Dây chuyền sản xuất tại nhà một nhà máy ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang có một sự khác biệt lớn. Mũ mà các công nhân đội có gắn thiết bị theo dõi sóng não của họ. Dữ liệu thu thập được sẽ sử dụng vào việc điều chỉnh tốc độ sản xuất và thiết kế lại quy trình công việc cho phù hợp.
Đại diện công ty cho biết nó có thể làm tăng năng suất làm việc của người lao động bằng cách khai thác tần số sóng não để điều chỉnh thời gian nghỉ ngơi, giúp giảm căng thẳng tinh thần. Nhà máy ở Hàng Châu chỉ là một ví dụ của ứng dụng khai thác sóng não của người lao động trên quy mô lớn tại Trung Quốc.
Hệ thống được sử dụng để theo dõi cảm xúc và hoạt động trí óc tại nơi làm việc. Theo các nhà khoa học và công ty tham gia, dự án được chính phủ Trung Quốc tài trợ. Các cảm biến không dây có trọng lượng rất nhẹ đượcgiấu dưới mũ bảo hiểm hoặc mũ đồng phục. Nó liên tục theo dõi sóng não của người đội và truyền dữ liệu đến máy tính.
Cảm biến giám sát suy nghĩ được gắn bên trong mũ đồng phục của lái tàu cao tốc ở Thượng Hải. Ảnh: SCMP. |
Hệ thống sử dụng thuật toán trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI) để phát hiện các dấu hiệu của cảm xúc như trầm cảm, lo âu hoặc giận dữ. Công nghệ này khá phổ biến trên thế giới nhưng Trung Quốc là quốc gia áp dụng nó trên quy mô chưa từng thấy.
Hệ thống này có trong các nhà máy, hệ thống giao thông công cộng, các công ty nhà nước và quân đội để tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất, duy trì ổn định xã hội. Hệ thống này gợi lên những lo ngại về sự cần thiết phải có những quy định để ngăn chặn hành vi lạm dụng tại nơi làm việc, SCMP cho biết.
Công nghệ này được cho là đã góp phần giúp tăng thêm 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 315 triệu USD) lợi nhuận cho một công ty điện ở tỉnh Chiết Giang, kể từ khi được áp dụng vào năm 2014, theo Cheng Jingzhou, người phụ trách chương trình giám sát cảm xúc của công ty.
“Không có nghi ngờ gì về hiệu quả của nó”, Cheng nói. Công ty này có khoảng 40.000 nhân viên quản lý mạng lưới phân phối và cung cấp điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn tỉnh, một công việc mà Cheng cho biết họ có thể làm được với các tiêu chuẩn cao hơn nhờ công nghệ giám sát.
Các nhà khoa học tham gia hệ thống nói rằng việc thu thập cảm xúc và suy nghĩ của người lao động giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và dây chuyền sản xuất, giúp nhà quản lý đưa ra cảnh báo. Một số công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và không có chỗ cho sai lầm.
Một số chuyên gia lo ngại suy nghĩ của người lao động sẽ bị kiểm soát. Ảnh minh họa: SCMP. |
Hệ thống này cũng được sử dụng trong y học để theo dõi cảm xúc của bệnh nhân và ngăn chặn các sự cố bạo lực. Tuy vậy, một số chuyên gia lo ngại việc lạm dụng hệ thống này để kiểm soát tâm trí và xâm phạm quyền riêng tư của con người.
Qiao Zhian, giáo sư tâm lý học tại Đại học Bắc Kinh, nói: “Không có luật hay quy định nào để hạn chế việc sử dụng loại thiết bị này ở Trung Quốc. Người sử dụng lao động có động lực mạnh mẽ để sử dụng công nghệ này vì lợi nhuận cao hơn. Người lao động ở vị trí quá yếu để nói không với thiết bị”.
Ông Qiao cho biết việc Facebook bán dữ liệu người dùng đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu. Giám sát não có thể xâm phạm quyền riêng tư ở một cấp độ cao hơn. Các nhà lập pháp nên hành động ngay bây giờ để hạn chế việc giám sát cảm xúc, cung cấp cho người lao động quyền được thương lượng để bảo vệ quyền lợi của họ. “Tâm trí con người không nên được khai thác vì lợi nhuận”, ông nói.