Kể từ ngày 1/1, Croatia chính thức gia nhập Eurozone, thay thế đồng nội tệ kuna lịch sử bằng đồng euro. Nhiều người Việt đang sinh sống tại đất nước này đều nhận định đây là một tín hiệu đáng mừng, mang đến sự thuận tiện khi thanh toán và gửi kiều hối về quê nhà.
Theo chị Nguyễn Yến - đang sinh sống tại Vinkovci - người dân Croatia thường dùng thẻ nên việc chuyển đổi từ đồng kuna sang euro không ảnh hưởng nhiều.
“Ở Croatia, người dân thường thanh toán bằng thẻ nên không gặp quá nhiều vấn đề. Mọi việc đều có phía ngân hàng và nhà nước chuẩn bị từ trước”, chị nói với Zing.
Ngoài ra, anh Lê Đặng Linh, đầu bếp Việt đang sinh sống tại Croatia, cũng cho biết quá trình này diễn ra “khá tự nhiên”. Anh kỳ vọng bước đi mới của Croatia sẽ giúp công việc của anh phát triển tốt hơn và đem lại cơ hội mới cho những người trẻ.
Croatia là quốc gia mới nhất và là nền kinh tế thứ 20 đứng vào hàng ngũ các nước chuyển hẳn sang dùng đồng euro. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng gia nhập khối đi lại tự do Schengen - khối gồm 26 quốc gia đã loại bỏ kiểm tra biên giới ở châu Âu, khiến đây trở thành khu vực không có biên giới lớn nhất trên thế giới.
Không gặp bất tiện
Chia sẻ với Zing, anh Đặng Linh cho biết anh hiện không gặp bất tiện gì trong quá đổi tiền từ kuna sang euro.
“Quá trình chuyển đổi sang đồng tiền chung diễn ra khá tự nhiên. Người dân cũng không quá bận tâm. Chỉ cần đợi đến đúng hạn, số tiền trong tài khoản của họ sẽ chuyển sang euro”, anh nói.
Theo chia sẻ của anh Đặng Linh, hiện người dân có thể dùng được hai loại tiền mặt kuna và euro, nhưng lúc đầu euro chưa phổ biến nên người bán sẽ không có nhiều để trả lại tiền thừa. Việc sử dụng loại tiền nào cũng không quá quan trọng vì người Croatia chủ yếu dùng thẻ thanh toán.
Đồng tình, anh Phạm Bá Tiến, lao động Việt tại thủ đô Zagreb, cũng có cảm nhận tương tự và không gặp bất tiện trong quá trình chuyển đổi từ đồng kuna sang euro.
Anh Phạm Bá Tiến hiện làm việc tại Croatia. Ảnh: NVCC. |
Đối với tiền mặt bằng đồng kuna, anh Tiến cho biết người dân vẫn có thể chi tiêu bình thường cho đến ngày 15/1. Bên cạnh đó, trong trường hợp người dân vẫn còn tiền mặt kuna thì ngân hàng tại Croatia vẫn cho phép đổi đến hết năm 2023.
Theo chia sẻ của anh, tỷ giá giữa hai đồng tiền kuna và euro là hợp lý, ở mức 7,53 kuna đổi một euro.
Trong khi đó, chị Thương Nguyễn - sống tại thành phố Labin - cho biết việc chuyển đổi sang đồng euro đã cho thấy sự chênh lệch về thu nhập giữa Croatia với các nước khác trong khối Eurozone.
“Nền kinh tế của Croatia thu nhập bình quân rất thấp, khoảng 1.000 euro/tháng nên khi chuyển từ kuna sang đồng euro mới thấy rõ sự chênh lệch. Trong khi đó, giá cả thực phẩm tiêu dùng cao không khác so với các nước trong khối”, chị nói.
Do đó, chị Thương cho rằng một số người Croatia ngại chuyển sang dùng euro vì thói quen, cũng như sự bất tiện trong việc chuyển đổi giá cả từ kuna sang euro. Nhưng theo chị, những người khác đều hào hứng với sự thay đổi vì họ có đủ thời gian chuẩn bị cho việc hội nhập sau 10 năm Croatia gia nhập khối.
Tuy nhiên, trước tình hình giá cả sinh hoạt leo thang ở Croatia và châu Âu nói chung, nhiều người Việt cho biết người Croatia có cảm xúc lẫn lộn về việc gia nhập Eurozone. Anh Đặng Linh chia sẻ việc chuyển sang đồng euro cũng có thể khiến giá tăng cao hơn, song anh không quá bận tâm về điều này.
“Tôi sống một mình tại Croatia nên không quá quan tâm giá tăng hay giảm. Đồng thời, khi giá cả tăng, người thuê nhân công cũng sẽ phải nâng lương để hỗ trợ”, anh nói.
Bộ trưởng Tài chính Croatia Marko Primorac và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde chụp hình với mô hình đồng xu euro vào ngày 12/7/2022. Ảnh: Reuters. |
Chia sẻ về tình hình giá cả leo thang, chị Yến cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, khi một bên là ảnh hưởng của xung đột và một bên là sự chênh lệch giữa giá cả tại Croatia và các nước lân cận vốn đã sử dụng đồng euro trước đó, việc giá tăng cao (sau khi gia nhập Eurozone) là không tránh khỏi”.
Nhưng chị Yến vẫn cho rằng dù giá cả tăng cao hơn, mức tiêu thụ của người dân vẫn tăng, một phần có thể do mua sắm dịp cuối năm.
Cơ hội mới
Trong khi đó, anh Linh cho rằng một số người lớn tuổi ở Croatia có thể không ủng hộ đồng tiền mới vì họ không muốn mất đi một phần bản sắc của đất nước. Tuy nhiên, với người trẻ, đây là một bước đi mang lại nhiều lợi ích.
“Khi nền kinh tế mở cửa (nhiều hơn với khu vực), người trẻ sẽ có cơ hội đến các nước khác học tập, làm việc nhiều hơn. Họ sẽ không cần xin visa khi đến nước khác và dễ dàng chuyển đến sinh sống ở nước ngoài”, anh cho hay.
Nhiều người Việt ủng hộ việc Croatia chuyển sang sử dụng đồng euro. Ảnh: NVCC. |
Từ quan điểm cá nhân, anh Linh chia sẻ rất ủng hộ việc Croatia chuyển sang sử dụng đồng euro, vì cảm thấy “bản thân có giá trị hơn trong mắt người nước ngoài”.
Là một đầu bếp tại khách sạn, anh cũng cho biết việc Croatia gia nhập Eurozone khiến công việc của anh tiến triển tốt hơn.
“Sau khi Croatia gia nhập Eurozone, lượng khách đến khách sạn tăng cao hơn. Croatia cũng nằm trong top những địa điểm du lịch hấp dẫn ở châu Âu, do đó khi những rào cản được dỡ bỏ, lượng khách sẽ đông hơn”, anh nói.
Đồng quan điểm với anh Linh, chị Nguyễn Yến cũng hy vọng khu vực không biên giới Schengen sẽ mở ra cơ hội cho người nước ngoài đến du lịch Croatia.
“Hiện tại, tôi thấy bạn bè chồng mình từng chuyển qua sống ở Đức đang có xu hướng quay lại Croatia. Hy vọng trong tương lai, Croatia sẽ thu hút nhiều nguồn nhân lực hơn nữa để cải thiện mọi lĩnh vực”, chị nói với Zing.
Du lịch thuận lợi cũng là điều chị Nguyễn Thương mong chờ khi nghe tin về bước tiến mới của Croatia. Kết hôn với chồng người Croatia từ năm 2003 và đã có nhiều năm định cư tại đất nước này, chị Thương chia sẻ bản thân rất vui và tự hào khi nước này chính thức gia nhập Eurozone.
Chị Thương Nguyễn - sống tại thành phố Labin, Croatia. Ảnh: NVCC. |
Chị Thương kể trước khi Croatia vào khối, người nước ngoài sống ở Croatia như chị muốn sang các nước châu Âu đều phải làm visa và mất thời gian chờ đợi khi qua cổng hải quan. Nhưng điều này đã thay đổi.
“Tôi từng đến các nước Anh, Áo, Italy, Hy Lạp, Slovenia, và tôi cũng dự định đến Hungary trong mùa hè này. Tôi hy vọng (sau khi Croatia gia nhập khu vực không biên giới Schengen), mỗi năm tôi sẽ đi du lịch một nước trong khối để thỏa mãn sở thích”, chị cho biết thêm.
Trong khi đó, anh Tiến cho rằng bước đi mới nhất của Croatia là tin tốt cho những người Việt đang làm việc tại đây vì việc dùng đồng euro sẽ thuận tiện hơn so với trước, đặc biệt là khi chuyển tiền về nước.
"Chẳng hạn, với những người được trả lương bằng kuna, khi chuyển tiền từ Croatia về Việt Nam, họ sẽ không còn phải đổi tiền qua euro như trước”, anh Tiến cho biết. “Trong khi đó, tôi được trả lương bằng đồng euro nên quá trình chi tiêu tại đất nước này cũng thuận tiện hơn”.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.