Sáng tạo nội dung số được đánh giá là ngành có tiềm năng đem lại nguồn ngoại tệ cho Việt Nam. Ảnh: Cnet. |
Theo thống kê của Liên minh sáng tạo nội dung số (DCCA), Việt Nam đang có ít nhất 20.000 kênh YouTube được bật kiếm tiền, đem lại doanh thu khoảng 1.500 tỷ. Trong số đó, 500 kênh có trên một triệu lượt đăng ký và 8 kênh có trên 10 triệu lượt.
Trong khi đó, YouTube mới chỉ là một trong nhiều nền tảng mà các nhà sáng tạo nội dung số có thể hoạt động, ngoài ra còn có TikTok, Facebook, các nền tảng chia sẻ nhạc, hình ảnh, cửa hàng ứng dụng Apple Store và Google Play Store. “Ở Việt Nam ước tính có hàng triệu lao động tham gia vào lĩnh vực này, hàng năm mang về một lượng lớn ngoại tệ”, ông Nguyễn Việt Tiệp, chuyên viên về kế toán thuế, đại diện DCCA, cho biết.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhà sáng tạo nội dung ở Việt Nam chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ. Với chính sách của YouTube, nhà sáng tạo nội dung ngoài Mỹ có 2 lựa chọn, chịu khoản khấu trừ này hoặc bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu, ông Việt Tiệp cho biết.
Như vậy, nếu tạm chia tổng doanh thu của nhà sáng tạo nội dung từ các nền tảng thành 2 phần, một phần là các lượt xem đến từ Mỹ và một phần là các lượt xem ở các nước khác, thì phần thứ nhất đã bị đánh thuế. Nhưng khi dòng tiền về Việt Nam, toàn bộ tổng doanh thu này chịu thuế một lần nữa. Với nhà sáng tạo cá nhân khoản này là 7%, gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân. Với doanh nghiệp, khoản này là 30%, gồm 10% VAT và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu thuế 2 lần đối với khoản doanh thu từ các lượt xem ở Mỹ”, ông Việt Tiệp cho biết tại hội thảo do DCCA và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 31/3.
Từ 1992 đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Hiệp định với Mỹ, được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tháng 2/2017, chưa có hiệu lực thi hành do phía Mỹ chưa phê chuẩn.
Theo Hiệp định này, cá nhân hoặc doanh nghiệp Việt Nam khi có thu nhập tại Mỹ và đóng thuế cho Mỹ thì sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam. Ngược lại, nhà đầu tư và quỹ đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam, đóng thuế ở Việt Nam thì không đóng thuế cho Mỹ.
“DCCA kiến nghị Chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần sớm được thực thi”, vị đại diện cho biết.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.