Tháng trước, Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 11 đánh dấu bước nhảy vọt lớn trong chương trình không gian của Bắc Kinh. Chương trình không gian của Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu hạ cánh trên mặt trăng và sao Hỏa. Ngoài mục đích tăng cường uy tín quốc gia, Trung Quốc muốn dựa vào chương trình không gian để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Vượt mặt NASA?
Trung Quốc được xem là đối thủ lớn nhất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong việc thăm dò không gian. Bắc Kinh đang có kế hoạch đưa người lên mặt trăng vào năm 2036, sau đó là sao Hỏa.
Trong quá trình thực hiện chương trình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng sứ mệnh không gian sẽ tạo ra làn sóng đổi mới trong lĩnh vực robot, hàng không và trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc.
Chương trình không gian Trung Quốc vốn khá bí mật nhưng chính phủ đang xem xét đề xuất của các nhà nghiên cứu nhằm tăng gấp 3 lần số tiền đầu tư cho nghiên cứu khoa học theo tiết lộ của ông Wu Ji, tổng giám đốc Trung tâm Khoa học Không gian Quốc gia.
Wu, người đi tiên phong trong nỗ lực vận động cho sứ mệnh không gian, nhấn mạnh nếu Trung Quốc muốn trẻ hóa nền kinh tế thì cần phải đầu tư thêm nguồn lực vào phát triển các công nghệ mang tính đột phá.
Hai phi hành gia Trung Quốc chuẩn bị thực hiện sứ mệnh Thần Châu 11. Ảnh: Getty. |
Theo kế hoạch 5 năm, Trung Quốc phấn đấu đạt được các thành tựu ban đầu trong khoa học cơ bản và tiến tới phát triển các công nghệ vũ trụ tiên tiến. Chiến lược kinh tế trung ương kêu gọi đạt 70% các công nghệ quan trọng như bán dẫn, phần mềm được sản xuất trong nước vào năm 2025.
Để đạt được điều đó, ông Wu cùng các nhà nghiên cứu hàng đầu đã yêu cầu chính phủ tăng đầu tư cho nghiên cứu không gian từ 4,7 tỷ nhân dân tệ (695 triệu USD) giai đoạn 2011-2015 lên 15,6 tỷ nhân dân tệ (2,2 tỷ USD) giai đoạn 2026-2030.
Trung Quốc đang nỗ lực đạt tới ngân sách dành cho không gian của NASA khoảng 5,6 tỷ USD nhưng một thập kỷ trước Trung Quốc không đầu tư nhiều cho nỗ lực này. Ông Wu cho biết chính phủ đầu tư tiền cho các dự án mang tính chính trị và thực tiễn trước mắt như tên lửa, vệ tinh quân sự..
Bắc Kinh cũng tìm cách phát triển vũ khí không gian. Trong năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh. Giờ đây, Trung Quốc đang đầu tư lớn vào nỗ lực phát triển khoa học không gian, phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới và lắp đặt kính thiên văn để tìm kiếm vật chất trong vũ trụ xa xôi.
“Nghiên cứu khoa học không gian là rất tốn kém nhưng rất ít lợi ích thiết thực trong ngắn hạn”, ông Wu nói. Mức độ chính xác trong chi tiêu cho chương trình không gian của Trung Quốc không được biết nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng, Trung Quốc có thể vượt mặt NASA trong thời gian tới.
Trong khi đó, NASA đã chấm dứt chương trình tàu con thoi, từ bỏ kế hoạch trở lại mặt trăng và chỉ cam kết hợp tác với trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đến năm 2024.
Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu xây dựng trạm mặt đất trên phần tối của mặt trăng vào năm 2022 và thăm dò sao Hỏa. Dennis Shea, chủ tịch Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc, nói trong một cuộc họp vào ngày 27/9, “chúng ta đang đánh mất lợi thế trong cuộc đua không gian với Trung Quốc”.
Bắc Kinh bắt đầu thực hiện sứ mệnh tàu vũ trụ có người lái từ năm 2003. “Cách tiếp cận thận trọng và toàn diện của Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội cho Bắc Kinh đạt được các lợi ích kinh tế, chính trị và ngoại giao quan trọng thông qua chương trình không gian của họ”, ông Shea nói.
Ông James Lewis, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói: “Trung Quốc đang sử dụng lĩnh vực không gian để đạt được lợi thế chính trị”.
Chứng minh sức mạnh quốc gia
Từ năm 1970 đến nay, Trung Quốc đã phóng vào không gian khoảng 100 vệ tinh thời tiết, theo dõi thiên tai, thông tin liên lạc và dẫn đường. Trong tháng 9, Bắc Kinh đưa vào hoạt động kính thiên văn lớn nhất thế giới ở tỉnh Quý Châu sau 22 năm lập kế hoạch.
Kính thiên văn lớn nhất thế giới có đường kính tới 500 m tại tỉnh Quý Châu. Ảnh: Getty |
Kính thiên văn có đường kính tới 500 m sẽ tìm kiếm các sóng vô tuyến phát ra từ không gian sâu thẳm giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về vũ trụ, thậm chí theo dõi người ngoài hành tinh.
Jean Jacques Dordain, cựu Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu nói: “Sự phát triển khoa học không gian là quan trọng đối với Trung Quốc. Không gian không chỉ dành cho chính phủ, giới nghiên cứu và hâm mộ mà còn tích hợp đầy đủ vào nền kinh tế”.
Trong năm 2020, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh nghiên cứu chu kỳ nước trên Trái Đất bằng cách đo độ ẩm của đất, độ mặn và sự bốc hơi trên bề mặt đại dương. Đó là một liên kết trong Nhiệm vụ quan sát chu trình nước, một nỗ lực của Mỹ và châu Âu giúp dự báo hạn hán, lũ lụt và duy trì an ninh lương thực.
Trung Quốc cũng đang hoàn thiện hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu nhằm thay thế cho hệ thống GPS của Mỹ. Hệ thống Bắc Đẩu sẽ có 35 vệ tinh vào năm 2020, theo tổ chức phi lợi nhuận Space Foundation ở Colorado, Mỹ.
Bắc Đẩu cho phép tăng cường an ninh chống lại sự can thiệp và ngăn chặn quân sự và điều hướng cho khoảng 40.000 tàu thuyền đánh cá ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, cũng là nơi đang xảy ra tranh chấp chủ quyền.
“Chúng ta đang bắt đầu và không có lý do gì để dừng lại, Trung Quốc sẽ trở thành một quyền lực trong ngành công nghiệp không gian”, ông Wu nói.