Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Người TP.HCM chuyển nhà trước thềm năm mới

Dù chuyển nhà dịp cuối năm và sau dịch khá tốn kém, một số người vẫn gấp rút đi tìm chỗ trú chân mới. Họ muốn làm lại cuộc sống, không gian sống mới trước khi qua năm mới.

Cảm thấy thu nhập sau dịch không cải thiện mà có phần tệ hơn, Thanh Phong (28 tuổi, quận 4) quyết định nghỉ việc để về quê. Tuy nhiên, việc anh chuyển đi kéo theo hai người bạn cùng nhà cũng phải tính đường ra đi tìm chỗ ở mới.

Sau giãn cách, cuộc sống của không ít người bị ảnh hưởng và dẫn đến chuyện thay đổi chỗ ở. Có người bị giảm thu nhập muốn tìm nhà rẻ hơn hoặc ở ghép để tiết kiệm chi phí, có người muốn chuyển đến ở gần chỗ làm hơn để tiết kiệm tiền xăng…

Hầu hết họ muốn xong việc chuyển nhà vào cuối năm, vì không muốn sang năm mới phải hấp tấp tìm nhà, nhất là thời điểm này cũng cận Tết Nguyên đán.

“Trong tình hình dịch bệnh không đoán trước được, dù Tết có về quê hay không thì tôi đã có nơi ở ổn định. Sau Tết càng không nên vất vả chuyển nhà”, một người cho hay.

chuyen nha truoc them nam moi anh 1

Thanh Phong đóng thùng đồ đạc hôm 28/12. Anh đã đặt sẵn xe dịch vụ để chuyển nhà về quê trước Tết. Ảnh: Ý Linh.

Gấp rút chuyển đi

Thanh Phong sống cùng hai bạn thân ở một chung cư mặt tiền đường Bến Vân Đồn (quận 4). Căn hộ rộng 100 m2, mỗi người ở một phòng ngủ đều có cửa sổ thông thoáng, không gian và các đồ dùng tiện nghi.

Tháng 4, khi chọn căn hộ này, 3 người đều ưng ý với không gian sống, chi phí thuê và tiện ích xung quanh. Họ đã ký luôn hợp đồng thuê 2 năm với chủ nhà, đặt cọc 2 tháng tiền nhà. Mới ở được 8 tháng, trải qua đợt dịch, một người bị ảnh hưởng khiến cả 3 phải chuyển đi dù tiếc chỗ ở tốt này.

“Đầu tháng 11, tôi thông báo dự định về quê trước Tết, đồng thời đề xuất tìm một người đến ở ghép thế chỗ. Hai bạn kia không đồng ý vì không muốn ở cùng người lạ. Nhưng nếu chỉ hai người ở thì không kham nổi tiền nhà và phí dịch vụ. Do đó, họ cũng chuyển đi”, Phong kể.

Việc chuyển nhà không phải cứ “xách vali lên và đi” là xong. 3 người bạn phải thanh lý hợp đồng thuê nhà. Muốn lấy lại tiền cọc, họ phải tìm người đến ở thay thế, sang nhượng hợp đồng.

Họ đăng tin trên nhiều trang tìm kiếm nhà, tốn cả triệu đồng chạy quảng cáo cho các bài đăng, thuê 10 người môi giới với mức hoa hồng bằng một tháng tiền nhà (11 triệu đồng) cho ai dẫn được khách thuê mới. Thậm chí, chủ nhà còn cho phép các bạn báo giá với mức giảm thêm 1 triệu đồng/tháng để hấp dẫn người thuê mới.

Có gần 20 lượt khách lên xem nhà, tuy nhiên một tháng nay vẫn không có động tĩnh gì. “Đa số khách xem ‘chê’ vì căn hộ trống trơn dù giá thuê và vị trí hấp dẫn. Sau dịch và cuối năm, nhiều người không muốn bỏ thêm tiền mua sắm lấp đầy căn hộ, họ cần nơi để ổn định luôn”, một nữ môi giới dẫn 5 lượt khách đến đây lý giải.

Trước dịch, nhóm bạn muốn thuê một căn hộ trống để tự mình trang hoàng theo ý thích. Khi họ chuyển đi cũng mang hết mọi thứ đồng thời cũng phải tìm một căn hộ trống khác. Điều này cũng là một vấn đề “đau đầu” với họ trong thời điểm cuối năm hậu dịch bận rộn công việc.

chuyen nha truoc them nam moi anh 2

3 người sống chung với nhau có rất nhiều đồ. Khi gấp rút chuyển đi thì phải nhanh chóng thanh lý bớt để giảm tiền vận chuyển. Ảnh: NVCC.

Một nhân viên dịch vụ chuyển nhà ở quận 7 cho biết từ sau giãn cách có nhiều trường hợp chuyển nhà, chuyển văn phòng. “Theo những ca tôi nhận làm, so với tầm này năm ngoái thì năm nay tôi nhận nhiều ca hơn. Tính nhà riêng thì có các kiểu chuyển nhà trong một chung cư giữa các căn và tòa, chuyển từ nhà thuê về gia đình, từ trung tâm về khu khác xa hơn…”, người này nói.

Ở chung, ở gần để tiết kiệm chi phí

Không bị “tan đàn xẻ nghé” như nhóm bạn thân nói trên, Thanh Sang (25 tuổi, quận 7) lại vui mừng khi rủ được đồng nghiệp ở chung với mình.

“Đầu năm nay tôi đang ở chung với bạn thì đòi ra ở một mình vì sợ lây nhiễm Covid-19. Bây giờ bình thường mới, tôi không quan ngại điều này nữa, nên mới muốn ở chung, bất trắc gì còn có người chăm nom nhau”, Sang tâm sự.

Trước đây Sang ở căn hộ dịch vụ với giá thuê 5 triệu đồng/tháng. Khi ở ghép cùng đồng nghiệp, anh tìm một căn hộ 2 phòng ngủ giá 7 triệu đồng ở quận 7, như vậy tiền nhà của anh giảm một phần.

Thời điểm hiện tại giá nhà thuê có nhiều ưu đãi so với trước dịch. Năm ngoái, các căn hộ chung cư 2 phòng ngủ hoặc nhà nguyên căn 2 lầu Sang tìm có giá 8-10 triệu đồng. Năm nay, anh không khó khi tìm căn hộ với mức giá trên kèm nội thất cơ bản.

“Lý do tôi chọn cuối năm để chuyển nhà là vì tâm lý ‘tiễn cũ đón mới’ theo cả năm dương lịch lẫn âm lịch. Hơn nữa một tháng sau là Tết Nguyên đán, tôi lo tìm dịch vụ chuyển nhà và xin giấy vận chuyển hàng hóa ở chung cư sẽ khó hơn”, anh giải thích.

chuyen nha truoc them nam moi anh 3

Càng cận Tết, việc tìm thuê dịch vụ chuyển nhà gặp khó hơn vì thiếu nhân lực do họ về quê. Ảnh minh họa: Phú Mỹ Express.

Trong tháng qua, Sang và bạn cùng nhà mới đã bàn nhau giữ lại một số đồ đạc có thể dùng chung, còn lại gấp rút thanh lý. Bớt nhiều đồ đạc thì sẽ không cần đến xe tải lớn và số lượng nhân viên vận chuyển, giúp họ tiết kiệm chi phí hơn. Hiện một xe tải 750 kg đi trong 10 km và kèm 2-3 nhân công chuyển đồ có giá trung bình 600.000-800.000 đồng/buổi.

Còn anh Minh Quang (31 tuổi) từ nhà riêng ở quận 3 quyết định chuyển về nhà cha mẹ ở quận 10. Thấy báo đài nói tình hình dịch có vẻ căng thẳng đợt cuối năm này, anh chuyển hẳn về nhà phụ huynh để tiện trông nom người lớn.

Tuy cuối năm bận rộn công việc, anh Quang vẫn xin nghỉ phép 4 ngày tuần trước để thu xếp việc chuyển nhà, gồm thu dọn đồ đạc từ nhà riêng và sắp xếp, lắp đặt không gian mới bên nhà cha mẹ. “Tôi kết hợp cả chuyển nhà lẫn sửa dọn nhà một lần. Qua năm gia đình tôi sẽ không phải mất thêm thời gian làm sạch nơi ở, chỉ cần đi sắm Tết”, anh nêu lý do.

Anh Quang mang hết đồ dùng cá nhân cần thiết, máy tập thể dục, cây cối, chó mèo về nhà cha mẹ. Những nội thất và đồ gia dụng như giường, tủ, bàn ghế, máy lạnh, máy giặt… anh để lại nhà riêng bên quận 3 và có ý định cho thuê lại.

“Tôi đã đăng cho thuê giá phải chăng từ đầu tháng 12, ưu tiên chuyển vào càng sớm thì tôi giảm thêm một chút hoặc miễn tháng tiền cọc trước Tết, mục đích có thêm khoản thu nhập phụ bù vào tiền sửa nhà phụ huynh”, nhân viên văn phòng này cho hay.

Anh Minh Quang tính toán rằng đối tượng thuê có thể phần nhiều là sinh viên đến trường trở lại sắp tới, hoặc các bạn mới ra trường, người lao động từ quê lên muốn tìm chỗ ở gần trung tâm thành phố hoặc gần chỗ làm.

“Chuyển nhà là việc không đành, nếu không vì những thay đổi bất ngờ trong năm qua thì mọi kế hoạch của tôi chắc vẫn suôn sẻ. Năm mới, tôi mong ai cũng có thể ổn định nơi ăn chốn ở, không bị tất tưởi như tôi”, Thanh Phong nói lên tâm tư.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Cư dân TP.HCM giăng biểu ngữ, lập nhóm đòi công bằng cho bé gái 8 tuổi

Nhiều người giăng khẩu hiệu trước chung cư Saigon Pearl và kêu gọi chữ ký trên các diễn đàn với mong muốn đòi công bằng cho bé V.A., làm rõ vai trò của người bố nạn nhân.

Dân chung cư TP.HCM cảnh tỉnh nhau sau vụ bé gái 8 tuổi tử vong

"Sự việc này như một hồi chuông cảnh tỉnh, mong rằng mọi người sẽ để tâm và lên tiếng khi thấy trường hợp trẻ em bị bạo hành trong chung cư nói riêng và ngoài xã hội", chị T. nói.

Báo cáo vụ hơn 500 bình chữa cháy ở chung cư TP.HCM quá hạn bảo dưỡng

Công an quận Bình Thạnh kiểm tra và xác nhận bình chữa cháy tòa Park 2, chung cư Vinhomes Central Park, vẫn hoạt động bình thường và được ban quản lý kiểm tra định kỳ hàng tháng.

Người nước ngoài ở TP.HCM: An toàn vì trụ lại thành phố giữa đại dịch

Năm 2021 đối với David Lang (người Mỹ, ngụ quận 7) giống như "Trái Đất ngừng quay" trong vài tháng, nhưng đến giờ anh thở phào và biết ơn vì những điều khó khăn đã kết thúc.

Ý Linh

Bạn có thể quan tâm