Theo khảo sát, phần lớn người tiêu dùng Đông Nam Á (73%) đã xem mua sắm trực tuyến là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ, trong khi so với 2 năm trước, con số này chỉ đạt mức gần 60%. Bên cạnh đó 67% người tiêu dùng cho rằng các lễ hội mua sắm lớn trong năm có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hành vi mua sắm của họ.
Tại Việt Nam, 81% người được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. Đặc biệt, 85% cho biết rằng họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
66% người tiêu dùng luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi đó, 34% còn lại sẵn sàng mua các mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất. Người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn hàng Việt.
Hàng Việt vẫn đang có lợi thế nhất định với hàng TMĐT xuyên biên giới. Ảnh: TT. |
Trên toàn khu vực, khảo sát cho thấy giá cả cạnh tranh (45%) và chi phí giao hàng hợp lý (45%) là 2 tiêu chí hàng đầu được người tiêu dùng cân nhắc khi mua sắm trực tuyến, các tiêu chí tiếp sau là sự dễ dàng trong tìm kiếm sản phẩm (43%) và tiện lợi (43%). Trong khu vực, Singapore (55%), Thái Lan (48%) và Philippines (49%) là 3 quốc gia hàng đầu xem tiêu chí giao hàng tận nơi là yếu tố ưu tiên khi mua sắm trực tuyến.
Bên cạnh đó, “sản phẩm chính hãng” là yếu tố quan trọng để mua sắm trực tuyến ở Singapore (54%) và Việt Nam (53%), trong khi “sự đa dạng trong phương thức thanh toán” là lý do hàng đầu để khách hàng ở Indonesia (54%) chốt đơn trên các nền tảng số. Tại các thị trường như Singapore (53%) và Malaysia (45%), tiêu chí “an toàn trong thanh toán” cũng là một tiêu chí nhận được đông đảo sự quan tâm từ người tiêu dùng.
Các thị trường có tỷ lệ sử dụng thiết bị di động cao đang dẫn đầu khu vực trong thanh toán qua ví điện tử, cụ thể Malaysia dẫn đầu với 63%, tiếp theo là Indonesia (55%) và Philippines (54%).
Phần lớn các thị trường đã tích cực hưởng ứng hoạt động mua sắm xuyên biên giới với 79% người được hỏi ở Singapore không thể hiện sự phân biệt giữa các thương hiệu nội địa hay quốc tế, tiếp theo là 58% ở Thái Lan và 56% ở Malaysia. Mặc dù vậy, người tiêu dùng ở Việt Nam, Indonesia và Philippines vẫn dành phần lớn sự ưu tiên cho các thương hiệu trong nước, cứ 1 trong 2 người (52%) ở Việt Nam được hỏi cho biết họ thích mua hàng nội địa, tiếp theo là Philippines (41%) và Indonesia (36%).