Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỹ sư khiếm thị người Việt duy nhất tại Grab

Nguyễn Giang là một trong 8 người được tuyển vào Grab trong đợt của mình, loại bỏ gần 400 ứng viên khác.

Singapore là nơi duy nhất Nguyễn Giang tìm thấy sự bình yên. Anh thích đi dạo giữa rừng cây um tùm, lắng nghe tiếng chim kêu.

Băng qua khu công viên thiên nhiên Bukit Timah Nature Reserve cùng đám bạn, Nguyễn Giang kể cho họ nghe về chuyến thăm gần đây của một cô gái người Việt. "Không phải hẹn hò tình cảm gì đâu nhé", anh nói.

Một người trong nhóm bạn bảo Giang kể thêm về cô gái. "Giá như chúng tôi hẹn hò thật", Giang trả lời cùng tràng cười khúc khích. Hơn 20 tuổi và bị khiếm thị, tính cách hóm hỉnh giúp Giang vượt qua nhiều mặc cảm xã hội để đạt được vị trí hiện tại.

ki su khiem thi cua Grab anh 1
Nguyễn Giang, lập trình viên khiếm thị làm việc cho Grab. Ảnh: ChannelNewsAsia

Phong cách sống tích cực giúp Nguyễn Giang vượt qua hàng loạt cuộc phỏng vấn, những bài kiểm tra lập trình, trở thành lập trình viên khiếm thị mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên tại Grab.

"Anh ấy còn là lập trình viên khiếm thị đầu tiên tại Singapore nữa", Ông Ken Chua, giám đốc một tập đoàn công nghệ nhắm tới sản phẩm dành cho người khuyết tật nói.

Không muốn trở thành cá thể đặc biệt

Nguyễn Giang hiện là kỹ sư phần mềm và lập trình viên tại Grab, công ty cung cấp dịch vụ taxi hàng đầu Đông Nam Á. Giang chuyên lập trình các ứng dụng chạy trên hệ điều hành Android cũng như viết nhiều app hỗ trợ người dùng khiếm thị như mình.

Đối với Giang, điều anh làm chẳng có gì to tát. Giang tâm niệm khiếm khuyết của bản thân là động lực giúp anh vượt lên.

"Tôi chỉ muốn sống một cuộc sống bình thường, làm những gì mình thích. Tôi không muốn trở thành một cá thể đặc biệt chút nào", Giang nhấn mạnh.

ki su khiem thi cua Grab anh 2
Nguyễn Giang luôn thử thách bản thân và nỗ lực hết mình. Ảnh: ChannelNewsAsia

Giang lớn lên trong một gia đình gồm 4 người tại TP.HCM. Khiếm thị dường như không phải trở ngại to lớn của Giang trên con đường học tập.

Thời cấp 3, Giang không chút hứng thú với việc học. Cậu chỉ thích dành thời gian cho những trang sách và chơi bời cùng đám bạn.

Sau đó, Giang nhận ra anh đang dần áp đặt định kiến xã hội Việt Nam lên chính mình đó là: người khuyết tật thì "chẳng thể làm nên cơm cháo gì". Giang quyết định phải "tạo nên đột phá" bằng sự nghiệp của mình, nhờ lời động viên của một người bạn khiếm thị khác tên Nam.

Những thành tựu đầu tiên 

Thành tựu đầu tiên mà đôi bạn khiếm thị đạt được là vượt qua kì thi Đại học và được nhận vào Đại học Quốc tế, Đại học Quốc Gia TP.HCM. Họ là hai thí sinh khiếm thị duy nhất của trường lúc bấy giờ. 

Nguyễn Giang tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành khoa học máy tính nhờ vào bản tính cần cù và niềm đam mê với toán học. Nhà trường cùng với bố mẹ giúp đỡ Giang nhận học bổng để tới Singapore tu nghiệp và làm việc.

ki su khiem thi cua Grab anh 3
Với sự giúp đỡ của gia đình và nhà trường, Nguyễn Giang được học bổng tới Singapore. Ảnh: ChannelNewsAsia

"Mọi người bảo tôi đó là một đất nước văn minh. Tôi chỉ biết lờ mờ rằng đó là trung tâm của Châu Á và nhân tài khắp nơi trên thế giới đều đổ vào đó. Thật là một cơ hội tuyệt vời", Giang Nguyễn nói.

Lại là người bạn thân chí cốt của Giang khuyên anh nên tham dự buổi tuyển dụng của Grab. Cả 2 đều được chọn vào vòng phỏng vấn.

"Nếu bạn muốn đưa tiền cho tôi. Được thôi, hãy thuê tôi với giá nghìn USD, chứ không phải mấy đồng bạc lẻ"

"Lúc ấy chúng tôi rất lo lắng, lỡ như họ bảo 'này, bạn có biết lập trình không? Tôi không chắc là bạn có thể đâu'. May mắn thay, họ chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn", Giang nhớ lại.

Lúc ấy, Giang đã hoàn thành khóa thực tập 3 tháng tại Intel và đang làm việc bán thời gian cho Captcha. Phong thái tự tin, lời lẽ lôi cuốn và tính cách hài hước là những gì mà bà Jessica McNaughton, phụ trách tìm kiếm tài năng cho Grab, nhớ được về Nguyễn Giang.

"Chúng ta có nên nhận anh ta không? Sau này làm việc chung với anh ta ra sao đây? Vị trưởng nhóm tuyển dụng hỏi và mọi người đều trả lời có", bà McNaughton nói.

Trong số 400 ứng viên, Nguyễn Giang là một trong số 8 người được chọn vào làm chính thức.

Học cách thích nghi với môi trường mới

Từ khi Nguyễn Giang bắt đầu làm việc tại Grab từ tháng 2 năm nay, công ty phải bổ sung thêm một vài điều chỉnh nhỏ. Các nhãn dán Braillie được dán trên nhiều nút bấm thang máy của tòa nhà Cecil Court, nơi đặt phòng nghiên cứu và phát triển, nơi làm việc của anh.

Ngay cả chiếc máy pha cà phê, bàn làm việc, phòng ăn đều được dán nhãn Braillie. Từ khi chuyển đến Singapore, Nguyễn Giang cũng phải học cách thích nghi với văn hóa, môi trường sống nơi đây. 

ki su khiem thi cua Grab anh 4
Chiếc máy pha cà phê tại Grab dành cho nhân viên khiếm thị duy nhất của Grab. Ảnh: ChannelNewsAsia.

"Ở Việt Nam, tôi băng qua đường bất chấp, vì nếu không thì phải chờ cả ngày mất", Giang nói.

Ở Singapore, đường lộ không chỉ an toàn mà con người dường như thân thiện hơn hẳn. Điển hình là những tài xế xe bus luôn nhắc Giang xuống đúng điểm dừng, khác với quê nhà, nơi anh lúc nào cũng bị la mắng khi hỏi đi hỏi lại nhiều lần.

'Đừng xem tôi như kẻ ăn xin' 

Có một điều mà Giang không thích ở cả hai quê hương của mình là mọi người luôn cố gắng bố thí tiền cho anh, mỗi lúc Giang lướt ngang qua.

"Tôi muốn được đối xử bình đẳng như bao người bình thường khác, vì tôi có khả năng làm việc. Nếu bạn muốn đưa tiền cho tôi, được thôi, hãy thuê tôi với giá nghìn USD, chứ không phải mấy đồng bạc lẻ", Giang nhấn mạnh.

Thậm chí bạn bè của anh còn đề nghị trả tiền ăn cho Giang. Đương nhiên, anh luôn luôn từ chối.

Biến thế giới trở nên thân thiện với người khiếm thị 

Nơi đầu tiên mà Nguyễn Giang mong muốn thay đổi nhất đó chính là quê hương của mình, Việt Nam. Có rất nhiều ngân hàng ở đây không cho phép người khiếm thị được mở tài khoản ngân hàng, bởi vì họ cho rằng người mù không thể sử dụng ATM.

Trớ trêu thay, các giao dịch không dùng tiền mặt lại chính là cách tốt nhất để tránh nhầm lẫn hay hao hụt dành cho người khiếm thị. Chính vì thế, Nguyễn Giang quyết định thay đổi vấn đề này và anh ấy đã thuyết phục được kha khá ngân hàng làm theo.

ki su khiem thi cua Grab anh 5
Bạn bè đang giúp anh đọc bản thực đơn trong nhà hàng. Ảnh: ChannelNewsAsia

Nguyễn Giang dự định sẽ viết một hệ thống bản đồ mới trên Grab, dành riêng cho người khiếm thị, sau đó tích hợp lên màn hình chuyên dụng của họ.

"Tôi thích cảm giác mình có thể tạo ra được mọi thứ", Giang giải thích về niềm vui lập trình của mình.

"Anh ấy luôn muốn ứng dụng của mình phải thân thiện và phù hợp với mọi người, kể cả người khiếm thị và Giang đã thực hiện được. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu động lực ở đâu cho anh ấy năng suất làm việc như thế", Javier Gomez, quản lý lập trình viên, người đã làm việc với anh nhiều năm cho hay.

Khi được hỏi về đời tư của mình, rằng Giang sẽ chọn kiểu bạn đời như thế nào để gắn bó, anh ngại ngùng trả lời: "Tôi thích nhất một cô gái cá tính độc lập và luôn tự cải thiện bản thân không ngừng, giống như tôi chẳng hạn".








Anh Thi

Theo Channel News Asia

Bạn có thể quan tâm