Nghị viện châu Âu đang chia rẽ trước dự thảo luật về bản quyền mới, bản sửa đổi từ chỉ thị năm 2001 về bản quyền và được soạn thảo để thích nghi với kỷ nguyên số.
Một trong những điểm gây tranh cãi trong dự thảo là các nền tảng nội dung online như Google và Facebook phải có hệ thống lọc để chặn các nội dung như ảnh và video vi phạm bản quyền. Ngoài ra, các "phương tiện truyền thông mới" sẽ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí để lấy quyền chia sẻ các bài báo và nội dung được bảo hộ bản quyền khác, điều bị một số người chỉ trích gọi là "đánh thuế" lên đường link.
Luận điểm hình thành điều luật này là việc các nền tảng như Google, Facebook hoặc Twitter đã thu về lợi nhuận từ quảng cáo dựa trên những thông tin của báo chí và các tờ báo có quyền "lân cận" được chia sẻ phần lợi nhuận đó.
Phiên bỏ phiếu gần nhất bị trì hoãn vì bất đồng và sẽ bắt đầu lại vào ngày 10/9.
Zing.vn dịch bài viết của nhà báo Sammy Ketz, trưởng văn phòng đại diện của AFP tại Baghdad, Iraq, một người ủng hộ dự luật này. Ông cho rằng báo chí đã bị các nền tảng nội dung "hút máu" quá lâu.
Ông Sammy Ketz, phóng viên chiến trường của AFP, ngồi thụp trên mặt đất tránh những viên đạn của lính bắn tỉa tại thị trấn Maalula, Syria, ngày 18/9/2013. Ảnh: AFP |
Nền tảng hưởng lợi dù không trả một xu nào
Tôi đến Mosul, nơi từng là thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq, để đưa tin về những đứa trẻ trở lại trường học sau 3 năm trường của chúng bị IS đóng cửa. Tôi nghĩ xem làm cách nào để diễn tả được niềm vui của lũ trẻ, trở lại những chiếc bàn học từng bị cấm ngồi, trong một thành phố bị cuộc chiến tàn phá.
Tôi ngồi trong một quán ăn với phóng viên ảnh, video và tài xế trước giờ trở về thủ đô Baghdad, tôi đọc một bài báo về cuộc tranh luận giữa EU về kế hoạch ban hành "luật hàng xóm" áp dụng cho truyền thông. Thật ra, bản tin đó không khiến tôi bất ngờ.
Sau 5 năm trải qua các chiến trường hoang tàn ở Syria, sống sót khỏi những viên đạn của lính bắn tỉa hoặc đạn từ súng cối của các tay súng, tôi trở lại Iraq lần thứ 3 kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở đây vào năm 2003. Trong hơn 40 năm đưa tin, tôi chứng kiến cảnh số lượng phóng viên tại hiện trường đã giảm xuống nhanh chóng trong khi những mối nguy hiểm liên tục tăng.
Chúng tôi trở thành mục tiêu tấn công và cái giá (mà phóng viên) phải trả cho các bản tin ngày càng tăng lên. Đã qua rồi cái thời tôi có thể bước vào một cuộc chiến chỉ với áo khoác, hoặc áo cộc tay, cầm theo thẻ căn cước trong túi, bước đi bên cạnh một phóng viên ảnh hoặc phóng viên video. Giờ thì chúng tôi cần áo chống đạn, xe bọc thép, đôi lúc cả vệ sĩ và mua kèm bảo hiểm. Ai trả tiền cho tất cả những thứ đó? Các tờ báo, và đó là một giá đắt.
Các tờ báo là bên trả tiền cho nội dung, gửi đi những phóng viên dám liều cả mạng sống của mình để mang về những thông tin đáng tin, hoàn chỉnh, trung thực và đa dạng. Nhưng họ không phải là nơi nhận về nhiều lợi nhuận nhất, mà chính là các nền tảng Internet.
Họ hưởng lợi trên việc đưa tin của chúng tôi mà không phải trả xu nào. Việc này bất công, cả về mặt đạo đức lẫn các nguyên tắc dân chủ.
Người dân Mosul đang trong thời gian vật lộn xây dựng lại cuộc sống sau 3 năm bị IS chiếm đóng. Ảnh: Reuters. |
Nhiều người bạn của tôi đã phải ngừng làm báo vì hãng tin của họ đóng cửa hoặc không đủ khả năng trả lương cho họ nữa. Cho đến ngày họ bỏ bút và máy ảnh xuống, chúng tôi đã chia sẻ nỗi sợ kinh hoàng của việc nấp sau một bức tường cũng đang rung lên vì một vụ nổ - không khác gì chúng tôi đang run rẩy; chúng tôi chia sẻ cả niềm vui không diễn tả được của việc đã thành công, có thể nói với thế giới "sự thật" chúng tôi chứng kiến; chia sẻ với nhau những cuộc gặp kỳ lạ với những thủ lĩnh phiến quân trong cuộc chiến, những binh sĩ được trang bị vũ khí đang vừa cười vừa đùa giỡn với khẩu súng lục hoặc con dao găm của họ rồi xem chúng tôi phỏng vấn thủ lĩnh của họ; những nỗi buồn sâu thẳm khi thấy dân thường bị sốc hay mắc kẹt (bởi cuộc chiến), những người phụ nữ luống cuống bảo vệ con khi đạn bay vèo vèo, găm trên những bức tường ở trại tị nạn mà họ vừa tới.
Những lời nói dối của Facebook, Google
Trong thời gian dài, báo chí đã trải qua nhiều nỗi đau trước khi bị rút máu về tài chính và vật lộn với những hậu quả của nó - hơn là chiến đấu với những nguyên nhân. Họ phải cho nghỉ bớt nhân viên, nhiều đến mức ngớ ngẩn.
Giờ thì họ yêu cầu quyền lợi của mình được tôn trọng, để họ có thể tiếp tục đưa tin. Họ chỉ đơn giản yêu cầu doanh thu được chia sẻ với những người sản xuất nội dung, dù đó là nghệ sĩ hay nhà báo. Đó là ý nghĩa của "quyền lân cận".
Facebook thu về lợi nhuận 1 tỷ USD trong năm 2017. Ảnh: AFP. |
Chúng tôi không thể nuốt nổi những lời nói dối của Google hay Facebook rằng sự điều chỉnh của EU sẽ đe dọa cơ hội tiếp cận Internet miễn phí của người dân. Sự tiếp cận các trang web miễn phí sẽ tiếp tục nếu các "ông lớn" Internet, những người đang sử dụng nội dung báo chí miễn phí, có thể trả tiền lại cho các tờ báo mà không bắt người đọc phải trả tiền.
Khó khăn ư? Hay bất khả thi? Không hề. Facebook thu về lợi nhuận 16 tỷ USD trong năm 2017 trong khi Alphabet (công ty mẹ của Google) lời 12,7 tỷ USD. Họ chỉ đơn giản chỉ phải trả cái phần nghĩa vụ của mình. Đó là cách các tờ báo có thể tồn tại trong khi những người khổng lồ Internet có thể đóng góp vào sự đa dạng và tự do của báo chí, thứ mà họ tuyên bố rằng họ ủng hộ.
Tôi đoan chắc rằng các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu, những người từng bị dẫn dắt bởi các nhóm vận động hành lang, giờ đây đã hiểu rằng tự do truy cập Internet không bị đe dọa. Thứ bị đe dọa là tự do báo chí, bởi khi các tờ báo hết phóng viên, thứ tự do đó (cái được chính trị gia tất cả các bên ủng hộ) sẽ mất đi.
Không biết bao nhiêu lần trong đời, tôi đứng trước những người bị phong tỏa, bị cô lập và tay không tấc sắt, những người chỉ cầu xin một điều: "Hãy nói với mọi người điều mà anh thấy. Rồi chúng tôi sẽ có cơ hội được cứu". Tôi có nên trả lời họ: "Không, đừng hy vọng gì. Chúng tôi là những nhà báo cuối cùng. Sẽ sớm thôi, không còn ai ở đây nữa vì thiếu tiền"?
Ông Ketz cho rằng chi phí sản xuất thông tin ngày càng cao trong khi các tờ báo lại bị thiệt hại từ những nền tảng nội dung như Facebook, Google và Twitter. Ảnh: Reuters. |
Facebook và Google không có nhà báo nào và không hề sản xuất ra nội dung báo chí. Nhưng họ được trả tiền cho những quảng cáo gắn kèm với nội dung mà các nhà báo làm ra.
Giờ là lúc hành động. Nghị viện châu Âu phải bỏ phiếu thông qua "quyền lân cận" vì sự tồn tại của nền dân chủ mà báo chí là một trong những biểu tượng quan trọng nhất.