Dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua, một số hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ghi nhận lượng khách tăng gấp đôi ngày thường. Ảnh: Khương Nguyễn - Kỳ Duyên. |
Tại buổi họp báo về các hoạt động trọng tâm của ngành công thương TP.HCM trong quý II/2024, ông Nguyễn Đình Tùng - CEO Vina T&T Group - đồng thời là Chủ tịch Hội sản phẩm nông nghiệp sạch TP.HCM - cho hay các doanh nghiệp xuất khẩu đang bước vào cuộc chiến gay gắt do khan hiếm nguồn hàng vì nắng nóng.
"Các loại nông sản đều đang tăng giá đột biến, như dừa còn sốt hơn vàng, buổi sáng chốt giá thì chiều nhảy lên 20-30%. Ở Bến Tre vào vườn mua hiện giá lên đến 130.000 đồng/10 trái dừa, hàng xuất khẩu hơn 200.000 đồng, trong khi trước đây có những thời điểm chỉ 40.000-50.000 đồng/10 trái, tức hiện tại đã tăng gấp 3-4 lần. Còn bưởi thì Bến Tre ngập mặn, không có hàng xuất khẩu", ông Tùng kể.
Theo ông Tùng, nắng nóng dài ngày kèm tình trạng thiếu nước tưới và ngập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khiến nguồn cung lẫn chất lượng nông sản, thực phẩm, trái cây đều không được đảm bảo. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ vẫn rất lớn nên có thể thời gian tới giá thực phẩm sẽ tăng.
Tuy nhiên, từ phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - nhấn mạnh nắng nóng hiện chỉ ảnh hưởng nguồn cung hàng hóa xuất khẩu, còn thị trường nội địa trên địa bàn TP vẫn duy trì ổn định, đặc biệt là các mặt hàng trong chương trình bình ổn được đảm bảo cả về nguồn cung lẫn giá cả.
Cụ thể, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết TP đã có cơ chế phối hợp với các tỉnh thành để theo dõi chặt chẽ nguồn hàng từ các tỉnh trong giai đoạn nắng nóng vừa qua.
Hiện tại, lượng hàng về các chợ đầu mối trên địa bàn TP vẫn duy trì ổn định để phục vụ người dân. Doanh nghiệp bình ổn thị trường cũng đang đảm bảo được nguồn cung.
Thậm chí, về thói quen tiêu dùng, dịp lễ vừa qua đã ghi nhận người dân vào siêu thị và các trung tâm thương mại nhiều hơn, lâu hơn. Một số đơn vị phân phối thống kê lượng khách tăng gấp đôi ngày thường. Ông Hùng đánh giá đây là điểm thuận lợi để các hệ thống đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng.
Riêng về các mặt hàng, những sản phẩm như nước giải khát, nước tăng lực, nước điện giải cũng hưởng lợi, điển hình tại Saigon Co.op tăng 30% so với trước thời điểm nắng nóng.
“Đặc biệt, một số mặt hàng OCOP như mật dừa nước, trà tim sen, trà khổ qua, bột rau má... cũng tăng khoảng 50% so với bình thường. Đây là cơ hội để bán hàng cho các doanh nghiệp trong nước và các sản phẩm OCOP", ông Hùng nói thêm.
Ngoài ra, ông cũng cho biết doanh số bán máy lạnh tại các hệ thống như Điện Máy Xanh đã tăng 50%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM đạt gần 367.000 tỷ đồng, tăng 12%. Trong đó, 4 nhóm ngành đều tăng 2 chữ số, như bán lẻ hàng hóa; lưu trú ăn uống và các dịch vụ khác cùng tăng gần 11%; du lịch lữ hành tăng 72%.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, nhu cầu mua sắm các mặt hàng trong 4 tháng đều tăng khá so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh cũng sôi động khi có thêm nhiều doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Mặt khác, các doanh nghiệp tận dụng thời điểm lễ, Tết để triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng thường xuyên, giữ giá cả hàng hóa tương đối ổn định, góp phần tăng sức mua.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.