Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy dữ dội vào tối 15/4, ngọn lửa làm sụp tòa tháp cao nhất dù cấu trúc chính đã được giải cứu thành công. Cả thế giới theo dõi đoạn video livestream ngọn lửa rực cháy với sự bàng hoàng như thể một phần lịch sử của nước Pháp và nhân loại đang "hóa thành khói đen".
Trong bài bình luận trên New York Times, tác giả Pamela Druckerman nói rằng cảm giác chung của người Paris trước vụ cháy là một sự "run rẩy từ bên trong" và là "nỗi thất vọng chung khi chúng tôi không thể bảo vệ nhà thờ".
Cột khói từ Nhà thờ Đức Bà bốc lên bên dòng sông Seine. Ảnh: Reuters. |
Zing.vn xin giới thiệu bài viết này.
Vào đêm 15/4, tôi nhận ra Nhà thờ Đức Bà Paris đang cháy khi một người lạ mặt - một ông già - chặn tôi lại giữa phố. Một chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi vừa chạy ngang qua chúng tôi. Cụ già chỉ vào cột khói phía xa, nói với tôi rằng: "Nó kéo đến Nhà thờ Đức Bà đấy. Nhà thờ đang cháy".
Người Pháp không siêng đi nhà thờ cho lắm. Dẫu có đa số dân theo Công giáo, Pháp là một trong những đất nước ít sùng đạo nhất châu Âu. Các thị dân, tri thức Paris thường không đề cao tôn giáo, xem đó là biểu hiện của một thời xa xưa và chưa khai sáng. Một nhà văn Pháp từng quả quyết với tôi rằng Chúa đã chết vào cuối thập niên 1960.
Thế nhưng ngọn lửa tại Nhà thờ Đức Bà đã làm chấn động tất cả cư dân ở đây. Những hình ảnh quay từ máy bay không người lái cho thấy tòa nhà hình chữ thập chìm hoàn toàn trong biển lửa. Khi Tổng thống Emmanuel Macron xuất hiện trên truyền hình quốc gia vào lúc 23h30 với hình ảnh tòa nhà vẫn đang cháy phía sau, ông gọi Nhà thờ Đức Bà là "thánh đường của mọi người Pháp, của cả những kẻ chưa từng đặt chân đến đó".
Một phần lý do là công trình 856 tuổi đó đã chứng kiến một phần lớn lịch sử nước Pháp. Đó là nơi Vua Henry VI lên ngôi, cũng là nơi mà Napoleon trở thành đại đế. Trong vài giờ khi ngọn lửa đang cháy, các đài truyền hình Pháp đã kịp chiếu tất cả mọi thứ từ đoạn video đám tang cựu tổng thống François Mitterrand cho đến cảnh trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo.
Dù phần lớn người Paris không thường xuyên đến nhà thờ - một số là không bao giờ - Nhà thờ Đức Bà quan trọng hơn là một địa điểm du lịch hoặc một di tích lịch sử. Nó tọa lạc ngay giữa thành phố, từ đó người ta có thể đi bộ đến gần như mọi địa điểm khác, nó cũng nằm cạnh dòng sông chia đôi thành phố. Những cư dân có thể đã không nhận ra điều đó cho đến đêm thứ hai, nhưng tôi nghĩ nhà thờ đã trấn an họ rằng ở trái tim của một thành phố được quy hoạch cao độ là một nơi chốn không duy lý cũng chẳng logic như những luận thuyết của René Descartes. Hình thù gồ ghề và đậm chất Gothic của Nhà thờ Đức Bà gợi lên rằng có điều gì đó bí ẩn và bất khả tri luôn nằm bên trong nó.
Ngọn lửa bùng lên không lâu sau khi Paris trải qua những cú sốc kinh hoàng, bao gồm trận lụt trên sông Seine năm ngoái và chuỗi vụ khủng bố năm 2015.
Trong bài phát biểu đến toàn dân, Tổng thống Macron miêu tả cảm giác của người Paris lúc này là "tremblement intérieur" - sự run rẩy từ bên trong. Đó là mô tả chính xác cho cảm giác trống rỗng và mất mát của chúng tôi. Đó cũng là một nỗi buồn và thất vọng chung rằng, trước những hư hại to lớn đó, chúng tôi đã thất bại, với tư cách một nền văn minh, trong việc bảo vệ những điều vô giá. Một trăm năm sau, người ta vẫn sẽ nói về vụ cháy năm 2019.
Tổng thống Macron hứa rằng nước Pháp sẽ xây lại Nhà thờ Đức Bà. Nhưng trước hết chúng ta phải dập tắt ngọn lửa và xem có còn lại gì.
* Pamela Druckerman là một nhà báo, nhà văn người Mỹ và hiện sống tại Paris, Pháp. Bà làm chủ mục một chuyên mục hàng tháng trên New York Times, chuyên viết về Pháp, các vấn đề liên văn hóa và cuộc sống hàng ngày. Bà cũng là chủ mục Dress Code trên Economist.