Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vai trò của IS trong vụ nổ kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/10 làm ít nhất 97 người chết mang dấu ấn của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), nó có thể để lại hậu quả thảm khốc hơn cả sự đẫm máu ở hiện trường.

Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu ở thủ đô Ankara ngày 10/10. Ảnh:
Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu ở thủ đô Ankara ngày 10/10. Ảnh: Reuters

Daniel Nisman, giám đốc điều hành tập đoàn Levantine chuyên nghiên cứu về vùng Đông Địa Trung Hải, cho rằng quy mô và kế hoạch điều phối của những vụ nổ ngày 10/10 cho thấy đây là cách làm của phiến quân IS. 

Vì sao là IS?

"IS thường nhắm vào những nhóm người thiểu số, như người Shia ở Saudi Arabia, nhằm thổi bùng lên sự căng thẳng sắc tộc. Họ cũng là những 'mục tiêu mềm' dễ tấn công", ông nói với CNN.

Chia sẻ quan điểm này, Soner Cagaptay, giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ ở Viện Washington, nói với tạp chí Time: "Tất cả dấu hiệu ban đầu đều cho thấy IS có thể là thủ phạm".

Từ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên quân quốc tế để không kích tiêu diệt IS, lực lượng này đã tuyên bố sẽ tấn công trả đũa. Hồi tháng 9, IS lên án chính phủ và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là "những kẻ bội giáo hay la lối".

Trong một video phát hành hồi tháng 7, một nhóm ủng hộ IS cũng kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ "chiếm lấy Istanbul", gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là "kẻ phản bội". Do vậy, một số chuyên gia rằng vụ đánh bom kép ngày 10/10 có thể liên quan đến IS.

Trong 2 năm qua, IS đã xây dựng sự hiện diện ăn sâu trong Thổ Nhĩ Kỳ. Một chuyên gia chống khủng bố nói với CNN rằng, IS sử dụng một số vùng lân cận thành phố Istanbul như các trung tâm tài chính. 

Dù chính phủ đã bắt hàng chục đối tượng tình nghi là người ủng hộ IS, giới quan sát cho rằng hành động này không thể ngăn cản phiến quân tiếp tục gây ra những vụ tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Vụ đánh bom kép hôm qua là một vụ 11/9 của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó xảy ra giữa lòng thủ đô, tại một khu vực biểu tượng ở Ankara, và khiến hàng chục người chết". 

Soner Cagaptay, giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ (Viện Washington)

Căng thẳng chính trị nội bộ

Cagaptay so sánh vụ đánh bom kép ngày 10/10 là "vụ 11/9 của Thổ Nhĩ Kỳ". "Nó xảy ra giữa lòng thủ đô, tại một khu vực biểu tượng ở Ankara, và khiến hàng chục người chết". 

Tuy nhiên, nếu như vụ 11/9 của nước Mỹ khiến người dân nước này trở nên đoàn kết hơn (dù trong một khoảng thời gian), thì vụ tấn công ngày 10/10 có thể khiến tình hình chia rẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm sâu sắc.

Bên cạnh IS, Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho rằng vụ tấn công có thể liên quan đến các đảng đối lập như đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Mặt trận Giải phóng nhân dân cách mạng (DHKP-C). Phiến quân PKK từng kích động phong trào ly khai suốt 30 năm qua, trong khi DHKP-C thừa nhận gây ra vụ tấn công liều chết năm 2013 ở đại sứ quán Mỹ tại Ankara.

Đối với chính trị nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, vụ tấn công sẽ khiến bầu không khí vốn đã biến động càng thêm phần căng thẳng giữa nhà nước và các nhóm người Kurd.

Những nạn nhân trong vụ đánh bom hôm 10/10 là người tham gia diễu hành hoà bình nhằm phản đối tình trạng bạo lực đang gia tăng giữa phiến quân người Kurd và lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Independent
Những nạn nhân trong vụ đánh bom hôm 10/10 là người tham gia diễu hành hoà bình nhằm phản đối tình trạng bạo lực đang gia tăng giữa phiến quân người Kurd và lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Independent

Trong năm 2015, ít nhất 3 buổi tuần hành liên quan đến người Kurd đã bị tấn công bằng bom. Ngoài vụ đánh bom kép vừa qua, vụ tấn công liều chết hồi tháng 7 ở thị trấn Suruc (gần biên giới Syria) khiến ít nhất 34 người chết. Chính phủ quy trách nhiệm cho một nhóm ủng hộ IS ở Syria, nhưng nhóm này chưa từng lên tiếng nhận trách nhiệm.

IS trục lợi từ căng thẳng sắc tộc?

Điều có thể xác định là vụ đánh bom kép ngày 10/10 nhằm gây chia rẽ và kích động bạo lực hơn nữa ở Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó phá vỡ tinh thần đối thoại chính trị vốn mong manh giữa các phe phái. 

Chẳng hạn, vụ đánh bom ở Suruc nhanh chóng khiến buổi hòa đàm giữa chính phủ và PKK sụp đổ. Các thủ lĩnh người Kurd cáo buộc nhà nước đã lơ là nên phiến quân IS có cơ hội tấn công họ. Phe PKK thậm chí còn cáo buộc lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác với phiến quân IS.

Vòng xoáy bạo lực giữa quân đội và PKK đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Phiến quân IS nhìn ra đây là cơ hội để kích động bạo lực ở Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó đạt hai mục tiêu chính: làm suy yếu lực lượng người Kurd và luôn buộc quân đội cùng lực lượng không quân phải bận rộn để đối phó với phe đối lập. Những kế hoạch này diễn ra trong bối cảnh IS ở miền bắc Syria (đặc biệt ở tỉnh Hasakah) đang chiến đấu với lực lượng YPG người Kurd có quan hệ mật thiết với PKK.

Theo ông Nisman, Ankara và IS chia sẻ chung quan điểm rằng những nhóm người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc là "kẻ thù lớn". Cả hai bên đều mải đối phó với đối lực lượng người Kurd nên chưa thực sự quan tâm đến kế hoạch tiêu diệt lẫn nhau. IS đến nay chưa tấn công cuộc tuần hành nào của đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ.

'Đánh bom Thổ Nhĩ Kỳ là hành động hèn nhát'

Thủ tướng Đức, Tổng thống Mỹ và nhiều lãnh đạo thế giới khác đã lên án và gửi lời chia buồn tới nạn nhân vụ đánh bom đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/10.

Người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn diễu hành sau vụ đánh bom đẫm máu

Hàng nghìn người đã xuống đường tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bom nổ vào đoàn diễu hành khiến ít nhất 95 người thiệt mạng tại thủ đô Ankara ngày 10/10.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm