Có một giai thoại về Apple thời kỳ đầu mà tôi nghĩ là đúng như sau: lần nọ Jobs được mời đến văn phòng CEO của một công ty máy tính đối thủ khổng lồ của Apple. Đến nơi, Steve đặt nguyên bàn tọa lên một góc chiếc bàn siêu rộng của vị CEO quyền lực kia, rồi rướn người về phía ông ta và tuyên bố: “Tôi sẽ chôn vùi anh. Apple sẽ chôn vùi công ty của anh”. Nhưng nào có vậy, họ đã chôn vùi anh ta.
Sự cao ngạo này, niềm tin này - rằng chỉ có ý tưởng của mình (hoặc của công ty mình) mới là đúng - chính là mảng tối của ngọn lửa đã đẩy Apple hết lên lại xuống trên chuyến tàu lượn tài chính trong suốt gần 30 năm. Jobs là vị cứu tinh của công ty này, nhưng Jobs dường như cũng là nô lệ của thứ anh ta nhìn thấy trong gương.
Lời đồn rằng có một tấm biển lớn đặt trên bàn của Steve Jobs ở Apple ghi “Không theo tôi thì biến” là không đúng, nhưng chuyện có rất nhiều người tin vào lời đồn này thì đã nói lên tất cả. Những phát kiến và ý tưởng (cũng như sự cao ngạo!) của Apple đã trở thành huyền thoại trong ngành công nghiệp máy tính. Những ý tưởng ấy, và việc triển khai chúng sau đó, thường là xuất sắc vô đối.
Nhưng ý tưởng thôi thì chưa đủ. Nó chưa bao giờ là đủ. Và kể cả nó có được triển khai thành công thành một công nghệ chăng nữa thì điều ấy vẫn là chưa đủ nếu công ty đó không chịu hòa nhập với thế giới và với các khách hàng của mình trong một cuộc khai thác đôi bên cùng có lợi.
Ngay cả iPod của Apple tuy là một thành tựu chấn động cả về công nghệ lẫn tiếp thị thì vẫn được thiết kế để tự tách mình khỏi thế giới. Muốn tải nhạc về iPod, chúng ta phải đến kho nhạc của Apple trên Internet. Không một tài nguyên âm nhạc nào kết nối (chính thức) với iPod. Vì sao vậy? Vì đó là tư tưởng “Không theo tôi thì biến”. Kiểu kinh điển của Steve Jobs.
Hệt như hai thập kỷ trước, tôi đoán là Steve Jobs sẽ đưa giá cổ phiếu công ty mình lên kịch trần và rồi lại làm nó tụt dốc dưới sự tấn công của những đối thủ “dưới cơ” móc ngoặc với những kẻ bá vơ cùng ăn trộm khách của Apple. Cảnh ấy nếu không bi thảm thì cũng thật tức cười.
Câu chuyện của Apple là một câu chuyện đạo đức, chuyện về một ý tưởng hay được bọc bằng niềm đam mê của một con người (mà Steve Wozniak từng rời bỏ thói ngạo mạn, và cả vỏ bọc mang tên thiên tài tiếp thị. Đó quả thật là một hí trường! Nó sẽ thành đề tài cho vô khối câu chuyện tuyệt vời trên các báo tài chính và website công nghệ.
Nó sẽ đem đến niềm vui cho những ai đã biết bối cảnh lịch sử của công ty này. Nhưng nó không phải là kinh doanh thông minh, chỉ là một hạ sách ngắn hạn, trước khi những kẻ “kém cỏi hơn” đuổi kịp. Và ngoại trừ đối với Steve Jobs.
Apple là thương hiệu mơ ước toàn cầu. Pixabay/Pexels. |
Không có Jobs, Apple không bao giờ có thể chuyển mình từ một cái tên mờ nhạt thành một thương hiệu đẳng cấp thế giới. Nhưng đi cùng Steve Jobs, Apple sẽ luôn ra sức nhào nặn cả vũ trụ cho vừa với tầm nhìn của anh ta về Apple, và sẽ phải trả giá hết lần này đến lần khác. Các công ty và những người “kém cỏi hơn” sẽ chôm ý tưởng của họ, bắt tay, bắt tay, bắt tay, và đánh bại Apple trong chính cuộc chơi của họ.
Steve Jobs không hề là kẻ quái kiệt. Anh ta là một tay bất trị đặc sệt chất Mỹ và là một thiên tài tiếp thị đẳng cấp thế giới. Nhưng trừ khi có ai đó đủ sức mạnh như anh ta đến với Apple (mà phải bước qua xác anh ta đã!!!) và quyết tâm phá vỡ vòng lẩn quẩn mà anh ta đã tự đắm chìm suốt bao năm qua, nếu không thì Apple sẽ mãi chỉ là một biểu tượng để người ta trầm trồ mà thôi. Nó sẽ không thể trở thành một công ty đủ tầm vóc để có thể (và nên) thực sự “chôn vùi” được những đại gia như IBM.
Vậy nếu tất cả đó là ý kiến của tôi thì tại sao tôi lại dùng máy tính của Apple? Thứ nhất, vì máy tính của họ tốt hơn, hơn hẳn bất kỳ máy tính cá nhân nào hiện có trên hành tinh này. Thứ hai, vì từ thuở ban đầu của họ và cho đến tận bây giờ tôi vẫn luôn hưởng ứng cái tinh thần “vì số đông bình dân” vô cùng phấn chấn và hào sảng mà Wozniak và Jobs đã khuấy động.
Đến nay tôi vẫn thuộc về “số đông bình dân” ấy và vẫn sẽ trung thành với các sản phẩm của Apple. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi cũng ước gì Steve Jobs và Steve Wozniak đã chôn vùi được các tập đoàn đối thủ của họ. Nhưng tôi cũng luôn là người dễ yếu lòng trước những kẻ yếm thế.
Còn đối với bản thân Jobs, quý vị nên biết rằng những “khiếm khuyết trong tính cách” của anh ta mà tôi từng nhắc, nếu quả như thế, là thứ đã biến anh ta thành người giàu đến không thể tin nổi. Giàu vượt xa so với những gì tôi có thể mơ đến. Hãng phim hoạt hình Pixar của anh ta đã thành công một cách phi thường và đến nay đã được Disney mua lại với giá gần 7 tỉ đôla, vâng, 7 tỉ đôla.