Học sinh trung học Pháp chặn lối vào trường Turgot tại Paris. Ảnh: Reuters. |
Ngày 19/1, công nhân Pháp đã đình công và tham gia tuần hành trên khắp đất nước, nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ về việc nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 tuổi, theo Reuters.
Điều này khiến nhiều chuyến tàu ngừng hoạt động, các lớp học phải tạm dừng và hoạt động doanh nghiệp bị gián đoạn. Các cuộc thăm dò cho thấy cử tri Pháp hoàn toàn không chấp nhận kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ Pháp.
Tại Paris, một số ga tàu điện ngầm đã đóng cửa. Giao thông cũng bị gián đoạn nghiêm trọng với rất ít chuyến tàu còn hoạt động. Đài phát thanh France Inter cho phát nhạc thay vì chương trình thông thường.
Sự phản đối mạnh mẽ của công chúng là phép thử lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron. Ông cho rằng kế hoạch cải cách lương hưu rất quan trọng để đảm bảo hệ thống lương hưu nằm trong tầm kiểm soát.
Theo ước tính của Bộ Lao động Pháp, việc tăng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm và kéo dài thời gian chi trả sẽ mang lại thêm 17,7 tỷ euro (19,1 tỷ USD) hàng năm cho quỹ lương hưu.
“Cải cách này là cần thiết và công bằng”, Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt nói với LCI TV.
Nhưng người biểu tình không đồng ý với quan điểm của chính phủ Pháp.
“Tiền lương và lương hưu mới cần được tăng lên, chứ không phải tuổi nghỉ hưu”, một biểu ngữ - được các công nhân tại Tours, miền Tây nước Pháp giơ cao khi tuần hành - viết.
Các công đoàn Pháp cho rằng có nhiều cách khác để đảm bảo khả năng hoạt động của hệ thống lương hưu, ví dụ như đánh thuế giới siêu giàu, tăng đóng góp của người sử dụng lao động hay của những người hưu trí khá giả.
Các lãnh đạo công đoàn dự kiến tổ chức thêm các cuộc đình công và biểu tình. Họ khẳng định ngày 19/1 mới là khởi đầu.
Cải cách lương hưu của ông Macron vẫn cần Quốc hội Pháp thông qua. Tổng thống Pháp hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của phe bảo thủ.
Chủ quyền quốc gia của Liên minh châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Chủ quyền quốc gia trong quá trình hội nhập của Liên minh châu Âu" được xuất bản năm 2019. Sách đã nghiên cứu quá trình chuyển giao chủ quyền quốc gia trong quá trình hội nhập vào EU, đồng thời gợi mở bài học kinh nghiệm cho Việt Nam mang ý nghĩa về lý luận cũng như thực tiễn trong quá trình hội nhập vào khu vực và toàn cầu.