Nhìn người dân ở Hà Nội được đi cắt tóc sau thời gian giãn cách xã hội, Quyết Thanh "thèm thuồng" khi ngó vào gương xem lại mái tóc của mình.
TP.HCM vẫn trong giai đoạn siết chặt giãn cách. Các hoạt động dịch vụ không thiết yếu đều đã tạm ngừng nhiều tháng nay. Zing trò chuyện với 5 bạn nam đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM để ghi lại những trải nghiệm nuôi tóc dài "bất đắc dĩ" trong thời gian nghỉ dịch.
"Đầu nặng trĩu như tổ quạ"
Trầm Quyết Thanh (26 tuổi, quận Bình Tân)
Cơ địa dễ bị rụng tóc nên sau khi gội, tôi thường dùng thêm các sản phẩm ngăn rụng và hỗ trợ mọc tóc. Bên cạnh đó, tôi đến salon làm đẹp 2 tuần/lần để tỉa tóc. Tôi không phủ nhận mình dành khá nhiều thời gian và công sức để diện mạo luôn gọn gàng.
Còn bây giờ, đầu tôi nặng như tổ quạ. Bình thường tôi gội đầu chỉ 5 phút là tóc khô nhưng bây giờ, tôi chờ cả tiếng mà phần phía chân tóc vẫn còn ướt. Tóc mái dài dẫn đến tình trạng mụn li ti. Lúc nào nó cũng trong trạng thái rối xù lên, việc tạo kiểu tóc là điều không thể.
Mái tóc của Trầm Quyết Thanh trước (ảnh trái) và sau (ảnh phải) mùa dịch. Ảnh: NVCC. |
Tôi cảm thấy khâm phục những bạn nữ nuôi tóc dài từ năm này sang tháng nọ. Nếu là tôi, tôi đã bỏ cuộc từ lâu.
Nhìn các bạn ở Hà Nội cắt tóc, tôi nghĩ không riêng mình mà các bạn nam ở TP.HCM cũng nôn lắm. Nhiều lúc tôi ước chỉ nhắm mắt, mở mắt dậy là giãn cách qua đi. Dù có tốn vài tiếng đồng hồ chờ đợi ở salon tóc, tôi cũng mãn nguyện.
Tự cắt tóc ở nhà mùa dịch cũng gặp không ít khó khăn đến từ việc mua hàng online, đơn hàng thường xuyên bị hủy. Cách đây 2 tuần, tôi đặt tông đơ trên một trang thương mại điện tử. Đến nay, hàng vẫn chưa về tay. Tôi cũng không mong đợi nhiều.
Hy vọng rằng tôi có thể chờ khi hết dịch và chú cắt tóc sẽ không tính gấp đôi tiền cho cái đầu “ổ quạ” này.
"Phải đeo băng đô để làm gọn tóc"
Nhật Duy (29 tuổi, quận Bình Thạnh)
Hơn 5 tháng work from home (làm việc tại nhà), tôi thèm đủ thứ trên đời, từ những cuộc hẹn chạy bộ sáng sớm đến buổi xem phim, ăn hàng, uống cà phê cùng bạn bè,... Trên hết, tôi nhớ cảm giác được đi cắt tóc.
Tóc tôi xoăn tự nhiên. Mùa nóng, tôi sẽ tạo kiểu undercut rồi vuốt ngược phần góc đỉnh đầu bằng keo. Ưu điểm kiểu này là gội đầu nhanh khô và chỉ cần 1 phút để chải tóc gọn trước khi ra ngoài. Thậm chí, không cần chải thì tóc tôi cũng vào nếp.
Nhật Duy dự tính nuôi tóc dài và búi gọn lại trong thời gian chờ tiệm cắt tóc mở cửa. Ảnh: NVCC. |
Nhưng nó chỉ đúng khi tôi đi cắt tóc đều đặn mỗi lần một tháng. Giờ tóc dài hơn trước. Lúc làm việc nhà hay tập thể dục, mồ hôi làm tóc bết và ngứa. Tôi phải đeo băng đô để làm gọn tóc. Khi gội đầu, tôi cũng cất công ngồi sấy cho khô, có như vậy tóc mới không bị xù.
Suốt những năm qua, lần đầu tiên tôi thấy một TP.HCM lạ lẫm như vậy. Quán cà phê, hàng ăn, mọi hoạt động giải trí đóng cửa. Người mua chỉ có thể đặt giao hàng qua ứng dụng. Duy trì nhịp sống thường ngày còn khó khăn, tôi chưa dám "mơ" sẽ được đi cắt tóc trong nay mai.
"Phải dùng dây thun buộc tóc"
Chris Vũ (25 tuổi, quận 7)
Rút kinh nghiệm từ đợt giãn cách năm ngoái, tôi tranh thủ đi cắt tóc vào trước ngày TP “đóng cửa”. Nhưng tình hình dịch ngày càng phức tạp, tôi không ngờ khoảng thời gian ở nhà của mình lại kéo dài lâu hơn dự kiến.
Đã 4 tháng trôi qua từ lần cuối tôi đến salon “ruột” trên đường Lê Thị Riêng. Tôi nhớ tiếng tông đơ của anh thợ, nhớ cảm giác tóc tai bóng bẩy, vuốt keo chỉn chu.
Chris Vũ mong chờ hết dịch để được cắt tóc. Ảnh: NVCC. |
Ở hiện tại, tóc tôi đã dài ngang vai. Vì thời tiết những ngày này khá nóng bức nên việc chăm sóc trở nên khó hơn. Tóc yếu và dễ rụng. Nhiều lúc, tóc lòa xòa trước mặt gây bức bối. Tôi phải dùng dây thun cột chúng lại.
Dù có chút bất tiện, tôi vẫn sẽ chờ hết giãn cách và ra salon cắt tóc. Bởi tôi không đủ tin tưởng vào bản thân hay ai khác để cắt giùm mình. Mong rằng dịch bệnh sớm qua đi, chúng ta có thể duy trì những hoạt động thường nhật mà không lo nghĩ ngợi nhiều.
"Sợ hỏng tóc nên không dám tự cắt"
Nguyễn Duy (24 tuổi, TP Thủ Đức)
Gần 3 tháng nay, tôi không được tỉa gọn tóc tai vì TP.HCM tạm dừng một số hoạt động kinh doanh không thiết yếu.
Do đã quen với kiểu tóc ngắn, tôi khó chịu khi sau gáy mình không được gọn gàng. Bình thường, cứ khoảng 3 tuần hoặc muộn nhất 1 tháng tôi sẽ đến salon quen.
Lần cuối Nguyễn Duy cắt tóc là hơn 3 tháng trước, anh băn khoăn không biết khi nào mới có thể được đi cắt tóc lại. Ảnh: NVCC. |
Dạo quanh Facebook bạn bè, tôi thấy nhiều người đã chủ động mua dụng cụ như kéo, tông đơ về để “xuống tóc”. Thú thật là tôi rất sợ hỏng tóc nên không dám tự cắt.
Sau khi hết dịch, tôi nhất định phải ra tiệm nhờ chỉnh lại một chút rồi mới đi làm được.
"Bạn gái muốn cắt tóc giùm làm tôi lo ngại"
Thái Đạt (26 tuổi, quận 7)
Cũng như các bạn trẻ khác, tôi work from home từ khi TP giãn cách. Vì tính chất công việc, tôi thường họp với khách hàng qua ứng dụng trực tuyến Zoom.
Đến hôm nay, Thái Đạt mới nhận ra mái tóc của mình đã dài qua vai. Ảnh: NVCC. |
Ngoài trao đổi chuyên môn, tôi và các đồng nghiệp nam cũng hay than thở về chuyện tóc tai, chỉ nhau cách cắt tỉa tóc bằng kéo đơn giản.
Đối với tôi, ngoại hình không quá quan trọng. Nhưng bạn gái tôi lại không nghĩ như vậy. Cô ấy nhiều lần ngỏ ý muốn cắt tóc giùm làm tôi lo ngại.
Nếu không có dịch, tôi thường đi cắt tóc 1 lần/tháng. Vào những lúc cao điểm trong công việc, tôi sẽ du di 2 tháng 1 lần.
Nhìn chung, mọi thứ linh động và tùy hứng. Có lúc nhuộm bạch kim, uốn quăn, cắt undercut,... song, tôi chưa từng nuôi tóc dài.
Tôi nghĩ mình sẽ tận dụng cơ hội này để thử một lần cho biết.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.