Pakistan có 7.532 sông băng, nhiều hơn bất kỳ nơi nào ngoài vùng cực. Vì vậy mà khi khí hậu ấm lên, nước này trở nên dễ bị tổn thương hơn do sông băng tan chảy, tạo ra lượng nước có khả năng tàn phá diện rộng.
Nhà khí tượng hàng đầu của nước này cảnh báo chỉ trong năm nay, Pakistan đã chứng kiến các đợt dâng nước hồ sông băng tăng gấp ba lần bình thường, có thể gây ra lũ lụt thảm khốc.
Sông băng tan nhiều bất thường
Sardar Sarfaraz từ Cục Thiên văn Pakistan ngày 1/9 cho biết đã có 16 kiện nước hồ sông băng tăng đột ngột như vậy xảy ra ở khu vực phía bắc Gilgit-Baltistan của nước này trong năm 2022, so với chỉ 5 hoặc 6 vụ trong những năm trước đó. Hồ sông băng là các hồ hứng nước từ sông băng.
“Những sự cố như vậy xảy ra sau khi các sông băng tan chảy do nhiệt độ tăng lên”, ông Sarfaraz nói với Reuters.
Một cây cầu bị sập do lũ quét gây ra bởi lượng nước tăng đột ngột từ hồ sông băng ở làng Hassanabad, Hunza phía bắc Pakistan hồi tháng 5. Ảnh: AFP. |
Sông băng tan chảy là một trong những dấu hiệu rõ ràng, dễ thấy nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Hiện vẫn chưa rõ thảm họa lũ lụt hiện tại của Pakistan có thể liên quan ở mức nào đến các sự kiện tan băng. Tuy nhiên, ông Sarfaraz lưu ý rằng nếu lượng khí thải nhà kính không được hạn chế, các sông băng của nước này sẽ tiếp tục tan chảy với tốc độ nhanh.
“Sự nóng lên toàn cầu sẽ không dừng lại cho đến khi chúng ta hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu sự nóng lên toàn cầu không dừng lại, những tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gia tăng”, ông nói.
Theo số liệu của Liên minh châu Âu, Pakistan chỉ thải ra 1% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu, nhưng nước này là quốc gia dễ bị tổn thương thứ 8 từ khủng hoảng khí hậu, theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu.
Thảm họa năm nay càng làm rõ thêm điều đó, thể hiện qua những trận mưa kỷ lục và sông băng tan chảy ở vùng núi phía bắc gây ra lũ lụt khiến ít nhất 1.486 người thiệt mạng - trong đó có 530 trẻ em - kể từ giữa tháng 6.
Ảnh chụp từ trên không vào ngày 1/9 cho thấy các khu dân cư bị ngập nghiêm trọng ở thị trấn Dera Allah Yar, Jaffarabad, tỉnh Balochistan. Ảnh: AFP. |
Lo ngại đợt lũ lụt mới
Ngày 1/9, miền Nam Pakistan tiếp tục hứng chịu lũ lụt lớn hơn khi nước sông Indus dâng tràn ra ngoài, làm tăng thêm thiệt hại ở quốc gia vốn đã ngập 1/3 trong nước từ những ngày trước đó.
Liên Hợp Quốc đã kêu gọi một gói cứu trợ trị giá 160 triệu USD để giúp giải quyết cái mà họ gọi là "thảm họa khí hậu chưa từng có".
“Chúng tôi đang ở trong tình trạng báo động cao vì nước từ hạ nguồn phía bắc dự kiến tràn vào tỉnh trong vài ngày tới”, người phát ngôn của chính quyền tỉnh Sindh, Murtaza Wahab, nói với Reuters.
Ông Wahab cho biết một dòng chảy khoảng 17.000 m3 mỗi giây dự kiến đổ vào sông Indus.
Pakistan hứng chịu lượng mưa nhiều hơn gần 190% so với mức trung bình 30 năm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8.
Sindh, với dân số 50 triệu người, bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chứng kiến lượng mưa nhiều hơn 466% so với mức trung bình trong 30 năm. Nhiều vùng của tỉnh đang nhuốm một màu nâu của nước và bùn, xen lẫn những mảng xanh nhỏ còn sót lại của cây cối.
Hàng trăm gia đình phải lánh nạn trên ngay trên các con đường cao bị bao vây bởi nước. Dân làng đi dọc theo một con đường gần thị trấn Dadu, cầu xin thực phẩm hoặc sự giúp đỡ khác.
Lũ lụt đã cuốn trôi nhà cửa, cơ sở kinh doanh, cơ sở hạ tầng và đường sá. Cây trồng, hoa màu đều bị phá hủy. Hơn 800.000 hecta đất nông nghiệp bị ngập.
Ngoại ô Sukkur, tỉnh Sindh, ngập sau hàng loạt trận mưa lớn, ngày 1/9. Ảnh: AFP. |
Chính phủ cho biết 33 triệu người, tương đương 15% trong tổng số 220 triệu dân, đã bị ảnh hưởng. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia ước tính khoảng 480.030 người đã phải di dời và đang được chăm sóc trong các trại cứu hộ tạm thời.
"Hơn 3 triệu trẻ em đang cần hỗ trợ nhân đạo, có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước, chết đuối và suy dinh dưỡng do trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây của Pakistan", cơ quan nhi đồng Liên Hợp Quốc cảnh báo.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hơn 6,4 triệu người Pakistan đang rất cần viện trợ nhân đạo.
Các chuyến hàng viện trợ đầu tiên - thực phẩm, lều trại và thuốc men - đã bắt đầu đến trên những chiếc máy bay chủ yếu đến từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.