Ngọn lửa ngày 15/4 thiêu đốt mái Nhà thờ Đức Bà Paris, thắp sáng đường viền hai tháp chuông thành vầng hào quang cuồng nộ, chiếu rực một góc dòng sông Seine, AFP viết.
Dọc theo cầu Pont au Change, nối giữa hòn đảo Ile de la Cite - nơi nhà thờ tọa lạc - với bờ bắc sông Seine, những dám đông hàng trăm người, gồm cư dân thành phố Paris lẫn du khách, cùng nín thở hồi hộp dõi theo đám cháy. Họ khóc trong bàng hoàng, im lặng và cầu nguyện khi cột khói đen vẫn chưa ngừng tan vào bầu trời đêm.
Tháp cao nhất và mái vòm của nhà thờ đã bị phá hủy. Ảnh: AP. |
Ave Maria
Giữa những cảm xúc hỗn độn, Stephane Seigneurie, 52 tuổi, hòa cùng một nhóm thì thầm hát bài thánh ca Ave Maria bằng tiếng Latin. Ông đã sống ở Paris được 25 năm.
"Tôi thường đến đây. Tôi vào nhà thờ cả khi không có thánh lễ vì đó là một nơi phi thường, gắn liền với lịch sử của nước Pháp", Seigneurie cho biết. "Đây là một biểu tượng của nước Pháp, cả về chính trị, tinh hoa và tâm linh".
Seigneurie nói ông vô cùng đau buồn trước vụ hỏa hoạn. Đúng lúc ấy, một người phụ nữ với dáng vẻ thanh lịch cùng mái tóc đen ngắn bồng bềnh thì thầm với ông và bảo ông hãy cùng cầu nguyện.
Jeanne Duffy, 62 tuổi, từ New York đến "kinh đô ánh sáng" cùng hai cô con gái sinh đôi của mình. Bà đến thăm người cháu trai vừa tham gia sự kiện chạy marathon Paris một ngày trước. Hai cô con gái của Duffy ban đầu dự định leo lên tháp chuông Nhà thờ Đức Bà vào tối 15/4, nhưng họ đổi ý vào phút chót và đến Disneyland.
"Trái tim chúng tôi như vụn vỡ. Là người New York, chúng tôi cũng từng trải qua những thời khắc tương tự thế này", Duffy nhắc đến vụ khủng bố ngày 11/9/2001, phá hủy tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới là biểu tượng của thành phố.
"Xét về góc độ di sản, vụ hỏa hoạn này khủng khiếp hơn nhiều. Đây là một báu vật của cả thế giới. Mọi người ai cũng biết đến Nhà thờ Đức Bà", bà chia sẻ.
Người dân Paris và du khách tập trung đông trên cầu theo dõi vụ hỏa hoạn tại nhà thờ được xem là biểu tượng của nước Pháp và phương Tây. Ảnh: AFP. |
'Thảm kịch'
Những tiếng kêu thảng thốt, những lời cầu nguyện phép màu từ Chúa trời như thể đồng loạt "bùng nổ" vào 19h50 tối 15/4, khi phần đỉnh của ngọn tháp cao nhất tại Nhà thờ Đức Bà Paris đổ sụp vào biển lửa.
Chỉ vài giây sau, người ta lại bàng hoàng chứng kiến phần còn lại của ngọn tháp bị phá hủy. Khoảnh khắc bi kịch của lịch sử được ghi lại trên hàng nghìn điện thoại, lan tỏa nỗi đau của người dân Paris khắp mạng xã hội và truyền thông thế giới với tốc độ chóng mặt.
"Paris biến dạng rồi. Thành phố này sẽ không bao giờ được như trước nữa", Philippe, một nhân viên viễn thông hơn 30 tuổi, chia sẻ.
"Tôi là người Paris. Cha tôi cũng là người Paris. Và ông tôi cũng vậy. Đây là nơi mà người Paris chúng tôi luôn đưa con cháu mình đến chiêm ngưỡng. Giờ đây tôi không còn cơ hội cho con mình được nhìn thấy Nhà thờ Đức Bà", Philippe nói.
Anh đã chạy vội đến bên bờ sông Seine chứng kiến thảm kịch của thành phố ngay sau khi nhận tin báo từ một người bạn. "Đây thật sự là một thảm kịch. Nếu như bạn có cầu nguyện, thì đây chính là thời điểm cần những lời cầu nguyện của bạn", anh nói.
Cảnh sát đã giải tán hết dân thường khỏi hai hòn đảo nằm trên sông Seine, trong đó có Ile de la Cite - nơi mà Nhà thờ Đức Bà Paris tọa lạc. Thế nhưng, những hàng dài người dân và du khách vẫn nán lại sau hàng rào cảnh sát, trên những cây cầu đá nối liền hai hòn đảo và hai bờ sông Seine dù đêm đã muộn. Họ muốn nhìn lần cuối những gì còn sót lại của tòa nhà từng là một trong những kiến trúc nổi tiếng nhất châu Âu và thế giới.
"Tất cả đã kết thúc rồi. Chúng tôi sẽ không bao giờ được nhìn lại nhà thờ nữa", Jerome Fautrey, 37 tuổi, nói trong buồn bã.
Khoảnh khắc kinh hoàng khi đỉnh ngọn tháp cao nhất của Nhà thờ Đức bà Paris đổ sụp trong biển lửa. Ảnh: Getty. |
Lịch sử chỉ còn là khói đen
Tính đến 1h40 ngày 16/4 (giờ địa phương), lực lượng cứu hỏa tại Paris cho biết vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức bà đã được kiểm soát và dập tắt một phần.
Gần 400 lính cứu hỏa đã được huy động khẩn cấp đến hiện trường. Hàng chục xe chữa cháy và ít nhất 18 vòi rồng áp suất cao trên không được sử dụng để đối phó vụ cháy, bùng phát lúc 18h ngày 15/4.
Giới chức thành phố cho biết họ đã ngăn không để thánh đường lịch sử bị phá hủy hoàn toàn. Nhiều lính chữa cháy đã liều mình chạy vào biển lửa, cứu nhiều di sản vô giá từ bên trong nhà thờ. Thành phố còn huy động máy bay không người lái và một robot tham gia chiến dịch.
"Thật không thể tin được. Lịch sử của chúng tôi giờ chỉ còn là khói đen", Benoit, 42 tuổi, chia sẻ.
Còn đối với Sam Ogden cùng gia đình của bà đến từ London, đây sẽ là sự kiện đau buồn nhất mà họ từng tận mắt chứng kiến. Người phụ nữ 50 tuổi cùng mẹ, chồng và hai người con trai còn tuổi teen đến Paris với mục tiêu lớn nhất là được nhìn ngắm Nhà thờ Đức Bà.
"Thật buồn. Đây là điều đau buồn nhất mà tôi từng phải đứng chôn chân chứng kiến trong đời mình", Ogden nói vụ việc ban đầu có vẻ chỉ là một đám cháy nhỏ, "rồi chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ mọi thứ đã sụp đổ".
Emilia Freitas, một giáo viên tiếng Pháp tại Bồ Đào Nha, cũng có mặt ở Paris trong thời khắc định mệnh. Cô đến thủ đô nước Pháp cùng chồng và con gái, một sinh viên ngành kiến trúc.
"Chúng tôi rất đau lòng. Đây là một tượng đài vô cùng quan trọng của thế giới. Chúng tôi cũng cảm thấy lo ngại trước những rối ren diễn ra tại Paris thời gian qua", Freitas nhắc đến những vụ tấn công liên tiếp ở "kinh đô ánh sáng" từ sau thảm kịch khủng bố liên hoàn Bataclan năm 2015.
Đứng bên bờ sông Seine, Miguel-Angel Godia, người vợ Esther Fajardo và cô con gái 10 tuổi Raquel sẽ không còn cơ hội được thăm Nhà thờ Đức Bà Paris lịch sử một lần trong đời. Raquel đã ước mơ được đến đây sau khi em xem bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà".
"Thật đáng tiếc. Nhà thờ là một kiến trúc thật sự kỳ vĩ và mang tính biểu tượng", Esther nói trong nước mắt.