Reuters cho biết nhóm nghiên cứu vũ khí thuộc cộng đồng tình báo Mỹ vừa kết thúc cuộc thi xem ai có thể phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt tốt nhất. Yêu cầu đặt ra là hệ thống phải nhận dạng được càng nhiều khuôn mặt khách hàng đi bộ lên máy bay càng tốt.
Trong các yêu cầu đó, Công ty Yitu Tech mới thành lập của Trung Quốc đã đạt giải thưởng trị giá 25.000 USD, cao nhất trong 3 giải thưởng tiền mặt. Chiến thắng của công ty Trung Quốc là một trong nhiều ví dụ được trích dẫn trong báo cáo của nhóm chuyên gia về sự tiến bộ của quân đội Trung Quốc.
Đuổi kịp Mỹ trong 5 năm tới
Bắc Kinh đang tiến bộ rất nhanh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) để hiện đại hóa lực lượng vũ trang và có thể tạo ra ưu thế chống lại Mỹ. Theo báo cáo của Elsa Kania thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) , Trung Quốc không còn kém Mỹ về công nghệ mà đã trở thành đối thủ cạnh tranh có thể vượt qua trong lĩnh vực AI.
“Sự cạnh tranh trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ liên quan đến vấn đề AI có thể làm thay đổi cán cân kinh tế và quân sự”, Kania viết trong một báo cáo công bố vào ngày 28/11. Eric Schmidt, Giám đốc điều hành Alphabet Inc, công ty mẹ của Google, người đứng đầu Ban Cố vấn cho Lầu Năm Góc cũng đưa ra cảnh báo tương tự trong một cuộc hội thảo gần đây ở Washington.
Robot BigDog, một trong những ứng dụng AI hàng đầu ở Mỹ. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ. |
Schmidt lưu ý rằng Trung Quốc đã phát động kế hoạch quốc gia về tương lai của AI công bố trong tháng 7, kêu gọi bắt kịp Mỹ trong những năm tới và cuối cùng trở thành trung tâm đổi mới về AI trên toàn thế giới.
“Tôi cho rằng chúng ta sẽ tiếp tục dẫn đầu trong 5 năm tới và Trung Quốc sẽ bắt kịp cực kỳ nhanh chóng. Vì vậy, 5 năm sau đó chúng ta có thể ở cùng cấp độ với Trung Quốc” , ông Schmidt nói trong một cuộc hội thảo do CNAS tổ chức.
Một tài liệu của Lầu Năm Góc chưa công bố mà Reuters thu thập được cảnh báo hồi đầu năm, rằng các công ty Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận công nghệ nhạy cảm của Mỹ thông qua việc mua cổ phần tại các công ty Mỹ. Để đối phó với vấn đề này, một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra dự luật thắt chặt các quy định về đầu tư ở Mỹ.
Cuộc chiến khác thường
Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn cách mạng hóa việc vận chuyển với sự ra đời của những chiếc xe tự lái và đem lại những tiến bộ to lớn cho ngành dược phẩm, cũng như các ứng dụng quân sự có thể làm thay đổi chiến trường. Một số công nghệ đã được Lầu Năm Góc áp dụng nhằm tạo ra hệ thống máy tính giám sát tự động trên máy bay, giảm khối lượng công việc phân tích cho con người.
Quân đội Trung Quốc (PLA) cũng đang đầu tư một loạt dự án liên quan đến AI. Các viện nghiên cứu của PLA đang hợp tác với công nghiệp quốc phòng để ứng dụng các nghiên cứu AI vào quân sự. Báo cáo của CNAS cho biết PLA dự đoán sự xuất hiện của AI có thể làm thay đổi cơ bản chiến trường hiện đại.
Robot vận chuyển thức ăn tại một nhà hàng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Kania thừa nhận rằng phần lớn nghiên cứu của bà về AI ở Trung Quốc mang tính phỏng đoán, do giai đoạn phát triển AI và chính sách xung quanh nó ở Trung Quốc chưa thực sự rõ ràng. Tuy vậy, bà Kania nói rằng một số nhà tư tưởng quân sự của PLA có thể lựa chọn phát triển AI ở những “điểm kỳ dị” trên chiến trường, nơi con người có thể không theo kịp tốc độ và khả năng ra quyết định của máy móc trong chiến đấu.
Báo cáo của CNAS kèm theo trích dẫn của Trung tướng Liu Guozhi, Giám đốc Ủy ban Khoa học và Công nghệ, Quân ủy Trung ương Trung Quốc nói rằng: “Chúng ta phải nắm lấy cơ hội để thay đổi mô hình”.
Chính sách hiện tại của Lầu Năm Góc đòi hỏi con người phải thực hiện các công việc có thể gây ra sự xúc phạm nếu do máy móc đảm nhận. Trong khi đó, chính sách của Trung Quốc về vấn đề này chưa thực sự rõ ràng.
Báo cáo của bà Kania kết luận rằng: “PLA có thể ứng dụng AI theo cách độc đáo, bất ngờ và ít bị hạn chế bởi các mối quan tâm pháp lý và đạo đức quan trọng trong suy nghĩ của Mỹ”.