Hiện trường một vụ không kích IS do Không quân Nga thực hiện. Ảnh: Reuters |
Hôm 4/10, Tổng thống Syria Bashar al-Assad phát biểu rằng: “Các cuộc không kích của Nga đã cứu Trung Đông khỏi sự tàn phá”. Một số nước trong khu vực tán thành các cuộc không kích của Nga.
Ai Cập là một trong những nước hoan hô Nga, cùng với nhóm mới hình thành gồm Nga, Iran, Iraq và Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Sameh Shoukry của Ai Cập hôm 4/10 bày tỏ rằng: “Việc Nga nhảy vào, xét khả năng và thực lực của Nga, là một điều mà chúng ta thấy (và cho rằng) sẽ có tác động làm hạn chế và xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố ở Syria. Sự can thiệp của Nga tại Syria sẽ làm giảm sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố và là một đòn chí tử giúp đối phó đối với tổ chức Daesh (tức Nhà nước Hồi giáo tự xưng)".
Phát biểu này của bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập được bổ sung bởi việc Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Bộ trưởng Quốc phòng Sedki Sobhi cùng Tổng tham mưu trưởng Mahmoud Hegazy đến viếng đài chiến sĩ vô danh nhân kỷ niệm cuộc chiến tranh 11 ngày với Israel tháng 10/1973.
Vào thời điểm đó, Ai Cập còn trong nhóm các nước thân Liên Xô, và là nước ở khu vực này thân Liên Xô bậc nhất. Năm 1973, cùng với Syria và các nước Arab khác, Ai Cập đã khởi chiến với Israel và lại thất trận. Sáu năm sau, Tổng thống Anwar Sadat (cầm quyền từ năm 1970) đã “quay ngoặt” 180 độ, ký hiệp định hòa bình với Thủ tướng Israel Menachem Begin tại Washington(Mỹ), và tất nhiên từ thân Liên Xô chuyển qua thân Mỹ.
Điều này đã dẫn đến loạt đạn ám sát ông. Kế vị ông Sadat là Phó tổng thống Hosni Mubarak - ông này sẽ cầm quyền cho đến khi bị dân chúng lật đổ năm 2011 trong “mùa xuân Arab”.
Việc Tổng thống Sisi, người đã lật đổ tổng thống Mohammed Morsi của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vào năm 2013, nay tỏ ra “gần gũi” lại với Nga là một động tác dấn tới nữa trong chính sách đối ngoại “đu dây” giữa ảnh hưởng Mỹ và Nga.
Thế nhưng, có những nước trong khu vực hoặc sát khu vực lại không tán thành, thậm chí phản đối sự can thiệp của Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan, trước khi lên đường sang Pháp hôm chủ nhật, tuyên bố rằng các cuộc không kích của Nga nhắm vào các lực lượng đối lập ở Syria là “không thể chấp nhận được”.
Ông Erdogan nhấn mạnh: "Chúng tôi có đến 911 km biên giới chung với Syria, trong khi Nga nào có chung biên giới với Syria. Trong trường hợp này, Nga đang tính làm gì ở đấy?”.
Saudi Arabia là một nước khác phản đối việc Nga can thiêp. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Ahmed Al-Jubeir tuyên bố chán ngán vì “sự bất động của thế giới” trước việc này đồng thời nhắc lại rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria chính là các nguyên tắc của thỏa thuận Geneva I.
Vào năm 2012 giữa Ngoại trưởng Mỹ Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov, bộ trưởng ngoại giao Anh, một đại diện của Trung quốc cùng đặc phái viên Liên Hợp Quốc là cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã thỏa thuận về một cơ quan chính quyền chuyển tiếp với trọn vẹn quyền hành pháp, bao gồm các thành viên chính phủ Syria và phe đối lập. Liệu đây có phải là điều kiện mà Âu - Mỹ và các đồng minh tại chỗ đưa ra?
Trong khi chờ đợi, Israel bắt đầu cảnh báo một cuộc “thánh chiến” Intifada khác sau những đụng độ giữa thường dân Palestine với quân đội Israel hôm chủ nhật cùng với các quả tên lửa phe hồi giáo Hamas phóng vào Israel đêm chủ nhật từ lãnh thổ Gaza dẫn đên việc không quân Israel sang nay thứ hai trả đũa.
Việc “chia phe đánh nhau” ngày càng lồ lộ.
Zing.vn mở mục mới Giải mã thời sự để giải đáp những thắc mắc phía sau các sự kiện đang diễn ra trên thế giới bằng kiến thức cơ bản, dễ hiểu. Mục này do Nhà báo Danh Đức phụ trách.