Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ chọn độc thân tại Trung Quốc: 'Kết hôn như xuống địa ngục'

Trung Quốc ghi nhận số người kết hôn thấp nhất trong gần 40 năm qua do thế hệ trẻ trì hoãn việc kết hôn hoặc lựa chọn sống độc thân.

Trung Quốc báo cáo số người kết hôn thấp nhất trong gần 40 năm qua. Ảnh: Reuters.

Số người kết hôn ở Trung Quốc lần đầu đã giảm xuống còn 11,6 triệu vào năm 2022, giảm gần 700.000 so với năm 2021, South China Morning Post dẫn lại dữ liệu từ Niên giám thống kê Trung Quốc 2022.

Con số này giảm mạnh so với mức cao nhất là 23,9 triệu vào năm 2013.

Xu hướng giảm này có thể được phản ánh qua tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, đạt mức thấp kỷ lục 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2022. Dữ liệu do chính phủ Trung Quốc công bố cũng cho thấy dân số Trung Quốc đại lục, không bao gồm Đài Loan, Hong Kong và Macao, đã giảm lần đầu sau 61 năm, khi quốc gia này đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu học.

"Vào cuối năm 2022, dân số cả nước là 1,41 tỷ người, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021", Cục Thống kê Quốc gia cho biết.

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã kêu gọi những người trẻ tuổi lập gia đình và thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm dần.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết áp lực tài chính, những thay đổi xã hội và đại dịch góp phần khiến con số này lần đầu tiên giảm xuống dưới 12 triệu người sau 37 năm, theo Times.

Trong khi đó, một số người trẻ cho biết chi phí kết hôn và nuôi dạy con cái ngày càng tăng, cùng với những thay đổi trong luật pháp khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn, là những yếu tố cản trở.

ket hon o Trung Quoc anh 1

Những áp lực gia tăng khiến người trẻ Trung Quốc ngại kết hôn. Ảnh: Reuters.

Luật ly hôn gây tranh cãi

Mặc dù dữ liệu về hôn nhân được công bố lần đầu tiên vào tháng 12/2022, báo cáo về số liệu thống kê trên trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Weibo vào hôm 25/1 - thời điểm mà hầu hết người dân đều về thăm gia đình trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Một số tài khoản đã ca ngợi con số này thể hiện quyết định “khôn ngoan” của những người trẻ tuổi và nói rằng họ cũng sẽ không kết hôn.

Một phụ nữ cho rằng hiện tượng này là do khoảng thời gian trì hoãn 30 ngày dành cho những người muốn ly hôn được áp dụng vào tháng 1/2021, với mục đích cải thiện sự ổn định xã hội.

Biện pháp gây tranh cãi này đã khiến tỷ lệ ly hôn giảm mạnh nhưng một số người nhận định nó gây bất lợi cho phụ nữ, đặc biệt là những người không có nguồn thu nhập độc lập.

“Người muốn ly hôn phải đợi 30 ngày sau khi nộp đơn và lâu hơn nếu chồng/vợ họ từ chối ly hôn”, cô viết. “Chưa kể nhiều người yêu cầu ly hôn nhưng không được chấp thuận ngay cả khi họ bị lừa dối và bạo hành. Kết hôn như đi xuống địa ngục”.

“Tôi không thể tin rằng vẫn có hơn 10 triệu người kết hôn trong một năm”, một người dùng Weibo khác bình luận.

Trong khi đó, các nhà nhân khẩu học nhận định quy mô dân số trong độ tuổi phù hợp để kết hôn ngày càng thu hẹp là một trong những lý do dẫn đến xu hướng sụt giảm. Nhưng việc người trẻ ngày càng miễn cưỡng lập gia đình cũng là yếu tố quan trọng.

Theo dữ liệu điều tra dân số Trung Quốc, độ tuổi kết hôn lần đầu tiên trung bình đã tăng từ 24,89 vào năm 2010 lên 28,67 năm 2020.

Dong Yuzheng, giám đốc Cơ quan Phát triển Dân số Quảng Đông, nói với hãng tin Yicai rằng những người trẻ tuổi phải đối mặt với áp lực cuộc sống ngày càng tăng và không thể gánh nổi gánh nặng kết hôn, vốn theo truyền thống liên quan đến việc mua nhà và nuôi dạy con cái.

ket hon o Trung Quoc anh 2

Trung Quốc báo cáo số người kết hôn thấp nhất trong gần 40 năm qua do thế hệ trẻ trì hoãn việc kết hôn hoặc lựa chọn sống độc thân. Ảnh: Reuters.

Lựa chọn sống độc thân

Bên cạnh đó, trong khi nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn muốn thúc giục con cái kết hôn, thì bản thân giới trẻ lại thích tự do với cuộc sống độc thân, theo Dong.

Giám đốc Cơ quan Phát triển Dân số Quảng Đông cho biết quan điểm của giới trẻ về hôn nhân và sinh con đã thay đổi, với một số người cho rằng kết hôn là không cần thiết.

“Kết hôn không còn là điều bắt buộc trong đời người và một số người thậm chí còn nghĩ rằng độc thân có nhiều tự do hơn”, Dong nói.

Một báo cáo năm 2021 do iiMedia Research công bố cũng nhấn mạnh ngày càng có nhiều người tự nhận mình là người độc thân, tự nguyện không kết hôn.

4% trong số 3.900 người độc thân được hỏi trong độ tuổi 20-45 tự nhận mình là “những người cương quyết không kết hôn”.

Theo báo cáo, hầu hết người tự nhận mình độc thân, không kết hôn là phụ nữ trên 30 tuổi, được giáo dục tốt hơn với thu nhập cao hơn ở các thành phố hạng nhất.

"Trước đây, vị trí của phụ nữ là ở nhà, làm vợ, làm mẹ, nhưng bây giờ điều đó không còn đúng nữa", Felisa Li, 36 tuổi, chuyên gia quan hệ công chúng tại Bắc Kinh, nói. "Giờ đây, phụ nữ cũng có thể sống một cuộc sống độc lập tuyệt vời, như làm công việc mà họ yêu thích".

Dù Trung Quốc đã khởi động nhiều chính sách hỗ trợ việc nuôi dạy trẻ em trong năm qua, từ việc tối ưu hóa chế độ nghỉ thai sản đến cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc trẻ em hơn, những nỗ lực này dường như chỉ là "muối bỏ bể", theo Li.

"Nếu sống ở những thành phố hạng nhất, bạn sẽ cần ít nhất một căn hộ hai phòng ngủ nếu muốn có con. Điều đó rất khó đạt được ở Bắc Kinh. Tôi đang sống trong căn hộ một phòng ngủ và tôi đã phải cố gắng lắm rồi", cô nói.

Sự bùng nổ của Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.


Trung Quốc nối lại dịch vụ cấp thị thực cho người Nhật Bản

Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Tokyo ngày 29/1 cho biết cơ quan này đã bắt đầu lại quá trình cấp thị thực cho công dân Nhật Bản.

Cặp song sinh Trung Quốc thắng kiện cha 2.500 USD tiền lì xì

Tòa án ở Trung Quốc đã lệnh cho một người cha trả lại số tiền lì xì 16.800 nhân dân tệ (2.500 USD) lấy từ con trai và con gái 13 tuổi.

Minh An

Bạn có thể quan tâm