Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Huế chơi Tết

Nói đến Tết Huế tất phải nói chuyện chơi. Dân Huế xưa chơi Tết thật lắm trò. Không kể những trò trong cung vua phủ chúa, trò vui nơi thôn dã cũng đã phong phú.

Tet Nguyen Dan anh 1

Tết Huế có nhiều lễ nghi. Trong ảnh là lễ "Dâng tiến Hương Xuân" do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Nguồn: hueworldheritage.

Người xưa có câu “Tam nhật chi nội” ám chỉ Tết nhất chỉ diễn ra trong ba ngày: mồng một, mồng hai và mồng ba. Hết mồng ba coi như hết Tết. Song trên thực tế, Tết của Huế đã bắt đầu từ những ngày đầu tháng chạp, khi con cháu rủ nhau ra đồng hay về quê chạp mả, rước tổ tiên về ăn Tết, và kéo dài cho đến ngày mồng bảy tháng giêng khi làm lễ hạ nêu. […]

Khác với ngoài Bắc, ở Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở Huế vẫn giữ nguyên lộc biếc suốt cả mùa xuân. Mấy năm gần đây, nhà nước có tổ chức cầu truyền hình đêm giao thừa nên một bộ phận cư dân Huế, nhất là lớp trẻ, đã biết ra khỏi nhà vào đêm trừ tịch, song ít ai trở về nhà sau lúc giao thừa. Ấy là bởi cái tục đạp đất.

Người Bắc cũng có lệ xông đất, nhưng dân Huế đã gọi rất đúng tên cổ tục này: đạp đất. Không ai muốn về nhà sau giao thừa cũng bởi họ muốn tránh việc đạp đất nhà mình. Người ta mong người đến đạp đất nhà mình vào sáng mồng một Tết là những người chức sắc, có học vấn, hay là người nhẹ vía, để tài lộc, may mắn sẽ theo họ đến với gia đình suốt cả năm sau đó.

Nhiều gia đình ở Huế còn “lệnh” cho con cái, đứa nào “nặng vía” thì sáng mồng một không được dậy sớm, có tỉnh giấc thì cũng phải nằm yên, chờ đứa khác “nhẹ vía” hơn, được cha mẹ còm - măng từ trước Giao thừa, đặt chân xuống đất trước, lúc đó những đứa khác mới được ra khỏi giường.

Sáng mồng một, nghi lễ đầu tiên là lễ cúng Nguyên Đán. Đó là lúc người Huế làm lễ cúng chay trên bàn thờ tổ tiên. Lễ vật là trầm trà, mứt bánh…, đơn giản nhưng tinh khiết. Sau lễ ấy, gia chủ mới mở cửa đón khách đến nhà thăm Tết. Sáng mồng một người Huế thường đi chùa lễ Phật trước tiên, sau đó mới đi viếng mộ tổ tiên, thắp hương nhà thờ họ, đi thăm ông bà, cha mẹ bên chồng, bên vợ…

Việc chúc Tết thầy, viếng thăm bạn bè, đồng nghiệp thường là vào ngày mồng hai, mồng ba. Từ ngày mồng một trở đi, mỗi ngày phải cúng ba lần (sáng - trưa - chiều) trên bàn thờ tổ tiên. Ngày Sóc cúng chay, ngày thường cúng mặn. Ðến chiều mồng ba thì làm mâm cơm cúng đưa để tiễn ông bà về lại cõi trên.

Nói đến Tết Huế tất phải nói chuyện chơi. Dân Huế xưa chơi Tết thật lắm trò. Không kể những trò trong cung vua phủ chúa, trò vui nơi thôn dã cũng đã phong phú.

Trò chơi tập thể có hội bài chòi, đu tiên, đua ghe, đấu vật... Nơi đầu đường, góc phố có trò chơi bài vụ, trò bầu cua tôm cá... Trong gia đình có hội bài tới, xăm hường, tứ sắc, bài cẩu... Sau này, đu tiên vắng bóng, bài chòi chỉ còn lại nơi thôn dã, nhưng hội đua ghe trên sông Hương và vật võ làng Sình (Phú Mậu, Phú Vang) vẫn duy trì đều đặn.

Hàng năm, trong công viên Thương Bạc vẫn diễn ra hội chợ với các trò vui xuân có thưởng và trong các gia đình người Huế tiếng gieo xúc xắc của trò xăm hường vẫn rộn vang trong ba ngày Tết.

Chiều ngày mồng bảy tháng giêng, sau lễ hạ nêu thì một chu kỳ lễ Tết ở Huế mới tạm coi là hoàn tất. Gọi là tạm bởi vì sau lễ hạ nêu, người Huế vẫn phải thực thi nhiều lễ nghi khác như lễ cúng đầu năm, lễ dâng sao, lễ cúng rằm Nguyên tiêu... Hậu duệ Nguyễn Phước tộc còn tổ chức lễ dâng hương đầu năm mới trong Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn, hay đi viếng mộ phần tổ tiên nơi các lăng tẩm ở ngoại ô.

Lễ nghi, cúng kiếng trong dịp Tết ở Huế, xưa cũng như nay, là một bộ phận hợp thành của văn hóa Huế. Người Huế coi đó là những nghi thức thiêng liêng, cần phải duy trì và trao truyền cho hậu thế. Đến lượt mình, các thế hệ hậu duệ người Huế tự nguyện tiếp nhận và thực hành các nghi lễ ấy, coi đó là cách thức “liên kết” với tổ tiên, thần Phật và làm phong phú đời sống tâm linh của họ, dẫu rằng, những lễ nghi ấy đã “lấy mất” khá nhiều thời gian “ăn Tết” và “chơi Tết” của người Huế.

Nhưng Tết Huế mà thiếu vắng những lễ nghi ấy thì không thành Tết.

Trần Đức Anh Sơn / Omega Plus - NXB Thế giới

SÁCH HAY