Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng khi gặp cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ và trân trọng những ý kiến đề xuất của bà con tại buổi gặp gỡ.
Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò và những hoạt động tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, góp phần duy trì, củng cố đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người Việt xa quê.
Nguồn lực quan trọng
Chủ tịch nước cho biết lâu nay, Đảng và Nhà nước luôn hướng về bà con Việt kiều, đồng thời nhấn mạnh đến Kết luận số 12-KL/TW của Trung ương mới đây về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Theo đó, cộng đồng người Việt ở nước ngoài là “bộ phận không thể tách rời” của cộng đồng dân tộc Việt Nam và là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước cũng đề ra yêu cầu cần có cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, đánh giá cao vai trò và những hoạt động tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ Ảnh: Thuận Thắng. |
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan nói rằng đây là chuyến thăm lịch sử, minh chứng cho quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm quan hệ hợp tác phát triển.
Cộng đồng Việt ở Thụy Sĩ có gần 10.000 người rải rác ở nhiều bang. Đại sứ Lê Linh Lan cho hay cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ hội tụ nhiều nhà khoa học, doanh nhân và trí thức có uy tín làm việc trong các ngành và lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn như vật lý, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối…
Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ rất gắn bó, đoàn kết và luôn hướng về quê hương, đất nước, sống hữu nghị, chan hòa với nhân dân nước bạn.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam Anjuska Weil nói trong năm 2022, Hội sẽ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (năm 1982).
Hội đã phát động nhiều phong trào trong từng giai đoạn cùng mục tiêu chung là “dành cả trái tim cho đất nước và con người Việt Nam”.
Thời gian tới, bà Weil khẳng định Hội sẽ tiếp tục dành tâm huyết của mình cho tình hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam; đấu tranh cho sự công bằng của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam…
Hỗ trợ đời sống cho bà con Việt kiều
Tại sự kiện, bà con kiều bào nêu nhiều vấn đề tâm huyết với quê hương đất nước, trong đó bày tỏ vui mừng khi Đảng, Nhà nước xác định rất đúng hướng việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở trong nước, coi đây là động lực phát triển của đất nước.
Chủ tịch nước tại buổi tiếp xúc cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tiến sĩ Lưu Vĩnh Toàn - thành viên Ban chấp hành Hội thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ - bày tỏ mong muốn đóng góp nhiều hơn cho quê hương đất nước thông qua việc tiếp thu, lĩnh hội những tinh hoa khoa học công nghệ của Thụy Sĩ - quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo. Từ đó, góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ; đồng thời, tham gia giải quyết những vấn đề xã hội ở Việt Nam như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Chia sẻ tình cảm với quê hương, đất nước, đại diện cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ mong muốn sớm được về thăm quê hương. Chủ tịch nước khẳng định trong nước đang tích cực triển khai tiêm vaccine cho người dân, và với tình hình như vậy, từ giờ đến Tết sẽ có cơ hội để bà con về quê.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm đến cuối tháng 12, với 200 triệu liều vaccine có được, gần 100% dân số sẽ được tiêm hai mũi vaccine, tiến tới mũi ba. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng tổng thống Thụy Sĩ đã hỗ trợ rất nhiều và tiếp tục hợp tác với Việt Nam để sản xuất vaccine.
Cộng đồng người Việt cũng bày tỏ sự quan tâm tới lộ trình đổi mới sáng tạo của Việt Nam và đề xuất nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch nước thông tin rằng trước dịch bệnh, trên 500.000 lượt trí thức đã về tham gia hoạt động, trung tâm đổi mới sáng tạo, giúp đỡ đất nước. Ngoài ra, Chủ tịch nước nhận định rằng đợt dịch thứ tư đã gây ra những tổn thất nặng nề, kinh tế bị ảnh hưởng. Đảng và Nhà nước đang cố gắng vươn lên kiểm soát căn bản dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép, quyết tâm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao vai trò và những hoạt động tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, góp phần duy trì, củng cố đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng những người Việt xa quê hương, để cùng ổn định, phát triển trên đất nước Thụy Sĩ.
Chủ tịch nước mong muốn bà con tiếp tục phát huy tinh thần “tương thân, tương ái", hướng về quê hương, đóng góp cho nhân dân trong nước để cùng chung tay sớm vượt qua đại dịch.
Cùng với đó là tăng cường đoàn kết; duy trì giáo dục truyền thống và văn hóa cội nguồn cho thế hệ trẻ, nhất là việc học tiếng Việt.
Chủ tịch nước căn dặn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân, chăm lo, hỗ trợ đời sống cho bà con Việt kiều để ngày càng có nhiều hơn nữa các hoạt động thiết thực của bà con hướng về cội nguồn, ngày càng nhiều con em các gia đình Việt kiều, thanh niên, sinh viên kiều bào đem những kiến thức, hiểu biết và nhiệt huyết của sức trẻ về góp phần xây dựng quê hương, qua đó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đóng góp vào công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam phồn thịnh và hòa bình.
Chủ tịch nước trao huân chương cho đại diện Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng. |
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hữu nghị cho Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam vì những đóng góp xuất sắc cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị), bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị đã trao Kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc” - Phần thưởng cao quý nhất của Liên hiệp Hữu nghị, tặng bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam.