Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà mạng muốn hợp tác với các dịch vụ OTT

"Viettel chưa dùng biện pháp kĩ thuật gì để hạn chế các ứng dụng OTT" và "mong muốn hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ OTT để cùng tạo ra những giá trị mới", đại diện Viettel cho biết trong cuộc hội thảo ngày 20/11 ở TP HCM.

Tại "Hội thảo bàn tròn về chủ đề OTT" diễn ra chiều ngày 20/11 ở TP HCM, đại diện của Bộ Thông tin & Truyền thông cùng các nhà mạng và một số công ty viễn thông trong và ngoài nước đã đưa ra những ý kiến xung quanh sự phát triển của các dịch vụ OTT ở Việt Nam. 

Phần lớn các bài tham luận tại hội thảo đều đề cao vai trò và tốc độ phát triển của các dịch vụ OTT (Over The Top) - gồm các dịch vụ được nhà cung cấp mang trực tiếp đến người dùng như thoại, tin nhắn thoại miễn phí (Viber, Zalo,...), hình ảnh, video (YouTube, Netflix), dữ liệu... trên nền mạng Internet không thông qua các nhà mạng cung cấp hạ tầng viễn thông. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà mạng và các nhà cung cấp dịch vụ OTT (gọi tắt là các OTT) cần phải ngồi lại hợp tác cùng nhau để tạo ra một môi trường viễn thông có sự cân bằng giữa các giá trị và lợi ích.

Các nhà mạng bày tỏ ý muốn hợp tác, nhưng không đưa ra lộ trình hay kế hoạch cụ thể nào.

"Viettel mong muốn hợp tác với các OTT để cùng tạo ra những giá trị mới", ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Viettel tuyên bố. Khi được hỏi về việc nhiều khách hàng "tố" nhà mạng lúc chặn, lúc "thả" OTT, khiến các ứng dụng nhắn tin như Viber, Zalo, Line.. không hoạt động ổn định, ông Dũng cho biết "Viettel chưa áp dụng biện pháp kĩ thuật gì để hạn chế OTT". 

Trước thiện chí "muốn hợp tác với OTT" của các nhà mạng, một đại diện tham dự hội thảo đặt câu hỏi "Liệu nhà mạng có cùng với các OTT cho ra các gói cước riêng hay không và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quản lý giá các gói cước này như thế nào?". Đại diện của Viettel và VNPT đều không đưa ra câu trả lời trực tiếp. Trong khi đó, ông Nguyễn Phong Nhã - Cục Phó Cục Viễn thông - Bộ TT&TT hướng tranh luận vào việc tìm ra giải pháp để nhà mạng và các OTT có thể hợp tác cùng nhau.

Bên cạnh các ý kiến trong nước, các đại diện đến từ tập đoàn viễn thông Ericsson và Google cũng đã có những bài tham luận về tình hình OTT trên thế giới. Tuy nhiên, các ý kiến đều khuyến khích việc hợp tác giữa các bên nhưng không đưa ra phương án cụ thể để giải bài toán lợi ích giữa nhà mạng, OTT và quyền lợi người dùng.

 Theo Sách trắng về CNTT & Truyền thông năm 2013, Việt Nam hiện có 4,7 triệu thuê bao internet cố định và 15,3 triệu thuê bao internet di động (2G và 3G). Tổng số người sử dụng Internet hiện ở mức 31 triệu. Số lượng điện thoại thông thường (không có khả năng sử dụng OTT) chiếm đến 70%, các thiết bị di động thông minh (smartphone, tablet) chỉ chiếm 30% và tỉ lệ TV thông minh có kết nối internet chỉ khoảng 5%.


Duy Tín

Bạn có thể quan tâm