Với khoảng 19 triệu thuê bao (TB) di động có phát sinh cước 3G (đến tháng 9/2013), chỉ cần khoảng 50% TB sử dụng các gói cước 70.000 đồng/tháng (trước đây 50.000 đồng/tháng), thì mỗi tháng nhà mạng đã bỏ túi thêm khoảng 190 tỷ đồng, mỗi năm bỏ túi thêm 2.280 tỷ đồng.
Nếu tính cả mức tăng cước ở các gói cước khác và tăng cước lưu lượng vượt định mức, thì nguồn thu thêm của nhà mạng có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi con số 2.280 tỷ đồng. Đây là một số tiền khổng lồ có thể kiếm được chỉ cần thông qua một quyết định tăng giá cước.
Để kinh doanh gói cước OTT, nhà mạng sẽ "làm khó" các ứng dụng này? |
Dư luận cho rằng nhà mạng chặn các ứng dụng OTT đã được đề cập nhiều. Không chặn hẳn vì sợ bị phát hiện, mà nhà mạng lúc mở lúc thắt, khiến cho người dùng ứng dụng OTT dần chán. Vì sao nhà mạng làm vậy? Trên nhiều diễn đàn đang bàn tán rằng, nhà mạng làm vậy vì đang nhăm nhe tung ra gói cước OTT, để buộc người dùng sử dụng gói cước này thì mới được hưởng chất lượng 3G ổn định. Và tất nhiên khi ấy, nhà mạng lại có thêm nguồn thu khổng lồ, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt thêm.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà mạng vừa tăng mạnh cước 3G đã tạo ra thêm gánh nặng cho người tiêu dùng. Sau cú sốc này, nhà mạng lại lăm le bắt người dùng phải trả thêm cho các gói cước OTT mới được hưởng chất lượng 3G ổn định, thì chẳng khác nào buộc người tiêu dùng phải đóng thêm những khoản siêu địa tô trên mảnh đất 3G do họ nắm quyền sở hữu?
Cả chục triệu người dùng di động tại Việt Nam sẽ phải trả thêm nhiều ngàn tỉ đồng cho một dịch vụ chất lượng chập chờn nhưng giá cước lại cao hơn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, dường như bóng ma độc quyền trên thị trường thông tin di động đang quay trở lại...