Tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo bắt đầu vào tuần này diễn ra trong bối cảnh phần lớn dân số thế giới sống dưới các lệnh phong tỏa, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người Hồi giáo sẽ phải duy trì các nghi lễ được coi là linh thiêng trong tôn giáo của mình, nhưng vẫn phải bảo đảm không để lây lan virus corona. Ảnh: AFP. |
Thông thường, trong tháng lễ Ramadan, sau nhiều giờ ban ngày kiêng ăn và uống, các gia đình và bạn bè có tục lệ tụ tập bên những bàn ăn kéo dài hàng chục mét để chia sẻ đồ ăn. Các tín đồ nối đuôi nhau tới các nhà thờ Hồi giáo tham gia những buổi cầu nguyện ban đêm kéo dài nhiều giờ. Năm nay, tất cả những hoạt động ấy đều không còn. Ảnh: AFP. |
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhà chức trách nhiều quốc gia đã đóng cửa các thánh đường Hồi giáo, cấm tụ tập cầu nguyện đông người. Nhiều giáo sĩ có ảnh hưởng đã phải kêu gọi các tín đồ cầu nguyện tại gia. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, một số chính phủ tìm cách cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và hoạt động tôn giáo. Lebannon, Syria, Iraq, và Ai Cập đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Các tín đồ Hồi giáo tại những nước này có từ 30-90 phút sau khi hoàng hôn để cùng dùng bữa tối. Người dân được di chuyển trong quãng đường ngắn để tới thăm người thân, bạn bè trong thời gian này. Tại Syria, người dân có 2 ngày trong tuần này để di chuyển giữa các tỉnh, trước khi lệnh phong tỏa được tái lập. Ảnh: AFP. |
Tại Pakistan, các giáo sĩ Hồi giáo đầy quyền lực đã buộc chính phủ nước này mở cửa các thánh đường Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan. Mullah Abdul Aziz, giáo sĩ của nhà thờ Đỏ tại thủ đô Islamabad, đã yêu cầu các tín đồ có mặt đầy đủ trong buổi cầu nguyện tập thể. Hôm 17/4, buổi cầu nguyện tại nhà thờ này chật kín tín đồ Hồi giáo. Ảnh: AP. |
Tại Indonesia, quốc gia có số tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, chính phủ đã cấm hàng triệu công chức, binh sĩ và cảnh sát trở về nhà trong dịp Eid al-Fitr, kỳ nghỉ đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan. "Nỗi sợ virus corona đã ngăn chúng tôi ăn mừng Eid với người thân", một nhân viên xã hội ở Jakarta cho biết. Trong khi đó, Malaysia đóng cửa các không gian ngoài trời vốn là nơi buôn bán nhộn nhịp trong thời gian tháng lễ Ramadan. Ảnh: AP. |
Người dân tại dải Gaza từ lâu nhận hàng hóa quyền góp từ Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Jordan và nhiều nơi khác trong tháng lễ Ramadan, nguồn tiếp tế quan trọng trong bối cảnh khu vực này mắc kẹt trong lệnh phong tỏa của Israel và Palestine. Năm nay, cứu trợ cho dải Gaza hầu như không còn. "Vào thời gian này năm ngoái, chúng tôi có 3 hợp đồng phân phát đồ ăn cho người nghèo, năm nay thì chẳng có gì cả", Omar Saad, người phát ngôn tổ chức từ thiện Salam, cho biết. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, các nhà thờ Hồi giáo và tổ chức tình nguyện vẫn tìm cách để mang thức ăn tới cho những người nghèo. Tại Kashmir, các tình nguyện viên đặt những túi gạo, bột mỳ trước cửa các gia đình nghèo trong đêm. Trong khi đó, các nhà thờ ở Ai Cập sử dụng khoản tiền tiết kiệm từ việc không tổ chức hoạt động chính thức để quyên góp đồ ăn miễn phí hoặc tiền mặt cho các cộng đồng. "Chúng tôi hy vọng điều này có thể giảm nhẹ gánh nặng mà họ đang phải đối mặt", Sheikh Abdel-Rahman, giáo sĩ nhà thờ tại Bahtim, Ai Cập, cho biết. Ảnh: AP. |