Người Syria chạy khỏi đất nước vì chiến tranh. Ảnh: Reuters |
Ngày 1/10, Nga bắt đầu không kích tiêu diệt phiến quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest chỉ trích đây là "những hoạt động quân sự bừa bãi chống lại phe đối lập Syria" và sự can thiệp của Nga vào Syria khiến cuộc xung đột trở nên "vô thời hạn".
Trong hội nghị truyền hình Mỹ - Nga giữa quan chức quốc phòng hai nước, phía Mỹ đã vạch rõ rằng "hoạt động quân sự của Nga nhắm mục tiêu vào các khu vực có rất ít lực lượng của IS hoạt động".
Sở dĩ phía Mỹ phản ứng bởi bề ngoài Nga tuyên bố không kích IS, song thực tế lại nhắm vào các nhóm đối lập mà Mỹ đổ công sức huấn luyện với chi phí lên đến 500 triệu USD.
Vấn đề ở đây là cả hai phía Mỹ (cùng đồng minh) và Nga đều lần lượt nhảy vào Syria và khẳng định dẹp Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Trên thực tế, một bên muốn lật đổ chính phủ Assad vì cho rằng chính phủ này từ tháng 3/2011 đàn áp dân chúng (các bộ tộc, các hệ phái Hồi giáo thiểu số) bằng vũ khí hạng nặng và cả vũ khí hóa học. Bên kia bảo vệ chính phủ Assad đến cùng và cáo buộc các phe đối lập cũng vi phạm nhân quyền không kém.
Trong bối cảnh bị đàn áp từ mọi phía, người dân Syria đành chạy trốn khỏi đất nước. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, khoảng 9 triệu người Syria, tức phân nửa dân số, phải chạy ra nước ngoài (tính đến tháng 1/2015, 1,6 triệu người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 1,1 triệu người ở Lebanon, trên 600.000 người ở Jordan, 250.000 người ở Iraq, trên 130.000 người ở Ai Cập…). Sự việc dẫn đến cuộc khủng hoảng di tản sang châu Âu mà hiện nay EU đang phải đối phó trong vô vọng.
Khủng hoảng ở Syria dường như khó có thể kết thúc. Bên cạnh cuộc xung đột giữa chính phủ Assad và lực lượng đối lập, các phe này cũng đối đầu với IS. Chính cuộc xung đột sau cùng này đã dẫn đến việc Mỹ và đồng minh nhảy vào.
Vấn đề không chỉ ở chỗ Nga bảo vệ ông Assad cho bằng được và, ngược lại Mỹ kiên quyết lật đổ cá nhân ông Assad. Trong lịch sử cận đại qua cuộc Chiến tranh Lạnh và cho đến ngày nay, Syria cũng như nước láng giềng “không đội trời chung” Israel, là những vị trí tối quan trọng trên bàn cờ Trung Đông, ngay từ khi Israel lập quốc năm 1948.
Nếu Israel từng là tiền đồn của Mỹ giữa lòng một thế giới Arab thân Liên Xô (cũ), thì Syria cũng như là tiền đồn thân Liên Xô như Ai Cập và các nước Arab khác để kiềm chế Israel.Các cuộc chiến tranh giữa Israel và các nước Arab từ suốt thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước còn được gọi là “chiến tranh dầu hỏa”.
Đến nay tuy dầu hỏa đã không còn mang tính “sống còn”, cũng như một số nước Arab đã quan hệ bình thường với Israel, Syria hay Iran vẫn “sinh tử" với Israel. Vai trò tiền đồn của Syria hay của Israel đối với phe này hay phe kia vẫn còn và cứ thế cuộc khủng hoảng Syria vẫn là vô vọng.
Từ hôm nay Zing.vn mở mục mới Giải mã thời sự để giải đáp những thắc mắc phía sau các sự kiện đang diễn ra trên thế giới bằng kiến thức cơ bản, dễ hiểu. Mục này do Nhà báo Danh Đức phụ trách.