Sau vụ cháy hôm 15/4, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự tiếc thương đối công trình tôn giáo lịch sử được xem là biểu tượng của nước Pháp cũng như văn hóa châu Âu, đồng thời khẳng định sự đồng lòng cùng người dân Pháp vượt qua mất mát.
Jean Clauder Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói Nhà thờ Đức Bà "thuộc về toàn thể nhân loại. Nó đã truyền cảm hứng cho các văn sĩ, họa sĩ, triết gia và du khách trên toàn thế giới", theo AFP. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định nhà thờ ở Paris là "của cả châu Âu".
Tòa thánh Vatican bày tỏ sự đoàn kết với giáo hội Công giáo Pháp và người dân Paris, cầu nguyện cho "những người lính cứu hỏa và những ai đã nỗ lực hết mình" để cứu lấy công trình.
Nhà thờ Đức Bà là công trình biểu tượng của Paris và nước Pháp. Ảnh: AP. |
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông cảm thấy bàng hoàng trước những hình ảnh về vụ cháy tại công trình mà ông nói là "hình mẫu độc nhất vô nhị của di sản thế giới, đã đứng vững từ thế kỷ 14". Trong khi đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) khẳng định sẽ cùng Pháp "cứu và khôi phục di sản vô giá".
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông cảm thấy "kinh hoàng khi nhìn thấy ngọn lửa khủng khiếp", cho rằng có thể dùng phương tiện bay chở nước dập tắt đám cháy.
Tuy nhiên, đề xuất của ông sau đó đã bị phản bác là quá nguy hiểm vì "có thể khiến toàn bộ kiến trúc sụp đổ".
Chính phủ Anh, Đức, Italy, Áo, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovakia, Malta, Hy Lạp cũng như Nhật Bản, Lebanon, Ai Cập đều đã gửi lời chia buồn với Pháp, nhấn mạnh tầm quan trọng về văn hóa và lịch sử công trình.
"Những hình ảnh khủng khiếp về Nhà thờ Đức Bà bị cháy thật đau lòng. Nhà thờ Đức Bà là biểu tượng của Pháp và của văn hóa châu Âu chúng ta", người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Lính cứu hỏa tại hiện trường vụ cháy. Ảnh: AP. |
"Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy, một sự xúc động lớn, Victor Hugo, một phần của lịch sử Pháp và châu Âu", Thủ tướng Bỉ Charles Michel chia sẻ.
"Vụ hỏa hoạn phá hủy Nhà thờ Đức Bà, di sản thế giới của UNESCO, cũng là mất mát của cả thế giới, và chúng tôi thực sự đau buồn", Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay.
"Hồi tháng 3, đó là Saint-Sulpice (nhà thờ ở Paris bị cháy) và hôm nay là Nhà thờ Đức Bà). Một bi kịch với các tín đồ, một thảm kịch với văn hóa và nghệ thuật thế giới", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bày tỏ.
Vợ chồng cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng gửi lời chia buồn đến người dân Pháp, khẳng định Nhà thờ Đức Bà là "một trong những bảo vật lớn nhất của thế giới".
"Việc chúng ta tiếc thương khi nhìn thấy lịch sử mất đi là điều tự nhiên, nhưng tái thiết cho ngày mai, mạnh mẽ nhất có thể, cũng là bản năng của chúng ta", ông Obama nói.