Một nhân viên giám sát đường phố ở Thượng Hải. Ảnh: AFP. |
“Sau một tuần phong tỏa, gia đình tôi chỉ được chính quyền hỗ trợ một chai dầu ăn và một thùng sữa. Nhưng ngày nào cũng có người đến phát bộ xét nghiệm và yêu cầu chúng tôi tự thực hiện”, chị Kim Oanh, một người Việt hiện sống tại khu Phố Đông (Thượng Hải), chia sẻ với Zing.
Kể từ khi chính quyền áp lệnh phong tỏa, chị Kim Oanh cho biết chồng được yêu cầu ở lại công ty làm việc và không thể về nhà. Mọi lối vào trong khu nhà chị cũng được dựng cổng sắt, có người canh 24/24.
Đó cũng là tình cảnh chung của những người Việt hiện sống tại những khu vực phong tỏa ở Trung Quốc - quốc gia đang áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với đợt bùng dịch tồi tệ nhất. Trên khắp đất nước, khoảng 20 thành phố đang phong tỏa toàn phần hoặc một phần.
Thượng Hải, trung tâm tài chính với hơn 26 triệu dân, cũng tuyên bố phong tỏa toàn thành phố từ ngày 6/4, sau khi số ca mắc chạm mức kỷ lục.
“Rau quý như vàng”
Mới sang Thượng Hải không lâu, cũng như chưa có dịp khám phá hết thành phố, chị Hà Ly đã phải sống trong cảnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Chị Ly chia sẻ hơn một tuần nay, gia đình chị đều phải ở yên trong nhà.
Đến ngày phong tỏa thứ hai thì chính phủ bắt đầu phân phát đồ ăn. "Lúc đầu dự kiến chỉ có 5 ngày phong tỏa, song đã 8 ngày rồi tôi vẫn chưa biết khi nào được ra ngoài. Trước tình hình này, nhiều gia đình đã hết thực phẩm do không thể chuẩn bị đủ đồ dự trữ”, chị nói với Zing.
Theo chị, người dân có thể đặt hàng qua các ứng dụng, nhưng do số lượng đơn lớn, siêu thị cũng nhanh chóng hết hàng. “Chúng tôi chỉ đành chờ chính phủ phát tiếp”, chị nói.
Các nhân viên y tế phân phát nhu yếu phẩm ở thành phố Thẩm Dương. Ảnh: Ngọc Thủy. |
Ở các thành phố khác, một số người Việt cũng phải đối mặt với “cảnh khổ sở” vì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Chia sẻ với Zing, chị Thanh Mai, ở thành phố Đông Hưng (Quảng Tây), cho biết gia đình đã phải chịu cảnh phong tỏa “hơn một tháng nay, kể từ ngày 23/2”.
“Hàng ngày tôi đều phải xét nghiệm. Mọi hoạt động phải ngưng lại hết, người dân chỉ được ra đường khi có thông báo yêu cầu xét nghiệm. Nếu bị phát hiện vi phạm, họ sẽ phải đi cách ly và tự trả phí”, chị nói.
Theo lời kể của chị Mai, hơn một tháng phong tỏa, chính quyền không cung cấp thực phẩm gì. Nếu mua của tiểu thương, giá thậm chí còn tăng gấp đôi.
"Nhiều khi có tiền cũng chưa chắc mua được đồ ăn. Khổ lắm", chị nói.
Chỉ đến ngày 5/4, giới chức địa phương mới “sắp xếp một trạm bán rau tạm thời”. Mỗi khu vực chỉ có một địa điểm như vậy, do đó, người dân phải xếp hàng từ sáng sớm để chờ mua.
Chị cho biết hôm 6/4, từ 4h sáng người dân đã bắt đầu xếp hàng, nhưng đến gần 9h-10h vẫn chưa tới lượt mua. Thậm chí có người lớn tuổi còn bị ngất xỉu trong lúc chờ đợi.
"Giờ mua được thịt, rau như kiếm được vàng", chị nói.
Đường phố vắng lặng trong bối cảnh phong tỏa nhìn từ tòa nhà Grand Getaway 66, nơi chị Hà Ly đang sinh sống. Nơi này nằm trong một khu vực mua sắm sầm uất tại Thượng Hải. Ảnh: NVCC. |
Chung khó khăn với chị Mai, chị Nông Thị Phượng, ở một khu vực khác của tỉnh Quảng Tây, cho biết: “Thực phẩm rất khó mua, có hôm tôi phải đi xếp hàng từ 6-8h mới tới lượt. Giá cả cũng tăng lên nhiều”.
“Khu vực tôi sống bị phong tỏa ngay sau thông báo trong đêm. Tôi thậm chí không biết phong tỏa từ lúc nào, cũng không kịp chuẩn bị đồ ăn dự trữ”, chị Phượng nói.
Với chị Kim Oanh, chị chia sẻ cũng cảm thấy “may mắn phần nào” khi nhận được sự hỗ trợ về thực phẩm của hàng xóm.
“Người dân quanh khu tôi ở có trồng rau nên được họ chia cho một ít, do vậy không phải bỏ tiền mua. Tuy nhiên, nhiều người lại không được may mắn như vậy. Khi lệnh phong tỏa mới được thông báo, nhiều người đã đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ, khiến giá đồ ăn tăng lên rất cao. Tôi nhớ thời điểm đó một chiếc bắp cải lên tới 78 nhân dân tệ (khoảng 300.000 VNĐ)”, chị Oanh chia sẻ.
“Được tặng bộ tú lơ khơ để giải trí”
May mắn hơn những khu vực khác, chị Ngọc Thủy cho biết gia đình chị ở yên trong nhà và được chính quyền hỗ trợ nhu yếu phẩm. Chị cũng đặt mua thêm thực phẩm qua siêu thị, nhưng quá trình giao khá lâu do việc tìm người giao hàng tương đối khó khăn.
Nhu yếu phẩm chị Ngọc Thủy nhận được từ chính quyền địa phương. Ảnh: Ngọc Thủy. |
“Chính quyền chỉ cung cấp cho dân những đồ thiết yếu như khẩu trang, nước sát khuẩn... Ngoài ra, tôi cũng thấy khá thú vị khi được tặng một bộ tú lơ khơ, có lẽ để giúp người dân giải trí giữa lúc phong tỏa”, chị nói.
Chị cho biết với việc đặt hàng qua siêu thị, quá trình giao hàng lâu hơn thường ngày. "Nhanh nhất thì cũng phải mất cả buổi, hoặc thậm chí cả ngày để hàng hóa được giao đến trước nhà”, chị chia sẻ thêm.
Cũng nhận được hỗ trợ từ chính quyền như chị Thủy, chị Ly cho biết gia đình mình được phát đồ ăn đến tận cửa. "Trong gói đồ ăn họ phát có thịt, tôm, nhiều rau củ, ngoài ra còn có cả que xét nghiệm và thuốc", chị nói.
“Tôi thấy chính phủ Trung Quốc khá quan tâm người dân. Còn về thực phẩm, dĩ nhiên chúng không thể đầy đủ theo ý mình được, nhưng nếu phong tỏa chỉ vài hôm thì tôi nghĩ đủ dùng”, chị cho biết.
Chị Ly chia sẻ đến nay, cuộc sống của gia đình chị vẫn ổn. “Tôi chỉ mong chính quyền sớm gỡ phong tỏa để cả gia đình có thể đi lại thoải mái cho đỡ bí bách”, chị nói.
Không thể tiếp tục
Tuy nhiên, một số người Việt cũng bày tỏ nhiều bức xúc trước cách chống dịch có phần “nặng tay”.
Các nhân viên y tế hỗ trợ vận chuyển lương thực ở Thượng Hải. Ảnh: AFP. |
“Người dân địa phương rất bất bình, còn người Việt thì chỉ có thể chia sẻ khó khăn với người thân”, chị Mai chia sẻ.
Theo lời kể của chị, người dân nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền ở Đông Hưng không giải quyết thỏa đáng. Khoảng tuần trước, nhiều người bức xúc cầu cứu trên mạng xã hội. Những người ở bên ngoài tỉnh hầu như không biết tình hình bên trong, vì nếu có thông tin kiểm soát dịch không tốt, giới chức địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm.
Chia sẻ quan điểm về chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc, chị Mai cho biết: “Tôi không thể hiểu nổi, với tình hình này, sớm muộn cũng phải sống chung với dịch, chứ nước đông dân thì Zero Covid-19 kiểu gì?”.
“Quan trọng là chính phủ có đủ tài chính để chi trả việc xét nghiệm quy mô lớn, các thiết bị y tế và cách ly để trụ tiếp hay không. Khi nguồn lực cạn kiệt, tôi nghĩ sẽ phải có sự thay đổi”, chị nói.
Chung nhận định với chị Mai, chị Ngọc Thủy cho rằng về lâu dài, “cách tiếp cận này không ổn”.
“Trước sau gì cũng phải có cách giải quyết, chứ về lâu dài thì không ổn. Nhà nước chỉ hỗ trợ được một phần trong những đợt phong tỏa thôi, tôi thấy nhiều người nghèo vẫn chưa nhận được trợ cấp”, chị nói.
Theo chị, “đa phần người dân đều không muốn tiếp tục cách ly”, nhưng có lẽ Trung Quốc là quốc gia đông dân nên cũng cần phải có bước đi thận trọng.
“Giờ thành phố nào cũng có bệnh viện dã chiến và khu cách ly, khẩu trang và thiết bị đầy đủ hơn năm 2019 nên tôi cũng mong các hạn chế chống dịch được giảm bớt. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, tôi cũng có đôi chút lo sợ bị mắc bệnh”, chị chia sẻ.