Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nguy cơ Mỹ vỡ nợ trở thành màn so găng giữa hai ứng viên tổng thống

Tổng thống Joe Biden và ông Donald Trump đều đã đưa ra quan điểm về việc nâng trần nợ công. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu Mỹ sẽ giải quyết mối nguy vỡ nợ đang đến gần.

my nguy co vo no anh 1

Năm 2020, cách tiếp cận Covid-19 của cựu Tổng thống Donald Trump phần nào khiến ông thất thế trong cuộc đua nước rút với ứng viên Joe Biden cho vị trí tổng thống. Hiện nay, cuộc "so găng" mở màn của hai ứng viên trong chiến dịch tranh cử 2024 cũng đang xoáy vào vấn đề cấp bách của nước Mỹ - nguy cơ vỡ nợ.

Tổng thống Biden đã gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vào hôm 9/5, sau nhiều tuần từ chối đàm phán, khi chính phủ liên bang gần đạt mức trần nợ công.

Dù nói rằng đây là cuộc họp “hiệu quả”, ông Biden cho rằng các đề xuất của ông McCarthy sẽ “làm tổn thương các gia đình Mỹ”, khiến mọi người mất trợ cấp y tế và “bị bỏ rơi”.

Ngay sau cuộc họp của ông Biden, quan điểm về vấn đề trần nợ đã được ông Trump đưa ra trong buổi tiếp xúc cử tri của đài CNN vào tối 10/5.

“Tôi nói với các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa rằng nếu họ (đảng Dân chủ) không cắt giảm mạnh chi tiêu, các ông/bà nên cho vỡ nợ”, ông Trump nói.

Thế khó của ông Biden

Với tư cách tổng thống đương nhiệm, lúc này, ánh nhìn của cử tri sẽ phần lớn hướng về ông Biden. Việc Mỹ vỡ nợ sẽ khiến ông chủ Nhà Trắng nhận chỉ trích và ảnh hưởng đến tín nhiệm, thay vì ông Trump.

Đến nay, ông Biden vẫn chưa có được sự đồng thuận từ đa số Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Với tổng thống đương nhiệm, các cảnh báo về hậu quả kinh tế với công chúng có thể là công cụ khiến đảng Cộng hòa nhượng bộ. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng được cho là "sử dụng hết mọi từ ngữ có thể" để nói về kịch bản Mỹ vỡ nợ, theo Wall Street Journal.

"Đảng viên Cộng hòa MAGA (làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) tại Quốc hội đã đưa cho chúng tôi 2 lựa chọn: Hoặc thông qua cắt giảm lớn, khiến hàng triệu người mất khả năng tiếp cận y tế và cắt giảm giáo dục, hoặc vỡ nợ và khiến cho hàng triệu người mất việc, dẫn đến suy thoái", ông Biden viết trên Twitter hôm 11/5.

my nguy co vo no anh 2

Ông Biden gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hôm 9/5. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, lập trường của cựu Tổng thống Donald Trump cũng không được đánh giá cao.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của CNN hôm 10/5, ông Trump dường như ủng hộ kịch bản vỡ nợ, nếu đảng Cộng hòa không đạt được thỏa thuận.

“Nó có thể rất tệ. Bạn có thể trải qua một ngày hoặc một tuần tồi tệ. Nhưng bạn phải cắt giảm chi phí khi chúng ta đang chi 7.000 tỷ USD, với phần lớn vào những điều vô nghĩa", cựu tổng thống cho biết thêm.

Theo ông Trump, nếu đảng Cộng hòa giữ lập trường, nói rằng "muốn cắt giảm chi tiêu 5.000 tỷ USD", đảng Dân chủ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận.

Với ông Trump, các vấn đề chính trị lúc này có thể mang tính cá nhân, khi nguy cơ vỡ nợ có thể giúp ông có thêm cơ hội đánh bại ông Biden nếu cả hai đối đầu, thay vì bận tâm tổn hại chính trị mà đảng Cộng hòa tại Hạ viện có thể đối mặt nếu vỡ nợ.

Chưa thấy ánh sáng cuối con đường

Wall Street Journal cho biết các tổng thống khi đương nhiệm mà đối mặt với suy thoái vào nửa sau nhiệm kỳ sẽ rất khó chiến thắng nếu tái tranh cử.

Với đảng Dân chủ và cá nhân ông Biden, rủi ro kinh tế này là điều họ không thể xem nhẹ, và điều đó được báo hiệu khi Tổng thống Biden vẫn đang bỏ ngỏ khả năng hoãn việc đến Nhật Bản dự thượng đỉnh G7 để tập trung giải quyết vấn đề trong nước.

Nếu muốn thoát khỏi tình cảnh vỡ nợ, ông Biden sẽ phải nhượng bộ với Chủ tịch McCarthy để nhận đa số phiếu tại Hạ viện.

Việc nâng trần nợ là vấn đề chính trị cố hữu và thường thu hút nhiều sự chú ý, đặc biệt khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có quyền kiểm soát ít nhất một cơ quan quan trọng tại Washington, D.C. Trong 10 lần tăng trần nợ kể từ năm 2011, 7 lần phải có những thỏa hiệp về các chính sách, chủ yếu liên quan đến chi tiêu.

my nguy co vo no anh 3

Lên sóng CNN hôm 10/5, ông Trump đã ủng hộ việc vỡ nợ nếu đảng Cộng hòa không đạt được thỏa thuận cắt giảm chi tiêu. Ảnh: CNN.

Trong khi đó, nếu một đảng kiểm soát cả quốc hội và Nhà Trắng, việc nâng mức trần nợ thường sẽ được thông qua mà không gặp nhiều trở ngại, theo Washington Post.

Vỡ nợ sẽ là một kịch bản tồi tệ với bất kỳ chính phủ nào.

Mỹ từng đứng trước nguy cơ vỡ nợ vào năm 2011. Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát khi đó đã bỏ phiếu bác dự luật nâng trần nợ và buộc chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama phải thỏa hiệp với việc cắt giảm mạnh chi tiêu. Vụ việc đã khiến thị trường tài chính hỗn loạn, và S&P đã lần đầu hạ bậc tín nhiệm của Mỹ.

Tăng trần nợ là công việc diễn ra thường xuyên tại quốc hội. Từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã 78 lần can thiệp vào việc thay đổi mức nợ, theo thống kê từ Bộ Tài chính Mỹ.

Chính phủ liên bang những năm qua luôn chi nhiều hơn thu, do đó phải vay tiền để bù vào phần thiếu hụt. Điều này khiến chính phủ luôn gần chạm mức trần nợ.

Để ngăn tình huống xấu nhất, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ phải sớm đạt thỏa thuận về việc tăng giới hạn nợ.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

IMF cảnh báo Mỹ vỡ nợ có thể khiến bất ổn lan rộng

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết kịch bản Mỹ vỡ nợ do không thể nâng trần nợ công sẽ có tác động nghiêm trọng đến nước này cũng như kinh tế toàn cầu.

Ông Trump khuyên đảng Cộng hòa ép Mỹ vỡ nợ nếu không được nhượng bộ

Ông Donald Trump hôm 10/5 kêu gọi đảng Cộng hòa phản đối nâng giới hạn nợ của Mỹ và ép vỡ nợ nếu đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden không đồng ý cắt giảm mạnh chi tiêu.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm