Một năm mới sắp đến làm nhóm lên hy vọng Mỹ và Nga sẽ đối thoại. Nhưng việc Nga tăng cường quân đội tại biên giới với Ukraine làm dấy lên nỗi lo sợ về một cuộc chiến toàn diện. Dù ở Moscow hay Washington, giới bình luận viên và chuyên gia đều nhận thức rõ rủi ro trên.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ đều cảnh báo sẽ có động thái phản ứng kinh tế nặng tay, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh sẽ ra “lệnh trừng phạt chưa từng có”.
Nhưng một bộ phận người Nga lại tỏ ra chẳng mấy để tâm đến khả năng chiến tranh bùng phát, theo BBC, dựa trên các cuộc phỏng vấn với một số cư dân ở Moscow do đài này thực hiện.
Phát biểu tại cuộc họp báo truyền thống cuối năm hôm 23/12, Tổng thống Putin không loại trừ việc dùng vũ lực, đồng thời tuyên bố Nga sẽ bảo vệ vùng lãnh thổ từng thuộc về nước này trong lịch sử, bao gồm Ukraine. Ảnh: Reuters. |
“Ông Putin sẽ giải quyết chuyện này”
Trả lời BBC, Roman, một người dân Moscow, cho biết lúc này không phải thời điểm cho chiến tranh và ông muốn quan hệ các nước được cải thiện.
“Tình hình trong nước hiện nay đã khá phức tạp rồi”, ông Roman nói. “Nhưng mà những người ở trên (ý chỉ Điện Kremlin) có thể có cách nhìn khác”.
Trong khi đó, Amalia, một cô gái chuyển tới sống tại Moscow từ Tajikstan, cho biết Điện Kremlin đến cuối cùng sẽ có hành động đúng đắn.
“Tôi nghĩ không thể loại trừ khả năng chiến tranh. Nhưng ông Putin đã hành động rất khôn khéo trong nhiều tình huống và ông ấy chắc chắn cũng sẽ giải quyết tốt việc này”, Amalia nói. “Vấn đề chủ yếu bây giờ là (các bên) chưa hiểu nhau”.
Bất chấp hy vọng đàm phán diễn ra trong những tuần tới, ngôn từ qua lại giữa hai bên đang bị đẩy lên cao.
Các nhà phân tích và giới quan sát quốc phòng nhất trí rằng có rủi ro xung đột, kể cả khi việc Nga động binh có khả năng chỉ là hoạt động huấn luyện thường kỳ, vì hành động này cũng có thể là sự chuẩn bị cho cuộc tấn công sau này.
Trả lời BBC, Roman nói không thấy cuộc sống bị ảnh hưởng bởi đòn trừng phạt nhắm vào Nga kể từ năm 2014. Ảnh: BBC. |
Kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, Nga hứng chịu đòn trừng phạt với mục tiêu là các cá nhân và các ngành mũi nhọn trong nền kinh tế. Đáp trả, Moscow ra lệnh cấm nhập khẩu đối với một loạt sản phẩm.
Từ đó tới nay, ông Roman chưa cảm thấy có gì khác biệt. “Giá thực phẩm ngày càng cao, nhưng tôi cho rằng đó là xu hướng toàn cầu, không liên quan tới các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga”, ông nói.
Sergey, một người dân Moscow khác, cho biết chẳng thấy có gì đáng bàn trước các cuộc trao đổi về nguy cơ xảy ra xung đột. Mọi bản tin về việc Nga dồn quân chỉ là nỗ lực khiêu khích Moscow, Sergey nói.
“Tôi không tin là sẽ xảy ra chiến tranh. Điều này đơn giản là không thể trong thời chúng ta”, Sergey nói.
“Chúng ta cần bảo vệ biên giới”
Vladimir, một người đã về hưu, tin rằng Nga sẽ không khởi xướng chiến tranh. Nhưng theo ông, nếu xung đột xảy ra, Moscow sẽ phải cung cấp tài chính và vũ khí cho các vùng của Ukraine đang bị quân nổi dậy chiếm đóng.
Arsen, một chuyên gia sinh học, không thấy có lý do gì để gây chiến. “Lời giải thích nhà chức trách đưa ra là binh sĩ ở đó để huấn luyện. Vậy tại sao lại không?”.
Lính bắn tỉa của Nga tham gia diễn tập chiến đấu tại vùng Rostov, Nga vào ngày 14/12. Ảnh: Reuters. |
Một chuyên gia IT tên Vladimir cho biết chẳng có mấy thời gian để đọc các bản tin từ phương Tây về kế hoạch của Nga nhằm tấn công Ukraine. Nhưng ông lo ngại trước thông tin Ukraine điều động lượng lớn quân đội tới tiền tuyến.
“Chúng ta cần bảo vệ biên giới của mình. Nếu Ukraine đã đưa quân tới sát biên giới, tại sao chúng ta không thể làm như vậy?”, Vladimir nói.
Trên mạng, một số người Nga không đồng tình với chiến tranh. “Chúng tôi là người Nga và chúng tôi không muốn chiến tranh”, người dùng tên Olga Mazurova viết trong một nhóm Facebook. “Thế giới và đất nước chúng ta phải lắng nghe điều này”.
Alexei Vladimirovich, một người Nga dùng Twitter, cho rằng ý nghĩ nước này đụng độ với láng giềng Ukraine thật nực cười. “Anh chị em chúng ta đang ở đó. Điều này như thể tự đánh chính mình vậy. Nga sẽ mất tất cả”, Vladimirovich viết.
Trả lời BBC trên đường phố Moscow, bà Kamaliya bày tỏ mong muốn sống cuộc đời bình thường, đồng thời hy vọng chiến tranh sẽ không xảy ra.
“Tôi hy vọng họ đủ khôn ngoan để hiểu được hậu quả tiềm tàng, từ đó ngăn chặn một thảm họa có thể vượt quá quy mô cục bộ và lan ra toàn cầu”, bà nói.