Bà Nusra al-Ahmed cầu xin Obama cứu mạng con trai. Ảnh: The Guardian |
“Đối với người khác, một giờ có 60 phút, nhưng với tôi, mỗi giờ trôi qua là những lần tôi đau đớn”, bà Nusra al-Ahmed, một phụ nữ Saudi Arabia có con trai bị kết án tử hình, nói.
Ali Mohammed al-Nimr, con trai bà Nusra, bị bắt khi tham gia cuộc biểu tình của những người Hồi giáo dòng Shia ở thành phố Qatif tại nơi mà người Hồi giáo Sunni chiếm đa số.
Giới chức cáo buộc chàng trai 17 tuổi (khi bị bắt hồi tháng 2/2012) tham gia biểu tình trái phép, sử dụng điện thoại để hỗ trợ biểu tình và sở hữu một khẩu súng. Gia đình Ali bác bỏ cáo buộc anh mang súng.
Theo lời bà mẹ, trước khi vào tù, Ali là một chàng trai thông minh, nhiệt tình, thích bơi lội, chơi bóng đá và mê nhiếp ảnh.
Những lần đến thăm con trong tù, bà Nusra phát hiện con bị tra tấn: “Lần đầu tới phòng giam, tôi không nhận ra con trai mình. Nó bị một vết thương trên trán, một vết ở mũi. Khuôn mặt biến dạng và người gầy đi rất nhiều. Lúc nói chuyện, thằng bé kể rằng nó bị đánh đập tới gẫy răng khi thẩm vấn. Suốt một tháng, nó đi tiểu ra máu và chịu đau đớn khắp cơ thể”.
Ali Mohammed al-Nimr bị Saudi Arabia tuyên án chém đầu và đóng đinh lên thập giá. Ảnh: The Guardian |
Phán quyết dành cho Ali diễn ra trong một phiên tòa bí mật. Bản án là chặt đầu và đóng đinh lên cây thập giá đặt ở nơi công cộng.
“Đây là hình thức tử hình man rợ thời trung cổ. Không ai lại đối xử với một đứa trẻ 17 tuổi như thế. Nó không giết người, không ăn cắp mà phải chịu bản bán khủng khiếp đến vậy”, bà mẹ đau đớn nói.
Để cứu con trai, bà Nusra cầu xin Tổng thống Barack Obama giúp đỡ, The Guardian đưa tin hôm 14/10.
“Ông ấy là người quyền lực nhất thế giới. Ông có thể can thiệp và giải cứu con trai tôi. Cứu một người đang gặp hoạn nạn là điều tốt đẹp nhất. Ali và tôi chỉ là những người rất bình thường và không có ý nghĩa gì trong thế giới này. Nhưng nếu ngài Obama can thiệp, người dân trên thế giới sẽ cảm phục và quý trọng ngài hơn. Và chúng tôi được cứu khỏi thảm kịch”, bà Nusra nói.
Sau khi nhận lời kêu cứu, Tổng thống Obama kêu gọi chính phủ Saudi Arabia giải thoát cho Ali.
Phát biểu trên chương trình Newsnight của BBC, ông Abdallah al-Mouallimi, đại sứ của Saudi Arabia tại Liên Hợp Quốc, cho biết ông sẽ không đề cập tới trường hợp của Ali bởi quy trình pháp lý chưa hoàn tất và đây là công việc nội bộ của Saudi Arabia.
“Chúng tôi yêu cầu các quốc gia trên thế giới tôn trọng hệ thống pháp luật, quy trình phán xét và các quy định của chúng tôi, không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền”, ông Abdallah tuyên bố.