À mà, ông giàu đến đâu?
Tôi không biết nữa. Mấy tay giàu có khác cũng chẳng biết họ giàu chừng nào đâu. Tôi chưa từng quy tài sản thành tiền, và tôi không chắc đống tài sản đó sẽ bán được giá bao nhiêu. Thôi thì cứ áng chừng cỡ 400 triệu đến 900 triệu đôla Mỹ trước thuế vậy. Tôi thật sự không thể đưa ra một con số cụ thể nào sát hơn thế.
Năm ngôi nhà. Ba điền trang. Những chiếc xe hào nhoáng. Những chiếc phi cơ tư nhân (Tôi luôn thuê phi cơ. Bất kể đó là loại bay, nổi hay bay thẳng - cứ thuê thôi, về lâu về dài sẽ tiết kiệm hơn nhiều), hàng nghìn mẫu đất, tác phẩm nghệ thuật treo tường và những thư viện chứa đầy ấn bản đời đầu, những bức tượng đồng đặt rải rác trong vườn, tài xế, quản gia, cố vấn tài chính và đội ngũ phục vụ riêng khác lẽo đẽo theo sau tôi.
Ồ, tôi quên chưa nhắc đến những chai rượu hảo hạng trong hầm rượu, đừng bao giờ quên rượu cũng là một phần tài sản.
Dĩ nhiên, nợ nần phải ít hơn tài sản chứ. Tôi nợ khoảng 30 triệu đôla. Người giàu nào cũng có một ngưỡng nợ nần nhất định. Rõ ràng nợ có tác dụng giúp giảm thuế - nhưng tôi không quá mặn mà với việc đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành. Trên thực tế, tôi vẫn chưa hiểu một cách thấu đáo về bảng cân đối kế toán. Khấu hao tài sản cố định luôn là thứ khiến tôi chịu chết.
Mặt khác, tôi không biết điều khiển phi cơ hay lái xe Rolls- Royces hoặc Bentley. Tôi chưa bao giờ rảnh hay có ý học những thứ đó. Điệp khúc mà tôi thường nhai đi nhai lại mỗi khi ngồi sau xe bạn đèo khi còn ở tuổi thiếu niên là: ‘Cậu không hiểu đâu. Tôi sinh ra là để được lên xe xuống ngựa mà không cần phải lái.’ Hồi đó, cả đám bạn và ngay cả bản thân tôi cũng đều tưởng chừng đó là một nhận định vu vơ, đùa cợt. Còn bây giờ, tôi tự hỏi phải chăng hồi đó mình đã biết rõ hay ít nhất ngờ ngợ về điều đó.
Thêm một hoặc hai câu hỏi nữa - sau đó chúng ta hãy vào việc chính.
Thành thực mà nói, kiểu người nào sẽ giàu?
Một chủ đề thú vị đấy. Nhà văn F. Scott Fitzgerald từng nói: “Hãy để tôi kể cho bạn nghe về những người thật sự giàu. Họ khác với bạn và tôi.” Theo đó, tôi cho rằng ý của ông ấy là họ dường như có những đặc điểm khác biệt với đám đông kém cỏi. Câu đáp lại của đại thi hào Ernest Hemingway là: ‘Phải, họ khác biệt, họ có nhiều tiền hơn.’ Thật đúng là Hemingway. Nhưng câu đáp trả ấy lại không hẳn là không có lý.
Những đứa con đầu lòng, cả trai lẫn gái đều toát lên một vẻ tự tin. Không phải trường hợp nào tôi quan sát cũng thế nhưng tỷ lệ này rất lớn, nên có thể coi là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Người ta thường quan sát thấy những người giàu có thường tự tin y hệt nhau, bất kể họ được sinh ra đã ngậm thìa vàng, được thừa kế hay tay trắng làm nên.
Quý vị có thể nhìn thấy điều này trong tác phong lần đầu họ bước vào khách sạn hoặc nhà hàng. Quý vị có thể thấy những phụ nữ giàu có tự tin đến mức khó chịu khi mặc váy vóc hàng hiệu trong cửa hàng Oxfam1. Chẳng phụ nữ lao động vất vả nào làm thế cả. Những phụ nữ tầng lớp lao động sẽ cảm thấy kinh hoàng khi nghĩ đến bất kỳ lối hành xử nào giống như vậy, để sở hữu những loại trang phục đắt đỏ và thời trang, họ cần phải đợi tới kỳ giảm giá mới dám mua trong khi những người phụ nữ giàu có lại chẳng mấy thiết tha.
Quý vị cũng có thể nhìn thấy sự tự tin đó trong cách mà đám trẻ nhà giàu coi cả thế giới này được tạo ra là để dành riêng cho chúng. Tiền bạc đi kèm với một thái độ vô lo. Đó là một trong những đặc điểm kém duyên nhất ở những người giàu có.
Đây là lời của Richard Rumbold, một ‘kẻ âm mưu’ nổi loạn người Anh, phát biểu trên đoạn đầu đài năm 1685:
Tôi không bao giờ có thể tin rằng Thượng đế đã cử vài người đến thế gian này với những đôi chân đã mang sẵn giày đinh để ăn trên ngồi trốc thiên hạ, còn hàng triệu người khác vốn khi sinh ra đã bị buộc sẵn yên cương để chịu cảnh bị đè đầu cưỡi cổ.
Và xin thưa cùng độc giả, tôi không hề tin vào điều đó.
Cho dù phẩm chất của người giàu là gì đi nữa thì bất cứ ai kiên định với mục đích làm giàu đều có thể thỏa nguyện. Quan trọng là sự tự tin, tôi nghĩ vậy. Tự tin và niềm tin không thối thất về một thực tế rằng làm giàu là việc hoàn toàn khả thi, và chính quý vị là người thực hiện điều đó.
Tập trung nhìn thẳng về phía trước thật sự có ích cho việc làm giàu. Làm kẻ đê tiện, hay làm đứa mặt dày... đều rất hữu ích. Thể lực là thứ rất quan trọng, vì nó cũng như khả năng làm việc chăm chỉ đến mức những người bạn thân nhất phải chế giễu bạn, người yêu cảm thấy tuyệt vọng và những người thân quen còn lại đứng bên lề lén lút quan sát, với tâm trạng nửa kính sợ nửa khinh thường. May mắn sẽ hỗ trợ nhưng chỉ khi quý vị không tìm kiếm nó.
Do đó, câu trả lời cho câu hỏi trên có lẽ là thế này: không phải những ai muốn, cũng chẳng phải những ai cần, mà là những ai nung nấu quyết tâm - bất chấp cái giá phải trả.