FreedomWorks và Hội đồng giao dịch lập pháp Mỹ (ALEC) gửi thư tới Bộ Tư pháp bày tỏ “nỗi e sợ” rằng cuộc điều tra, thông qua việc đe dọa, “sẽ thực hiện những gì Tu chính án thứ nhất cấm – đó là can thiệp vào sự đánh giá của báo chí".
Tu chính án thứ nhất bảo vệ các quan điểm chính trị khỏi sự kiểm soát của chính phủ.