Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao (Business Summit) với sự tham dự của các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hàng đầu của Thụy Sĩ và Việt Nam là một trong những hoạt động trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Thụy Sĩ.
Phát biểu với trên 100 doanh nghiệp hai nước hôm 26/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên, đặc biệt trong về tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ với các nhà đầu tư Thụy Sĩ về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đã chuyển từ chỉ đơn thuần thu hút vốn FDI sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển và cùng có lợi, có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, Việt Nam chọn lọc và ưu tiên thu hút những dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển.
Việt Nam cam kết hợp tác và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của mình tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tại diễn đàn, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhận định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và cần những khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam, theo TTXVN.
Cũng theo Tổng thống Guy Parmelin, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho thấy cần có một khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương bền chặt.
Hai nước đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và một thỏa thuận về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phép doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, cũng như tăng cường quan hệ giữa hai nền kinh tế.
Tuy nhiên còn một thỏa thuận rất quan trọng là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã được hai bên đàm phán từ 9 năm qua.Tổng thống Guy Parmelin bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có các giải pháp tháo gỡ cho những vấn đề đang bàn bạc.
Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhận định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tán thành với tổng thống Thụy Sĩ về các nội dung nêu trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau khi hai nhà lãnh đạo hội đàm vào sáng 26/11 thì ngay buổi chiều, bộ trưởng Công thương Việt Nam đã làm việc với quốc vụ khanh Thụy Sĩ để thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán và ký kết EFTA vì lợi ích hai bên.
Chủ tịch nước đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ thúc đẩy đàm phán ký EFTA; các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích các dòng chảy thương mại, đầu tư trong bối cảnh mới; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin cũng đã chứng kiến lễ ký kết một số biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các doanh nghiệp hai nước.
Cùng tham gia buổi lễ còn có Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.
Trong buổi lễ, hãng hàng không Vietjet Air đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác giá trị lớn với các tập đoàn hàng đầu Thụy Sĩ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin tham dự diễn đàn doanh nghiệp. Ảnh: Thuận Thắng. |
Cụ thể, Vietjet Air và công ty SR Technics, nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay hàng đầu thế giới, đã ký thỏa thuận trị giá 150 triệu USD về cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho đội tàu bay A320 và A321 sử dụng động cơ CFM56-5B của Vietjet Air.
Vietjet Air và công ty Swiss-AS, nhà cung cấp giải pháp công nghệ hàng không hàng đầu thế giới của Thụy Sĩ, đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và tăng cường vận hành hệ thống công nghệ quản lý kỹ thuật hàng không AMOS.
Doanh nghiệp hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận có giá trị lớn. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trong lĩnh vực y tế đang được quan tâm, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã cùng ông Lutz Hegemann, Tổng giám đốc các chương trình hợp tác và y tế toàn cầu, Tập đoàn Novartis trao Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương về Chương trình y tế toàn cầu hỗ trợ điều trị Covid-19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin chứng kiến các doanh nghiệp trao Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương. Ảnh: Thuận Thắng. |
Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu với 167 dự án có tổng vốn đăng ký là 2 tỷ USD. Nước này là nhà đầu tư lớn thứ 6 của châu Âu vào Việt Nam, xếp thứ 19/136 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và dư địa hợp tác còn rất lớn.
Hai bên đang nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ.