Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết và văn hóa Tết kiểu Huế

Nét nổi bật, dễ nhận rõ dấu ấn của văn hóa Huế trong ngày Tết chính là "lễ hội". Nhiều ý kiến cho rằng ở Huế, tính chất "lễ' nhiều hơn "hội".

Van hoa Tet anh 1

Lễ thượng tiêu (dựng nêu) được tái hiện đúng theo nghi lễ truyền thống của triều Nguyễn. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Về phương diện thời gian, Tết là giao điểm giữa hai chu kỳ thời gian, được một bộ phận cư dân nào đó quy định, nhằm ngắt chuỗi thời gian bất tận, vô thủy vô chung của vũ trụ thành những đoạn ngắn, tương đối bằng nhau.

Qua đó, con người tìm cách nắm bắt, hòa nhập với nhịp điệu của vũ trụ. Song đón Tết và tổ chức Tết như thế nào lại thể hiện bản sắc văn hóa của một vùng đất, một tộc người.

Những sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo của con người trong mỗi cộng đồng, mỗi vùng đất vào dịp Tết đã tạo nên văn hóa Tết của cộng đồng ấy.

Như bất kỳ một thành tựu văn hóa nào, văn hóa Tết thể hiện một phong cách sống, một kiểu sống, kiểu nhận thức về nhân sinh, vũ trụ, nói cách khác, thể hiện cá tính văn hóa của một miền, một làng, một xứ, một nhóm người nào đó. Hiểu như thế, thì ở Huế cũng có một nền văn hóa Tết - văn hóa Tết kiểu Huế.

Từ nguyên của Tết phát sinh từ chữ tiết trong Hán ngữ. Người Trung Quốc “ngắt nhịp” thời gian thành nhiều tiết khác nhau trong một năm: xuân phân, thanh minh, hạ chí, thu phân, đông chí... Theo lối ngắt nhịp ấy, người Việt biến thành nhiều cái Tết: Nguyên đán, Nguyên tiêu, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung thu, Tết cơm mới tháng Mười... theo lối Việt để thành một nền văn hóa Tết.

Người Huế là dân Việt, dân Việt ở chốn kinh kỳ trong hơn 300 năm, nên có cả một nền văn hóa Tết rất phong phú và mang bản sắc riêng.

Những phong tục, tập quán đón Tết, lối ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội nhân dịp Tết đến như chúc thọ, mừng tuổi, xông đất, tặng quà... là những biểu hiện của văn hóa Tết ở Huế. Song đó là những mảng chìm, có chung mẫu số với văn hóa Tết Việt Nam.

Nét nổi bật, dễ nhận rõ dấu ấn của văn hóa Huế trong ngày Tết chính là lễ hội. Nhiều ý kiến cho rằng ở Huế, tính chất lễ nhiều hơn hội.

Thực ra, sự phân định này còn phải căn cứ vào những hoàn cảnh cụ thể: Dân gian hay cung đình? Mùa xuân hay mùa thu? Lễ hội nhằm vào mục đích gì?

Sinh hoạt hội lễ ở Huế vào các dịp Tết trong năm (đúng hơn là các tiết trong một chu kỳ 12 tháng) tập trung vào bốn loại chính:

• Lễ hội tưởng nhớ các bậc Thành Hoàng, khai canh nên những vùng dân cư sau này, nhằm suy tôn công lao của họ, thể hiện tập quán uống nước nhớ nguồn của người Việt, như: Tục hát trò ở Phò Trạch, lễ cầu ngư ở Thuận An, lễ tế đình ở Triều Sơn...

• Lễ hội tưởng niệm các vị tổ sư ngành nghề nhằm truy ân các bậc tiền bối đã cho hậu thế những phương thức để sinh sống. Hầu như ngành nào, nghề nào cũng có tổ sư để thờ cúng: nghề đúc thờ Sư Không Lộ, nghề kim hoàn thờ ông Cao Đình Độ, nghề mổ gia súc thờ ông Trương Phi... Song nổi bật hơn cả là các hội: Vật võ làng Sình (mồng mười tháng giêng âm lịch), hội làng rèn Hiền Lương, hội tổ ngành tuồng ở Huế...

• Lễ hội mừng mùa vụ, kết thúc một chu kỳ lao động hàng năm, chuẩn bị bước vào mùa vụ mới như: Lễ mừng cơm mới, lễ cầu bông, lễ thu tế, tục hát sắc bùa Phò Trạch...

• Lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng như: Phật Đản, Vu Lan, Giáng Sinh, Tết Đoan Ngọ, Tế Mẫu ở điện Hòn Chén, Cúng 23 tháng Năm âm lịch (ngày “Kinh đô thất thủ”)...

Những lễ hội trên được tổ chức vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng nhiều nhất là vào mùa xuân, vào dịp Tết Nguyên Đán, vốn được coi là Tết cả, là “Tết” theo ý nghĩa tôn vinh. Những lễ hội trong ngày Tết Nguyên Đán ở Huế có sự phân biệt khá rõ nét ở tính chất lễ và hội.

Huế là đế đô của triều Nguyễn trong gần 1,5 thế kỷ. Do vậy, giai cấp phong kiến đã xây dựng cho mình một nền văn hóa Tết quy củ, hoàn hảo và phong phú. Ở đó, yếu tố lễ là hàng đầu với các nghi thức phức tạp, uy nghi trong các cuộc lễ: ban sóc, phất thức, xuân tiết, đoan dương, mừng thọ... tổ chức trong gần một tháng trời trước và sau dịp Tết.

Trong khi đó, những cuộc lễ hội diễn ra ngoài dân gian lại nặng tính chất hội hè hơn là lễ nghi, như hội cầu ngư với trò giả trang, bủa lưới ở Thuận An; hội vật làng Sình, hội bơi trải trên sông Hương, sông Ô Lâu, hội hát sắc bùa ở Phò Trạch. Trong các cuộc hội hè này, lễ nghi là phần phải có nhưng cái đem lại màu sắc sự vui nhộn, tưng bừng của văn hóa Tết xứ Huế chính là hội, thông qua các trò văn nghệ, thể thao và giải trí.

Nói về văn hóa Tết ở Huế mà bỏ qua các trò giải trí ngày Tết, quả thực là một thiếu sót lớn. Đất kinh kỳ xưa có lắm trò chơi ngày Tết, vừa mang tính văn hóa cao nhưng lại có sức cuốn hút lớn, bởi tính hấp dẫn và sự được - thua cần phải có của nó, nhưng vẫn “đóng khung” trong sự tao nhã, thanh lịch của chốn thần kinh.

Đó là các trò chơi: Đầu hồ, đổ xăm hường, bài chòi, bài ghế, đố thai, các hội thi chim, đấu cờ... được tổ chức khắp nơi, từ chốn đồng quê, dân dã, đến nơi cung đình thâm nghiêm, tôn kính.

Những hội lễ ngày Tết ở Huế xưa còn chứa đựng trong các phiên chợ Tết độc đáo như: Chợ Tết Gia Lạc, chợ Tết Thanh Phước... như một nét rất riêng của văn hóa Tết xứ Huế. Có lúc nền văn hóa Tết này tưởng chừng mai một do các điều kiện khách quan và chủ quan.

Song đến nay thì nó đã phục hưng trở lại với sự chắt lọc, nâng niu, gìn giữ. Suy cho cùng, đó cũng là một phần của văn hóa Việt, là bộ phận tổ thành bản sắc dân tộc. Đó cũng là cách mà người Huế thực hiện, với sự khéo léo, tinh tế mang những đặc thù riêng, trong việc ngắt nhịp thời gian, tạo nên những “khoảng dừng hợp lý”, mà người ta quen gọi là “Tết” để vui chơi, nghỉ ngơi sau một chuỗi ngày lao động căng thẳng và để chờ đợi những điều tốt đẹp hơn đang ở phía trước.

Trần Đức Anh Sơn / Omega Plus - NXB Thế giới

SÁCH HAY