Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con ngựa hóa rồng trong đời sống cung đình Huế

Trong 12 con vật cầm tinh cho 12 con giáp, ngựa xuất hiện nhiều trong đời sống văn hóa nghệ thuật ở Huế, có lẽ chỉ sau rồng - đứng đầu trong tứ linh và là biểu tượng của thiên tử.

Hue - trieu Nguyen anh 1

Long mã trên bình phong trước đình làng Lại Thế, Huế. Ảnh: TĐAS.

Trước tiên, xin nói về những con ngựa trong kiến trúc và trang trí cung đình thời Nguyễn. Con ngựa có mặt trong sáu khu lăng của các vua nhà Nguyễn, từ lăng Gia Long xây dựng vào đầu thế kỷ XIX tới lăng Khải Định xây dựng vào thập niên 20 của thế kỷ trước, trừ lăng Dục Đức. Do tuân thủ những nguyên tắc chung khi kiến tạo sơn lăng cho các bậc đế vương, lăng của các vị vua triều Nguyễn luôn có bi đình và bái đình.

Bi đình là nhà bia, nơi dựng tấm bia ca ngợi công đức của chủ nhân khu lăng tẩm, còn bái đình là sân chầu dành cho vị vua kế nhiệm và đình thần văn võ đến bái lạy trong các dịp húy nhật, lễ kỵ. Đó cũng là nơi ngựa góp mặt.

Mỗi bái đình đều có hai hàng tượng quan viên văn võ và voi ngựa chầu hầu, trong đó, ngựa đứng vào bậc thứ ba, sau văn quan, võ quan và trên những ông tượng. Tùy thời thế mà con ngựa trong các lăng vua cũng khác nhau: ngựa trong các lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Khải Định được tạc bằng đá thanh; ngựa trong lăng Tự Đức làm bằng vôi và vữa ô dước, nhưng ngựa trong lăng Đồng Khánh lại được đúc bằng xi măng.

Nếu con ngựa trong lăng Gia Long có dáng vóc rắn rỏi, kiêu dũng, thì ngựa trong lăng Minh Mạng lại to mập, uy nghi và đường bệ; còn ngựa trong lăng Tự Đức thì thấp lùn, lại được những bàn tay vụng về của lớp thợ nề hậu sinh tu chỉnh trong các lần tu bổ di tích nên đã biến thành con vật gần gũi với giống... lừa, hơn là giống ngựa; trong khi ngựa trong lăng Đồng Khánh cao gầy và có vẻ yểu tướng, phải chăng cho phù hợp với số mệnh của chủ nhân khu lăng, vốn là một ông vua vắn số, mệnh yểu, thăng hà khi mới 25 tuổi? Chỉ có ngựa trong lăng Thiệu Trị mới xứng đáng là ngựa của vua, vóc dáng thanh thoát, tràn đầy sinh lực và được chạm trổ tinh tế, hoàn mỹ.

Ngựa cũng xuất hiện trên Cửu đỉnh nơi Thế Tổ Miếu. Năm 1835, vua Minh Mạng, noi theo dấu xưa, cho đúc Cửu đỉnh để biểu đạt hình tượng giang sơn đã quy về một mối. Con ngựa được cho đúc nổi trên Anh đỉnh, chiếc đỉnh sau này là vật biểu trưng cho vua Tự Đức và tên của đỉnh này được dâng làm miếu hiệu của vị vua ấy: Dực Tông Anh hoàng đế.

[...]

Ngựa cũng là con vật có trong Khải Thành Điện của lăng Khải Định. Ở đó, ngựa được đắp bằng sành sứ và thủy tinh, xuất hiện trên các ô hộc trang trí nơi tiền điện cùng 10 con vật khác trong các con giáp, trừ con rắn.

Trên các bức tranh gương minh họa cho những bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị đang treo trong Hòa Khiêm Điện và Long An Điện, có hình ngựa nhẩn nha ngậm cỏ, chờ các bậc vương tôn công tử đang mải chuyện với các giai nhân dưới những rặng liễu ven hồ. Trên đồ sứ ký kiểu, ngựa xuất hiện trên những chiếc bát sứ, những chiếc đĩa bàn trong bộ đồ trà ký kiểu triều Tự Đức, hiệu đề: Tự Đức niên chế, Nhật, hay Ngoạn ngọc, với các đồ án: liễu mã, mã đáo thành công, bát mã hay ngựa qua cầu. Ấy là những con ngựa trong nghệ thuật tạo hình thời Nguyễn.

Xin chuyển qua chuyện về những con ngựa thật. Ngay trong lòng Hoàng Thành Huế, hai bên Thái Hòa Điện xưa có Binh Xá và Mã Khái Sở. Binh Xá là chỗ ở của lính ngự lâm của triều Nguyễn, còn Mã Khái Sở hẳn là nơi tá túc của những “mã binh” của ngự lâm quân. Rồi mỗi khi vua đi tế Nam Giao, sau cỗ kiệu của nhà vua do 16 người khiêng, là voi và ngựa.

Có điều, theo những bức ảnh tư liệu để lại thì voi lại được đi qua cầu Trung Đạo, bắc qua Thái Dịch Trì trước điện Thái Hòa Điện để hộ giá, trong khi ngựa thì phải đi vòng bởi hai con đường ven hai bên hồ. Cũng có khi vua dùng xe tứ mã để thăm thú đây đó. […]

Thuở trước, ngựa còn được dùng để đưa chuyển công văn thư từ cho triều đình Huế, gọi là ngựa trạm. Người cưỡi ngựa đi chuyển công văn thư tín gọi là phu trạm. Cơ quan phụ trách việc này thuở xưa gọi là Dịch Trạm. Chữ Dịch được tạo thành từ ba chữ: Mã: ngựa, Tứ: bốn, và Hạnh: tốt, chứng tỏ ngựa rất quan trọng với “ngành bưu điện” thuở trước đến độ phải đưa nó vào trong văn tự khai sinh ra ngành này. Kẻ hậu sinh này xin được suy luận thêm: “Như vậy, con ngựa là vật tổ của ngành bưu điện, sao không thấy ngành này chọn ngựa làm biểu tượng?”.

Có ngựa nên phải có chế tài với những người cưỡi ngựa (tỉ như có xe máy nên phải sắm mũ bảo hộ để đi xe máy).

Vì thế mà trước Ngọ Môn và trước Phu Văn Lâu, thời Nguyễn, đều có dựng tấm bia đá ghi bốn chữ Hán: Khuynh cái hạ mã: nghiêng lọng, xuống ngựa). Đến triều Khải Định, do nhà vua được người Pháp tặng cho một chiếc ôtô nên không thể “nghiêng lọng, xuống ngựa” được. Triều đình bèn cho nhổ mấy tấm bia đó cất vô bảo tàng. Ai ưa coi, cứ tới Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế mà coi.

Hai đầu cầu Thành Thái (tức cầu Trường Tiền) xưa cũng có hai tấm biển đề dòng chữ Pháp: “Prenez votre droite. Marchez au pas” (Đi bên phải. Bước chầm chậm). Phía dưới là hai câu dịch sang Hán văn thực kỳ tài: “Xa mã quá kiều do hữu chi. Yếu nghi hoãn hoãn vật nghi trì” (Xe ngựa qua cầu đi phía phải. Nên đi chầm chậm chớ đi mau).

Con ngựa cũng được triều đình cho tạc thành tượng gỗ đưa vào thờ trong Quảng Hiếu Đường của chùa Từ Hiếu, bên cạnh án thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, cùng thanh long đao, vốn là hai người bạn thân thiết trong cuộc đời chinh chiến của ông. Trên bàn thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) trong điện Hòn Chén, cũng có tượng ngựa.

Có một linh vật khác, xuất hiện khá nhiều ở Huế, có liên quan đến ngựa. Đó là con long mã. Long mã là “ngựa đã hóa rồng”, trên lưng mang Hà đồ, một trong hai thứ để người xưa vận dụng mà giải thích nên sự hình thành của vũ trụ (thứ kia là Lạc thư).

Ở Huế, hình long mã có nhiều trên các trang trí nơi cung điện, đình chùa, nhưng điển hình nhất là hình long mã trên bức bình phong dựng năm 1896 ở trường Quốc Học Huế, ngôi trường nổi tiếng nhất trong lịch sử giáo dục triều Nguyễn thời cận đại và là niềm tự hào của bao thế hệ học trò đất Huế. Trải bao dâu bể, bức bình phong long mã ấy vẫn tồn tại cùng năm tháng và là một chứng tích lịch sử đầy trân trọng của xứ Huế, một biểu trưng cho sự kết hợp thú vị giữa rồng và ngựa, hai con vật xuất hiện nhiều nhất trong mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế.

Trần Đức Anh Sơn / Omega Plus - NXB Thế giới

SÁCH HAY