Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết trong suy nghĩ của một 8X xa quê trở về

"Tết cổ truyền theo đúng nghĩa chỉ còn là hoài niệm trong tâm tưởng của những người đã từng sống trong hương vị của Tết xưa chăng?"

Cuốn sách Tết xưa chưa mất là tập hợp 60 bài viết hay nhất từ cuộc thi Tết xưa chưa mất được Nhóm Gìn giữ Tết xưa - Tình nguyện viên Truyền thông Trăng Đen & Viện phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt tổ chức.

Nội dung cuốn sách là những chia sẻ của bản thân tác giả về ký ức Tết xưa nồng nàn mùi bánh chưng, bánh tét. Bên cạnh đó, cuốn sách còn nhận được sự chung tay hưởng ứng từ 15 nghệ sĩ Việt ở nhiều lĩnh vực.

Zing.vn trích đăng một số bài viết trong sách.

Ký ức Tết xưa của một 8X

 Tác giả Tâm An

Cuộc sống mới hiện đại hơn đã mang theo một cái Tết mới, hương vị mới,
chúng ta đang cho rằng ngày nay không còn cảm nhận được hương vị của Tết xưa nữa. Tết cổ truyền theo đúng nghĩa chỉ còn là hoài niệm trong tâm tưởng của những người đã từng sống trong hương vị của Tết xưa chăng?

Em là người sinh ra thế hệ gần cuối 8X nên thực sự cuộc sống luôn có gì đó hoài niệm nhưng không phải vì vậy mà cho rằng chỉ thích tết của ngày xưa cũ mà có chút gì đó hơi hơt với tết nay đâu. Nhưng với một đứa giờ xa quê sống tại thành phố nhộn nhịp nắng ấm quanh năm có lẽ tết xưa hay tết nay thì trong em vẫn luôn nguyên vẹn!

Lớn lên tại một vùng quê xứ Nghệ nghèo khó, “chó ăn đá gà ăn sỏi,” mưa nắng bão bùng quanh năm, cuộc sống nghèo khó, em thưc sự hiểu được cái cơ cực của những người xung quanh, họ háo hức chờ tết biết nhường nào.

Với người lớn thời gian ấy là dịp để họ nghỉ ngơi sau cả năm nhọc nhằn, vất vả, bận rộn. Cái Tết lúc ấy thật sự hanh phúc khi được ăn những bữa ăn ngon, được mặc quần áo mới. Tết đến thực sự háo hức vô cùng đối với trẻ con được bố mẹ mua quần áo mới, được tha hồ ăn kẹo bánh, được nhận lì xì của người lớn.

cuon sach Tet xua chua mat anh 1
Hình ảnh gói bánh chưng đã đi sâu vào trí nhớ của biết bao thế hệ 8X. Ảnh minh họa.

Với em hình ảnh của tết xưa là cùng mấy anh em đi tảo mộ cho ông bà, là ấn tượng khung cảnh nghĩa trang nghi ngút hương khói.

Thích nhất là đi chợ tết dù chen chúc nhau, dù mưa lạnh nhưng thực sự thấy rất vui. Được nghe tiếng làm thịt heo eng éc trong xóm vang lên, được ngắm bố gói bánh, xem mẹ nấu những món ăn chuẩn bị cho những ngày tết, mấy anh em lại cùng nhau dọn vệ sinh, lau chùi nhà cửa.

Thích đêm 30 quây quân bên bếp lửa canh nồi bánh, thức với đêm giao thừa, giờ khắc thiêng liêng bước sang một năm mới, được nghe tiếng pháo nổ rộn rã của đêm giao thừa, được nghe từng câu chúc, từng lời mừng tuổi ông, bà, bố mẹ. Sáng mồng một được mẹ nấu cháo canh cho ăn. Tết ngày xưa trong tâm thức tuy thiếu thốn hơn nhưng cảm giác vui, háo hức.

Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi là điều đương nhiên, nhưng không phải vì thế mà mà nói tết nay không vui. Có lẽ với một người con xa quê chỉ có dịp tết mới được về bên gia đình thì trong em tết xưa và nay vẫn luôn như cũ.

Bây giờ, tết ở quê vẫn thế, thực sự không thay đổi nhiều, “nếp cũ" của ngày xưa vẫn còn, những thói quen cũ của ngày tết vẫn được giữ lại rất nhiều.

Chỉ có điều bây giờ năm nào cũng vậy, cứ tối 30 trong xóm lại tổ chức đêm văn nghệ giao lưu gặp mặt những người con đi làm ăn xa nay trở về, cũng là lúc để mọi người ngồi nói chuyện, cùng nhau góp của ít lòng nhiều cho quỹ của xóm, cùng nhau động viên, trao thưởng tinh thần học tập tốt cho con em trong xóm.

Tới thời khắc giao thừa, thanh niên trong xóm tập hợp thành một đoàn đi chúc tết từng nhà cho tới sáng. Hay ra tết cả làng đi thưc hiện tết trồng cây, hội khỏe Phù Đổng, giao lưu thể thao, văn nghệ đầu năm…

Cuộc sống hiện đại, nhịp sống hối hả khiến con người ta nhiều khi quên đi những cái gì đơn giản, dần đánh mất đi giá trị truyền thống. Nhưng những gì là giá trị đích thực?

Có lẽ tết xưa hay tết nay có còn nguyên hay không chính là trong cách suy nghĩ, cách thể hiện đón nhận tết của mỗi người mà thôi. Quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào vui bằng tết đoàn viên!

'Tết xưa chưa mất': Những hoài niệm về Tết truyền thống

Cuốn sách khơi gợi lại ký ức tuổi thơ ngày Tết thấm đẫm yêu thương. Nhưng trong xã hội hiện đại, niềm vui nhỏ nhoi ấy đang bị che lấp bởi những lo toan cuộc sống.

Trích sách "Tết xưa chưa mất"

Bạn có thể quan tâm