Một cuộc biểu tình tại Syria vào năm 2011. Ảnh: Getty |
M
ọi chuyện bắt đầu vào năm 2011, "Mùa xuân Arab" khiến một số chính phủ ở Trung Đông bị lật đổ. Tháng 2 năm đó, cảnh sát Syria bắt và tra tấn một nhóm trẻ em ở thành phố Daraa vì tội vẽ tranh tường chống lại chính phủ.
Sự việc khiến người dân phẫn nộ và làm dấy lên làn sóng biểu tình chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Sau đó, lực lượng an ninh Syria xả súng vào đoàn biểu tình khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, khơi mào cuộc nội chiến tại quốc gia này.
Tháng 6/2011, khi chính phủ tăng cường đàn áp các cuộc biểu tình, một nhóm sĩ quan quân đội Syria đào ngũ và thành lập lực lượng Quân đội Syria Tự do.
Trong một đoạn băng đăng trên YouTube, lực lượng này tuyên bố hàng nghìn binh lính Syria đã rời khỏi vị trí. Thay vì bắn vào đoàn người biểu tình, họ hứa sẽ tiến hành chiến tranh du kích chống lại các lực lượng của chính phủ.
3 tháng sau, một số ít các nhóm đối lập thành lập Hội đồng Quốc gia Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Tháng 8/2011, những nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và châu Âu kêu gọi Tổng thống Assad từ chức. Họ nói rằng tương lai của Syria “phải được quyết định bởi chính những người dân”.
Tuy nhiên, vào tháng 10 cùng năm, Nga và Trung Quốc phủ quyết một dự thảo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc lên án chính phủ Syria trấn áp những người biểu tình phản đối ở nước này. Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo cực đoan ngày càng tăng trong hàng ngũ phiến quân.
Sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan
Lửa và khói bốc lên sau một vụ nổ bom ở thành phố Homs, Syria, tháng 7/2012. Ảnh: EPA |
Cuối năm 2011, một vụ đánh bom tự sát xảy ra tại thủ đô Damascus khiến 44 người thiệt mạng. Chính phủ Syria cho biết, theo kết quả điều tra, tổ chức khủng bố al-Qaeda liên quan đến vụ tấn công.
Tháng 2/2012, Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh của al-Qaeda, ca ngợi những người Syria vì đã tiến hành “thánh chiến”. Thông điệp này xuất hiện sau khi hàng nghìn phiến quân gia nhập các nhóm cực đoan hơn, bao gồm Jabhat al-Nusra (một nhóm có quan hệ với tổ chức al-Qaeda tại Iraq).
Hai tháng sau, cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan kêu gọi một kế hoạch ngừng bắn, ngừng tình trạng bạo lực và thúc đẩy hòa giải chấm dứt cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, kế hoạch đã không bao giờ được thực hiện.
Tháng 6/2012, một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc làm việc về nhân quyền cáo buộc Syria phạm tội ác chống lại nhân loại. Một tháng sau, trại tị nạn Zaatari được thành lập và đón nhận hàng nghìn người tị nạn từ Syria.
Tháng 8 cùng năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo, nếu Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hoá học để chống lại người dân Syria, Mỹ sẽ tấn công. Theo CNN, Syria là một trong những nước đầu tư phát triển chương trình chiến tranh hoá học lớn và tiên tiến nhất trong các nước Arab.
Một chàng trai đau khổ khi chứng kiến cái chết của người thân tại một bệnh viện dã chiến ở thành phố Aleppo. Ảnh: Getty |
Sau hai năm nội chiến, khoảng 60.000 người thiệt mạng. Chính phủ Mỹ hứa cung cấp thực phẩm và vật tư y tế cho phiến quân Syria. Đây là động thái đầu tiên của Washington kể từ đầu cuộc xung đột nhằm hạn chế ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Syria.
Mùa xuân năm 2013, Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria(ISIS), sau này là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), xuất hiện và chiếm thành phố Raqqa. Tổ chức này từng là một nhánh trong mạng lưới khủng bố al Qaeda tại Iraq vào năm 2004. Mục đích của chúng là áp đặt tư tưởng Hồi giáo hà khắc tại những vùng mà nhóm này kiểm soát.
Tháng 5/2013, Liên minh châu Âu (EU) dỡ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria, mở đường cho các quốc gia tại lục địa này cung cấp vũ khí hoặc đào tạo các nhóm nổi dậy tại Syria cùng với Saudi Arabia, Qatar và một số nước khác.
Trong khi đó, Nga vận chuyển vũ khí cho chính phủ Syria. Những chiến binh của Hezbollah, một tổ chức chính trị và vũ trang của người Liban theo đạo Hồi dòng Shia, cũng tiến vào nước này giúp bảo vệ chế độ.
Syria vượt qua "lằn ranh đỏ", Mỹ nhăm nhe tấn công
Tháng 8 cùng năm, hàng trăm người thiệt mạng trong một vụ tấn công tại khu vực mà phiến quân đang kiểm soát, ngoại ô thủ đô Damascus. Các nhà điều tra cho rằng, chính phủ Syria sử dụng vũ khí hoá học. Obama yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua hành động quân sự tại Syria.
Tháng 9/2013, Nhà Trắng đe doạ không kích Syria. Tuy nhiên, sự việc không diễn ra. Nga đề nghị đặt chương trình vũ khí hoá học của Damascus dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Tháng 2 năm ngoái, vòng đám phán hoà bình thứ hai giữa chính phủ Syria, phe đối lập và các cường quốc trên thế giới kết thúc mà không đạt được bất kỳ giải pháp nào. Tính đến thời điểm này, ít nhất 140.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người dân phải tha hương.
Người tị nạn Syria băng qua một cánh đồng trước khi tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty |
IS "làm mưa làm gió" tại Trung Đông
4 tháng sau, ISIS tuyên bố thành lập nhà nước, lãnh thổ trải dài từ phía tây Syria đến miền đông Iraq, và đồng thời đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). IS cho hay, Abu Bakr al-Baghdadi là lãnh đạo của nhà nước tự xưng này. Tuyên bố xuất hiện sau khi chúng chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq.
Tháng 8/2014, IS phát hành một đoạn video quay cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley tại thành phố Raqqa, Syria. Foley là người đầu tiên trong số những con tin bị chúng sát hại. Các nạn nhân tiếp theo của IS là Steven Sotloff, David Haines, Alan Henning và Peter Abdul-Rahman Kassig.
Một tháng sau, Mỹ bắt đầu không kích các địa điểm của IS tại Syria, bao gồm cả thành phố Raqqa. Nhiều quốc gia khác như Saudi Arabia, Jordan, Bahrain cũng tham gia vào chiến dịch.
Tháng 1 năm nay, lực lượng người Kurd chiếm lại Kobani, một thị trấn quan trọng của Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sau gần 4 tháng chiến đấu.
Hồi tháng 8, IS chiếm thành phố Palmyra và phá huỷ nhiều công trình nghìn hàng năm tuổi. Chúng tử hình hàng chục người trong hội trường và chặt đầu một chuyên gia cổ vật, người đã từ chối tiết lộ vị trí của các kho tàng khảo cổ.
Ngày 30/9, sau nhiều tuần tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria, Nga bắt đầu các cuộc không kích nhằm vào các địa điểm của IS và phiến quân. Sự vào cuộc của Nga được các chuyên gia đánh giá là thay đổi dữ dội bàn cờ chiến lược ở Trung Đông, nơi nhiều lực lượng vũ trang đang tranh giành lãnh thổ.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, sau hơn 4 năm cuộc chiến tại Syria, khoảng 300.000 người thiệt mạng và hơn 10 triệu người phải tha hương.