Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Người ơi, người ở đừng về

Bài thơ “Một năm có mười hai tháng” của Nguyễn Trọng Văn mang đến cho độc giả những cảm xúc về một tình yêu đơn phương, dùng dằng và quyến luyến.

Một năm có mười hai tháng

Tháng nào anh cũng vắng em.

***

Tầm tầm mưa bụi tháng giêng

Tóc em đính cườm đi hội

Nhớ ôi lần đầu bối rối

Trước người lúng liếng dao cau.

***

Làng em kề bên sông Cầu

Dòng sông bốn mùa mở gió

Nhớ ôi chùm hoa gạo đỏ

Màu son chạm với tuổi mình.

***

Sao em không trả lời anh

Đường về vòng qua Quán Dốc

Tránh thôi kẻo không gặp mặt

Em chào: Anh lấy vợ đi!

***

Xòe tay anh bấm hàng giờ

Một, chạp, giêng, hai, ba, bốn

Cả năm có mười hai tháng

Tháng nào anh cũng vắng em.

***

Anh không bán được ưu phiền

Nên đành với tình dan díu

Bỗng nghe sấm rền tháng sáu

Dòng sông vẫy gọi nhau về.

***

Tương tư như dải sương mờ

Giăng ngang nẻo dâu tháng chạp

Chiều qua anh nghe em hát:

Người ơi, người ở đừng về.

Lời bình

Bài thơ Một năm có mười hai tháng gợi lên nhịp điệu dùng dằng, quyến luyến của những bước chân giã bạn. Lỡ vương vào lúng liếng dao cau từ hội mùa tháng giêng, lỡ nghe một câu người ở đừng về mà tuổi son chợt bừng nỗi nhớ.

Một nỗi nhớ vắng xa nhưng đầy lên suốt mười hai tháng. Tứ thơ đi trong tương tư, mở về phía gió sông Cầu, mở vào tháng sáu mưa mau, mở về nẻo dâu tháng chạp, mở về em díu dan tiếc nuối. Tứ thơ ấy gợi nhắc một lời nguyền dang dở: quan họ chẳng lấy được nhau.

Mười hai tháng không chỉ là mười hai tháng. Ấy là những tháng năm câu hát người ở người về còn vọng mãi. Nét dao cau kia còn lúng liếng ở trong lòng.

Em vẫn đợi anh về

Bài thơ “Em vẫn đợi anh về” của Nghiêm Thị Hằng là nỗi nhớ thầm thì mang âm điệu của một thời thủy chung, đam mê và lãng mạn.

Tình yêu còn không?

“Nhã ca núi” của Phạm Thị Ngọc Liên là khúc ca về tình yêu, nỗi buồn đau, tha thứ và hy vọng.

Nguyễn Trọng Văn

Bạn có thể quan tâm