Tết là dịp tất bật sửa soạn, đi biếu đi chúc, ăn Tết, chơi Tết... Ảnh: Thanh Thuận/Biên Phòng. |
Tết không phải là khoảnh khắc, Tết là lúc buông tay khỏi việc để làm việc ăn. Ấy là lúc những cánh đồng nước Việt chưa mọc lên những khối nhà cao cao mãi, chưa trở thành đất dự án, và bầy trẻ con còn yên tâm đồ lại bài văn mẫu kiểu “cánh đồng làng em không rộng lắm nhưng cũng đủ cho con cò mỏi cánh bay ngang dập dờn sóng lúa mênh mang sớm chiều".
[...]
Tết không nằm trên tờ lịch âm, Tết là sản phẩm của nền văn minh lúa nước, do miền khí hậu quyết định. Tết ta vì thế vẫn giống với Tết tây của những tộc người sống trong một nền văn minh khác, ví dụ ở châu Âu này. Tết, ta hay tây dù họ không gọi như thế là phong tục của những tộc người sản sinh ra những nền văn minh ấy, lớn mạnh nhờ những nền văn minh ấy, một thời.
Tết không phải là khoảnh khắc. Tết không về trong ngày nắng hanh cánh đồng đất đã cày lật phơi ải chờ đập bụi mù giời rồi tháo nước chuẩn bị bừa cấy. Tết phải về sau đấy, khi không khí bắt đầu dịu đi với lất phất mưa phùn, dạt dào gió bấc, hơi xuân dâng dần.
Nghỉ tay rồi mới lại bận bịu được với việc tâm linh, đi tảo mộ buổi chiều tháng chạp, đi chợ phiên hàng huyện sắm sanh đồ ăn thức dụng, kèm đôi câu đối đỏ đen, bó hoa giấy thô tháp đỏ vàng xanh, chịu chơi nữa thì ra vườn chăm bụi cúc mốc.
Thế rồi làm thịt lợn, làm các thứ bánh lá, từ bánh chưng bánh tẻ qua bánh mật bánh gai để lâu được mà không cần tủ lạnh. Rồi là đi biếu đi chúc, ăn Tết xong rồi chơi Tết, chơi đến tận giêng hai.
Kể thế thì thấy Tết thơ mộng quá. Nhưng thật thì cái lúc gọi là nông nhàn ấy chỉ là lúc nhà nông thất nghiệp, lúa cấy mới ấm chân, khoai mới là rễ mà chưa thành củ. Mùa giáp hạt bắt đầu khi lo cho cái bụng no xong ba ngày Tết. Cái khổ bắt đầu từ trước đó, nỗi khổ thăm thăm biếu biếu lo giữ giao tình trên dưới, những mối giao tình rất nhạy cảm, sơ sẩy là sứt là mẻ ở chốn làng quê.
[...]
Tôi đã sống ở Hà Nội suốt thời bao cấp và đã bao nhiêu lần chứng kiến cảnh hàng xóm về quê ăn Tết, thời đi xe buýt hay đi tàu ra khỏi Hà Nội mấy chục cây thôi là bao nhiêu khổ ải. Cũng chẳng khác gì cảnh hôm nay bao nhiêu người Việt tứ tán đi làm ăn xa khắp dải non sông ồ ạt về quê ăn Tết, vật vờ cảnh bến xe bến tàu bây giờ.
Về được tới quê nhà rồi thì sao? Sẽ hồ hởi mừng vui hay buồn tủi? Cũng khó tránh sự buồn tủi lắm, chỉ cần người thân sơ sảy một câu thôi so sánh cái sự phong túc rộng lòng của đứa con này với đứa con khác, so sánh sự giàu có hoan hỉ của con nhà người với con nhà mình. Ôi chao.
Ấy là chưa kể người chứ có phải hậu duệ của Tề Thiên Đại Thánh đâu mà phân được thân ra chỗ nào cũng có mặt. Thế là thành chuyện mà khi tôi ở nhà vẫn sợ vãi linh hồn lúc đã là người lớn. Tết nào có được chơi, chỉ lo là lo.
Lo từ bó lá dong tới hộp mứt, cho nhà mình và cho những nhà mình thuộc về, để ra giêng thì bánh mốc mứt chảy nước. Lo từ dáng vóc con gà sẽ ngự trên mâm cỗ cúng tới cái chân giò nằm trong nồi canh măng.
Chơi hoa à? Chơi từ lúc mùa hoa chứ chơi gì cái lúc cuống cuồng chạy đi tậu cành đào như cái bu gà về cắm chổng ngược trên bàn thờ? Trong tất cả những nỗi lo đó dằng dai một nỗi lo thiếu nước hay mất nước, để rửa lá đãi đỗ làm gà rửa bát ăn hàng ngày cứ ngồn ngộn mâm, hết bữa này qua bữa khác, cùng ngần ấy món.
[...]
Tết không phải là một khoảnh khắc. Tết càng ngày càng kéo dài, một cách chính thức, qua sự nhà nước quyết định mỗi năm việc nghỉ Tết, bỏ tiền ngân sách trang hoàng Tết, bắn pháo hoa để người khó quên nghèo hay khuyến khích rung chuông tiết kiệm tiền pháo, qua việc lãnh đạo các cấp khuyến cáo công khai việc không được biếu xén ngày này.
Bảo bỏ Tết đi, lập tức có người kêu phải biết nghĩ tới những người khốn khổ bỏ quê đi kiếm ăn xa, phải có một ngày cho người ta đoàn tụ. Ừ phải quá, những người ấy cũng nghĩ như vậy đấy, chứ không thì chỉ có thể cuống quýt về nhà khi nhận tin cha già mẹ héo đi rồi. Có điều, về vì sao và bằng cách nào ai nghĩ giùm cho nhau được?
Tôi không làm sao hiểu được những điều đó nữa. Tôi xa nước hơn hai mươi năm rồi. Ở xứ người, thấy họ nhiều ngày lễ lắm, có ngày được nghỉ có ngày không, nhưng những ngày được nghỉ mà rơi vào cuối tuần thì cũng không có sự người ta cho nghỉ lại. Ai người nào vào việc nấy.
Tết Tây với Tết ta ở nhà gần nhau, giờ loay hoay thế nào mà một năm cứ ăn rả rích từ Tết Tây qua Tết ta theo cái kiểu không làm vừa nói, thấy sướng hơn cả tây. Tây không có Tết âm, nhưng Giáng sinh trong tâm cảm người châu Âu có khác gì Tết âm lịch ở Việt Nam ta đâu. Họ ăn Giáng sinh và mừng năm mới của họ cũng tưng bừng lắm. Chợ Giáng sinh mở trước đó cả tháng.
Thành phố treo đèn kết hoa y như ở Việt Nam mình, nhưng thua độ đậm đặc sặc sỡ và loè loẹt. Chiều 24/12, phần lớn các cơ quan công quyền nghỉ. Các dịch vụ buôn bán tiếp tục tấp nập tới quá trưa rồi sẽ chấm dứt. Tăng cường hoạt động chắc chỉ có cảnh sát và thầy thuốc. Đến ngày 27, tất cả lại trở về vòng quay công việc cũ. Và đến ngày cuối năm sau đó có ba hôm, lại hồ hởi nghỉ cùng nhau y như thế, mồng ba tiếp tục đi làm.
Có một điều làm tôi bất ngờ khi mới qua bên này: những ngày trước và sau lễ có việc phải tới cơ quan công quyền thì không thấy bất kể một dấu hiệu nào nhân viên bỏ bê công việc.
Tôi cũng bất ngờ khi thấy hóa ra giao thừa tây tưng bừng hơn giao thừa ta nhiều. Pháo được bán từ hôm hai tám hai chín Tết, chỉ gồm pháo hoa và pháo tép. Từ lúc bán pháo thỉnh thoảng cũng rạo rực đôi ba tiếng nổ vì có kẻ đốt liều, còn thì phải đợi tới đêm ba mươi mới được nghe, được nhìn, được đốt.
Người ta bắn pháo hoa, người ta đốt pháo rầm trời từ lúc trước giao thừa cho tới... đúng sáng mồng một. Rồi thôi. Mấy năm dịch giã, lockdown, cấm pháo luôn, để tránh tụ tập đông người. Khí quyển cũng vì thế mà được hồi sức. Tính ra thì cũng phải.
Cũng bất ngờ không kém là khi tôi nhận món quà Giáng sinh đầu tiên ở đây từ bà chủ nhà. Đấy là một đôi khăn bông to đùng để trải nằm ngoài bãi biển cùng cả biên lai. Kèm lời dặn tôi không thích món quà của tao hay không cần dùng tới thì nghỉ lễ xong mang ra cửa hàng trả, lấy lại tiền, nhá!
[...]