Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người trẻ ở TP.HCM lên kế hoạch ăn uống khi bình thường mới 

Ra quán để ăn lẩu, rủ bạn bè làm tour ẩm thực xuyên thành phố, về thăm nhà và ăn cùng gia đình là những điều các bạn trẻ dự định thực hiện khi hết giãn cách.

nguoi tre an uong khi binh thuong moi anh 1

TP.HCM đã cho phép mở lại các dịch vụ ăn uống, nhà hàng thông qua ứng dụng giao hàng như Shopeefood, Grab hay Beamin. Một số chuỗi cửa hàng kinh doanh cũng rục rịch hoạt động trở lại.

Song, với nhiều người, loại hình này không thể thay thế hoàn toàn việc tận hưởng món ăn tại chỗ. Những người trẻ ở thành phố chờ đợi ngày giãn cách được nới lỏng để có thể gặp lại bạn bè, đến hàng quán và ăn những món quen.

Zing đã trò chuyện cùng 8 bạn trẻ và lắng nghe "kế hoạch" ăn uống của họ khi bình thường mới.

La cà quán xá, rủ bạn bè đi ăn lẩu và thịt nướng

Kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở TP.HCM, Mỹ Trinh (24 tuổi, quận Bình Thạnh) tự cách ly tại nhà và không gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp suốt 4 tháng. Tuy nhiên, nhóm của cô vẫn thường trò chuyện qua Internet để cập nhật tình hình và cổ vũ tinh thần nhau.

Có chút “thiếu hơi người”, nhưng tiếng cười chưa bao giờ mất đi.

nguoi tre an uong khi binh thuong moi anh 2

Mỹ Trinh yêu thích lưu lại kỷ niệm cùng bạn bè qua những bức ảnh nhóm. Ảnh: NVCC.

Ngay khi hết dịch, Trinh sẽ rủ bạn bè đi ăn lẩu. Các món như cơm tấm, bún riêu,... đã có thể đặt về nhà, nhưng riêng lẩu phải ăn tại chỗ, càng đông càng vui.

“Đã rất lâu rồi, tôi sợ không sớm thì muộn mình sẽ quên luôn cảm giác ăn ngoài hàng cùng bạn bè như thế nào”, cô gái 24 tuổi tâm sự.

Giống như Mỹ Trinh, Diệu Vy (24 tuổi, quận 5) nóng lòng gặp lại hội chị em thân thiết hậu giãn cách. Mùa dịch kéo dài làm cô thêm trân trọng khoảnh khắc bình dị bên những người bạn.

Đó là những buổi ngồi uống cà phê tại ngã tư đường, ăn tré từ cô bán hàng rong và tâm tình thủ thỉ. Để mà nói thì Vy và bạn bè vẫn có thể ở nhà gọi điện cho nhau, nhưng không khí đường phố náo nhiệt vẫn làm cô cảm thấy thích thú hơn cả.

nguoi tre an uong khi binh thuong moi anh 3

Bình thường, Diệu Vy thích khám phá những quán cà phê đẹp, có view "sống ảo" trong thành phố. Ảnh: NVCC.

Về phần Huy Nguyễn (26 tuổi, quận 7), anh bạn cho biết món khiến mình thèm thuồng suốt 4 tháng qua là thịt nướng. Ở nhà, Huy chế biến đủ kiểu nhưng riêng thịt nướng, anh cho rằng phải ra nhà hàng Hàn Quốc mới đúng vị.

“Đồ ăn ngon không thể thiếu bạn hiền. Tôi sẽ rủ nhóm bạn thân đi ăn cùng”, Huy Nguyễn chia sẻ.

Thêm vào đó, anh sẽ trở lại những quán quen ăn một bữa. Sở dĩ Huy làm vậy vì muốn ủng hộ các chủ doanh nghiệp sau thời gian dài đóng cửa.

Lập tour ăn bánh tráng trộn, uống trà chanh

Là sinh viên năm cuối ở Đại học Mở TP.HCM, Thảo My (21 tuổi, TP Thủ Đức) đáng ra đang bận rộn vì đồ án tốt nghiệp. Thế nhưng, TP giãn cách xã hội khiến việc học của cô bạn bị trì hoãn. Điều My khao khát hơn cả là được quay lại trường và cùng hội “cạ cứng” đi ăn vặt sau mỗi giờ lên lớp.

“Còn vài tháng nữa tôi sẽ kết thúc thời sinh viên. Nếu không được cùng bạn bè ăn chè lúc tan học chắc chắn sẽ rất buồn”, Thảo My bộc bạch.

Lâu rồi chẳng gặp ai, giờ mà lại đi chơi chung chắc bỡ ngỡ lắm. My tính sẽ làm hẳn 1 tour ăn uống khắp khu Phan Xích Long (Phú Nhuận) để nhét đầy bụng với bánh tráng trộn, trà chanh.

Sau đó cô qua tiếp đường Ung Văn Khiêm ăn chân gà nướng, rồi ghé quán quen làm một cốc cà phê hạnh nhân macchiato. Còn món cuối, My bày tỏ mình muốn ăn liền 3 ly chè ngay trước cổng trường.

nguoi tre an uong khi binh thuong moi anh 4

Ngọc Min nhớ cảm giác uống cà phê trong không khí ấm cúng ở quán quen. Ảnh: NVCC.

“Tôi sẽ dành hẳn 1 tuần để tụ tập bạn bè, ăn hết các món và đi cà phê cho thỏa thích”, Ngọc Min (27 tuổi, quận 10) cho biết.

Và cô không hề đùa về chuyện này. Dù TP.HCM vẫn trong giai đoạn giãn cách, Ngọc Min đã lập sẵn danh sách những địa điểm cần đến sau khi dịch qua đi. Thậm chí, cô còn xếp lịch hẹn với từng người bạn để tránh nhầm lẫn.

Ngọc Min tiết lộ ngày thứ nhất của cô sẽ dành để đi ăn lẩu rồi ghé Hồ Con Rùa ăn kem. Chờ trời tối, cô sẽ đi bộ ra khu Đông Du (quận 1) để gọi trà dâu kèm một phần tré trộn. Nếu còn sức, Ngọc Min muốn đi ăn ốc, uống vài chai cùng bạn bè cho đến nửa đêm.

Cùng ý tưởng với 2 bạn trẻ trên, Quỳnh Như (24 tuổi, quận Bình Thạnh) có thể kể vanh vách những điểm mình muốn đến khi cuộc sống bình thường trở lại.

Mở đầu bằng tô phở Phú Vương tái bắp không hành, Quỳnh Như sẽ gọi thêm chén tái trứng để bù cơn thèm ăn suốt những tháng qua. Địa điểm tiếp theo của cô là quán Katinat đường Phó Đức Chính (quận 1).

Sau khi tán dóc cùng bạn bè, trưa Quỳnh Như sẽ tạt qua đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) làm dĩa cơm sườn trứng cùng chén canh cải thịt bằm.

Mặc kệ cái nắng của thành phố, Quỳnh Như sẽ tiếp tục chạy xe sang quận 7 ngồi hóng gió chiều, đi dạo và mua sắm. Kết thúc ngày, cô bạn 24 tuổi quyết định ăn đêm với món nui xí quách ở cổng chợ Bến Thành.

Ăn cùng gia đình

Trái ngược lại, Hoài An (27 tuổi, TP Thủ Đức) mong được ăn cơm mẹ nấu. Từ đầu tháng 5 đến nay, anh chưa có dịp về nhà thăm gia đình.

“Quê tôi ở Trà Vinh nổi tiếng với món bún nước lèo. Mẹ làm món đó rất ngon nên chắc chắn khi về nhà, tôi sẽ kêu mẹ làm sẵn một nồi bún để ăn đến ngán mới thôi”, Hoài An hứng khởi nhắc tới món muốn ăn đầu tiên sau dịch.

Dù ở xa, anh vẫn thường gọi điện hỏi thăm sức khỏe cả nhà. Mới tuần trước, bố mẹ Hoài An gửi lên cho anh chiếc thùng xốp lớn đựng đầy thịt gà, thịt heo, rau củ nhà trồng và vài món đặc sản ở quê. Tất cả được đóng gói kỹ. Sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình khiến anh cảm thấy ấm lòng khi "mắc kẹt" ở thành phố.

Chia sẻ với Zing, anh Minh Phong (29 tuổi, quân Tân Bình) cho biết mùa dịch đã làm thay đổi quan điểm của anh về thói quen sống. Anh nhận ra mình muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình thay vì những mối quan hệ xã hội.

“Hết dịch, tôi sẽ mua hải sản về ăn cùng gia đình. Món này tuy tôi ăn không hợp, dễ bị đau bụng nhưng bố mẹ lại rất thích. Kinh tế vẫn khó khăn nhưng lâu lâu ăn ngon một chút cũng xứng đáng”, anh Minh Phong kể.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Nam giới ở TP.HCM bức bối vì không được cắt tóc sau 4 tháng

"Nhiều lúc, tóc lòa xòa trước mặt gây bức bối. Tôi phải dùng dây thun cột chúng lại. Dù có chút bất tiện, tôi vẫn sẽ chờ hết giãn cách và ra salon cắt tóc", Chris Vũ nói.

Người trẻ học được gì sau 3 tháng TP.HCM giãn cách xã hội?

Do dịch bệnh, mọi hoạt động giải trí thường ngày mất đi. Nhiều bạn trẻ ở TP.HCM tìm tòi học hỏi những kỹ năng mới như là cách để khoảng thời gian ở nhà trở nên thú vị và đáng nhớ.

Ban công được phủ xanh những ngày TP.HCM giãn cách

Tận dụng khoảng sân thượng và ban công, một số bạn trẻ tại TP.HCM tìm cách giải khuây thông qua việc trồng cây, tạo mảng xanh trong không gian sống.

Đông Dương

Bạn có thể quan tâm