Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người thương nhớ Tết Việt giữa trời Âu

Lê Minh Hà viết về Tết với sự trìu mến, thân thương và đầy trân trọng, tựa như cái cách người ta nhắc về một người bạn lưu niên.

Tet que nha anh 1

Chuẩn bị một mâm cỗ tất niên đậm phong vị truyền thống là cách nhiều người con xa xứ thể hiện nỗi nhớ quê nhà. Ảnh: T.Đ.

Trong những trang văn viết về Hà Nội của Lê Minh Hà, tản mạn về ngày Tết chiếm một vị trí đặc biệt. Với giọng văn nhuần nhị, đầy tình cảm, đôi lúc pha chút bông đùa, bao kỷ niệm về những cái Tết thời bao cấp, song hành cùng những cái Tết da diết nhớ thương nơi xứ người hiện lên thật sống động.

Đem cái Tết Việt tới trời Âu

Nhà văn Lê Minh Hà sang Đức định cư đã gần 20 năm, chừng đó thời gian đã bồi đắp thêm cho tác giả bao nhớ nhung về mảnh đất nghìn năm văn hiến. Giống bao người con xa xứ, những ngày giáp Tết là khoảng thời gian khiến nhà văn Lê Minh Hà nhớ về Hà Nội nhiều nhất, bởi càng có tuổi người ta càng ưa hoài niệm.

Cũng là xa nhà, nhưng ai sống ở châu Âu mới hiểu cái nỗi nhớ Tết nó quay quắt và dai dẳng đến nhường nào. Bởi ở xứ này, người ta làm gì có Tết Âm lịch, mấy ngày Tết chồng vẫn phải đi làm, con vẫn tới trường, guồng quay thường nhật vẫn cứ đều đặn như thế.

Tet que nha anh 2

Nhà văn Lê Minh Hà. Ảnh: Tô Chiêm.

Để mang cái Tết Việt về dưới mái nhà, cho con cái tìm hiểu, rồi yêu và nhớ văn hóa cổ truyền của dân tộc, các bà nội trợ thường tranh thủ nấu vài món ăn truyền thống, thường xuất hiện trong mâm cỗ tất niên như canh măng, thịt đông, nem rán, giò xào… thậm chí có người còn bỏ bao công sức kiếm bằng được lá dong để gói bánh chưng.

Đọc những trang viết của Lê Minh Hà, độc giả hiểu hơn về những cái Tết của người xa xứ. Ở nơi đất khách, những người vợ, người mẹ, người bà, vẫn cố gắng chuẩn bị cái Tết tươm tất nhất có thể, dù không được đầy đủ như ở quê nhà.

Lê Minh Hà đã chia sẻ trong nhiều tản văn về ngày Tết, để mâm cơm tất niên có gà ri nguyên con chứ không phải gà đông lạnh chặt miếng, bát canh bóng vừa mềm vừa ngọt hay đĩa xôi gấc dẻo và béo đủ độ, cần cả sự tinh tường, khéo léo lẫn đầu óc tính toán và đôi lúc là khả năng giao thiệp, kết nối bạn bè. Bởi mua đồ ăn Việt trong những khu chợ của người châu Âu không phải dễ.

Cùng cảnh xa xứ, ngày Tết bạn bè càng nghĩ về nhau nhiều hơn. Giữa ngày đông giá rét, tuyết phủ trắng trời, được bạn gửi cho gói măng lưỡi lợn để mấy hôm nữa nấu bát canh ăn Tết cùng chồng con thì còn gì bằng. Thật là tuyệt, nếu ai đó nhớ ra bạn mình hảo ngọt, mang thêm cho bạn túi mứt dừa, nhâm nhi cùng ấm trà nóng, để rồi sau đó lại miên man nhớ màu đào bích quê nhà.

Tết này lại nhớ Tết xưa

Trong hai tập tản văn Thương thế, ngày xưa…Đặc sản thời yêu của nhà văn Lê Minh Hà, song hành cùng cái Tết xa xứ, là những ký ức khó quên về Tết thời bao cấp. Bây giờ, chuyện ăn mặc đã trở thành việc trong tầm tay, thích ăn gì thì mua, thích mặc gì là sắm thì việc chuẩn bị một mâm cỗ Tết đúng tiêu chuẩn của người Hà Nội, đủ “bốn bát, sáu đĩa”, không hề khó.

Tet que nha anh 3

Hai tập tản văn Thương thế, ngày xưa… và Đặc sản thời yêu. Ảnh: Giang Nguyễn.

Thế nhưng, ngót nghét 40 năm trước, khi đất nước còn khó khăn, để sắm sanh đầy đủ cho ba ngày Tết, các bà nội trợ phải tính toán kỹ lắm. Thời ấy những thứ như bánh mứt đều do đám con gái trong nhà rủ nhau làm, nhà có cô con gái lớn đảm đang chuyện nữ công gia chánh, bà mẹ cũng nhẹ bớt lo toan.

Lê Minh Hà đã tái hiện lại cảnh mấy chị em trong khu phố, hay sống cùng khu tập thể ríu rít cùng nhau làm mứt bí, mứt quất, mứt dừa… từ độ 27 hay 28 âm trở đi. Tay thì đảo mứt, miệng thì rôm rả nói chuyện không ngừng, đám thiếu nữ bao giờ cũng có nhiều chuyện để kể, từ chuyện đi chợ hoa Hàng Lược, đi lên Bờ Hồ chơi, hay đi chùa ngày Tết.

Vừa làm, mấy cô chị chỉ dạy cho những đứa em cách chọn gấc làm sao cho khéo, để mua được quả gấc già, nhiều thịt, có như thế xôi mới lên màu đỏ trông ngon mắt. Chọn quả dừa bánh tẻ, không non cũng chẳng già, thái thế nào, ngâm rửa ra sao, cho bao nhiêu đường để mứt không ngọt khé cổ cũng cần bao khéo léo, tinh tường, phải làm dăm lần mới định lượng chuẩn được.

Tết xưa tuy thiếu thốn, nhưng chan chứa tình người. Ở cái thời mà ai cũng khó khăn phải cân đo đong đếm sao cho vừa với tiêu chuẩn tem phiếu, dường như người ta thương nhau nhiều hơn, trân quý nhau hơn. Tình bạn, tình làng nghĩa xóm là những giá trị tinh thần cao đẹp giúp con người ta vượt qua túng thiếu.

Tác giả là người viết về ẩm thực có nghề, ánh lên trong trang viết của bà là nét tinh tế trong chuyện nấu nướng, nữ công của người con gái Hà Nội một thời. Từ việc lựa chọn nguyên liệu sao cho ngon lành, nấu sao cho khéo đều được tác giả mô tả một cách tỉ mỉ, tường tận.

Đọc rồi mới thấy, mâm cơm ngày Tết không chỉ có cái tài nữ công gia chánh của người phụ nữ. Trong đó còn chứa đựng biết bao tâm huyết và yêu thương của người giữ lửa trong mỗi tổ ấm.

Bởi mâm cơm ngày Tết đâu chỉ là bữa ăn để no, nó còn là dịp đoàn viên hiếm có của mỗi gia đình. Năm mới là dịp để chúng ta ôn lại những điều tốt đẹp trong mỗi nếp nhà và chung tay gìn giữ chúng.

Trả nợ ăn Tết

Năm hết Tết đến, ngoài việc sắm sanh cho một cái Tết tươm tất, sung túc, thì việc giải quyết nợ nần còn tồn đọng trong năm cũ, cũng không thể bỏ qua hay xem nhẹ.

Nhớ thương Hà Nội với những món ăn đong đầy kỷ niệm

Người Hà Nội nức tiếng sành ăn. Ngoài vừa miệng, đẹp mắt trong bữa cơm, món mặn với món canh phải hài hòa để người ăn không thấy ngán, sự khéo léo thể hiện ở chỗ ấy.

A oi Tet Bac hinh anh

À ơi Tết Bắc

0

Trong tâm thức của người Việt, Tết luôn mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Trong những ngày đầu xuân, người đi xa hân hoan trở về, ai cũng vui vẻ nói cười, quây quần bên nhau.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm