Cửu vị thần công được đặt tên theo ngũ hành và tứ thời (xuân, hạ, thu, đông). Nguồn: kienthuc. |
Đó không chỉ là khoảng thời gian mở ra một năm mà còn là biểu tượng của sự tốt lành và bao điều ước vọng. Với triều Nguyễn ở Huế, mùa xuân còn là hình ảnh buổi bình minh của triều đại, của dòng họ và của cảnh thái bình thịnh trị. Vì thế, hình ảnh của mùa xuân xuất hiện rất nhiều trên các những đền đài, cung điện và cổ vật xứ Huế, nơi vương triều này chọn làm kinh đô, với nhiều hình thức thể hiện rất phong phú.
Trước hết, mùa xuân được phản ánh rất nhiều trong thơ văn chữ Hán được chạm khắc, trang trí trên các di tích ở Huế. Thái Hòa Điện, ngôi điện lớn nhất Hoàng thành Huế, có đến 297 bài thơ chữ Hán được chạm khắc và sơn thếp rất tinh xảo, trong đó, có hơn 20 bài thơ ca ngợi cảnh sắc mùa xuân.
Đáng chú ý là bài thơ khắc trên liên ba của chính điện, được giới văn chương xứ Huế đánh giá là bài thơ vịnh xuân tiêu biểu dưới thời Nguyễn: Thự nhật quang ly bệ. Xuân phong mãn phụng lâu. Tứ phương sâm ngọc bạch. Vân tập đế vương châu. (Huỳnh Minh Đức dịch: Ánh nắng soi sáng nơi thềm ngọc. Gió xuân tràn ngập nơi lầu phụng. Bốn phương rừng ngọc lụa. Mây rợp đế vương châu).
Ngay trên cổ diềm chính điện, xen kẽ những bức tranh vịnh cảnh bốn mùa bằng pháp lam là một dãy bốn bài thơ xuân, cùng mở đầu bằng câu: Hà xứ xuân sinh tảo (Nơi nào xuân đến sớm?), mà nhiều người cho là những bài thơ hay được tuyển chọn từ một cuộc thi vịnh mùa xuân do vua Gia Long chủ xướng.
Đáng chú ý là bài thơ sau: Hà xứ xuân sinh tảo. Xuân sinh chấn thì phong. Tam dương khai thái tịnh. Từ hải lý tường đồng. (Nguyễn Phước Hải Trung dịch thơ: Nơi nào xuân đến sớm? Gió đông xuân về nhanh. Vận thái bình xuân nở. Dân cùng vui điềm lành). Và bài: Hà xứ xuân sinh tảo. Xuân sinh thảo mộc tri. Phương viên tăng tú mậu. Thái giả trưởng sâm si. (Nguyễn Phước Hải Trung dịchthơ: Nơi nào xuân đến sớm? Nghe cỏ cây đâm chồi. Trong vườn thêm xanh tốt. Đồng ruộng trở mình tươi). […]
Đặc biệt, vua Thiệu Trị, bậc thi sĩ đế vương đã sáng tác rất nhiều thơ xuân. Nhiều bài thơ của ông về sau được gửi sang Trung Hoa để sao chép lên tranh kính cùng với hình ảnh minh họa nội dung bài thơ.
Những bức tranh này là di sản quý giá của nghệ thuật thời Nguyễn, hiện vẫn được bảo lưu ở Huế. Một trong những bức tranh kính đang trưng bày trong Hòa Khiêm Điện (lăng Tự Đức) có một bài thơ xuân, nhan đề Tam thỉ tiêu thương, tả cảnh mùa xuân thật sinh động: Cử thương tôn tử hỉ xuân lai. Gia trưởng đường tiền thọ tích khai. Trần thị phu ngôn thiên tuế tụng. Thành công cao bổng vạn niên bôi. Khẳng thơi bách diệp liên châm chước. Tranh dự đồ tô cửu bát phôi. Tùng thử hương nồng phù Tấn điện. Nguyên do lễ ý tự câu đài. (Trần Đức Anh Sơn dịch thơ: Dâng rượu, cháu con mừng xuân tới. Trưởng gia mở tiệc thọ trước nhà. Ông Trần chúc sống lâu muôn tuổi. Lão thành mong mỏi rạng danh gia. Bách diệp rượu ngon đà rót mãi. Đồ tô, chén cạn mãi khôn thôi. Hương nồng lan tỏa tràn cung Tấn. Tỏ lòng kính trưởng tận trời xa).
Về tạo hình, những hình ảnh biểu trưng cho mùa xuân xuất hiện trên nhiều chất liệu với nhiều thủ pháp khác nhau. Khác với người Trung Hoa xem mai, cùng với tùng và trúc, là những loài cây biểu trưng cho mùa đông (tuế hàn tam hữu: ba người bạn của mùa đông giá rét), người Huế lại xem mai là loài hoa đại diện cho mùa xuân, là loài hoa đứng đầu trong tứ thời (mai - liên - cúc - trúc) và tứ quý (mai - lan - cúc - trúc). Huế vốn được coi là thánh địa của hoàng mai, nơi loài hoa này được tôn vinh hết mực. Vì thế, hoa mai xuất hiện trên hầu hết cổ tích xứ Huế.
Ở Thái Hòa Điện, hoa mai xuất hiện ở bờ quyết chính điện trong đồ án mai điểu đắp bằng vữa. Hoa mai hiện diện trên bờ nóc Thế Tổ Miếu trong đồ án tứ thời vẽ bằng bột màu và được thể hiện bằng sành sứ ghép mảnh trong đồ án liên chi hoa ở mặt ngoài phần móng tòa miếu thờ lớn nhất cố đô Huế này. Ở Diên Thọ Cung, hoa mai có mặt trên bình phong phía trước chính điện với đồ án mai thạch và với đồ án tứ quý ở trên cổ diêm của Diên Thọ chính điện bằng thủ pháp đắp vữa kết hợp vẽ màu. Hoa mai có trong các ô hộc trang trí trên Hiển Nhân Môn và Trường An Môn bằng nghệ thuật khảm sành sứ và thủy tinh màu thông qua các đồ án mai thọ và mai điểu.
Đặc biệt, trong nội thất Khải Thành Điện (lăng Khải Định), hoa mai xuất hiện với mật độ dày đặc trong các đồ án: tứ quý, tứ bình, chiết chi hoa, mai thọ... kèm với những vần thơ tán tụng như: Sổ điểm mai hoa thiên địa tâm (Mấy cánh hoa mai như trái tim của trời đất) hay Thiên hạ vô song phẩm. Nhân gian đệ nhất chi (Phẩm chất vô song miền hạ giới. Nhân gian đệ nhất nhánh mai này).
Trong Ngưng Hy Điện (lăng Đồng Khánh) có hai bức tranh sơn mài thếp vàng, chạm nổi hình hoa mai, mẫu đơn và liễu, được các nhà nghiên cứu mỹ thuật nhìn nhận là những tuyệt phẩm của nghệ thuật sơn mài Việt Nam đầu thế kỷ XX. Hoa mai cũng được chạm khắc trên Nghị đỉnh, một trong Cửu đỉnh, được nhìn nhận như những quốc bảo của nghệ thuật đúc đồng thời Nguyễn.
Cùng với mai, còn có hình ảnh của đào, loài hoa được người miền Bắc suy tôn là chúa xuân, cũng được chạm khắc trên Thuần đỉnh, hay được ghép mảnh, đắp vữa và vẽ bằng bột màu trên các công trình như: Dục Khánh Môn, Tuấn Liệt Môn, Sùng Công Môn trong Hoàng thành Huế.
Trên cổ vật của triều Nguyễn, biểu trưng của mùa xuân được hình tượng hóa bởi các loài thảo mộc, cầm thú hay được thể hiện dưới dạng văn tự trong các đồ án trang trí. Hình ảnh chim én xuất hiện trên Nghị đỉnh; các đồ án: mai thọ, mai hạc, mai lan cúc trúc... xuất hiện phổ biến trên đồ sứ ký kiểu.
Cửu vị thần công, chín khẩu đại pháo lớn nhất Việt Nam, đúc vào năm 1803 triều Gia Long, được suy tôn là Thần uy vô địch thượng tướng quân, tượng trưng cho quyền uy của vương triều Nguyễn.
Cửu vị thần công được đặt tên theo ngũ hành và tứ thời, trong đó, khẩu thứ nhất có đúc nổi chữ 春 (Xuân) ở chuôi súng, làm tên gọi của súng.
Mùa xuân là biểu trưng của sự trẻ trung, tốt lành và trường cửu, nên được phản ánh rất nhiều trong thi văn và mỹ thuật thời Nguyễn thông qua các cổ tích xứ Huế. Có thể xem đó là lời nguyện cầu cho cảnh thái bình thịnh trị được trường tồn của vương triều Nguyễn vậy.