Khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Seoul vào ngày 7/5, người Hàn Quốc đang chăm chú chờ đợi xem ông sẽ nói gì về thời kỳ thực dân trên Bán đảo Triều Tiên đầu thế kỷ XX. Chuyến đi kéo dài 2 ngày của ông Kishida diễn ra sau chuyến thăm tới Tokyo hồi tháng 3 của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
New York Times nhận định những động thái này cho thấy ngoại giao con thoi giữa 2 đồng minh chủ chốt của Mỹ đã trở lại đúng hướng, sau khi các cuộc trao đổi thường xuyên giữa 2 quốc gia đột ngột gián đoạn vào năm 2011 vì những mâu thuẫn lịch sử.
Không quốc gia nào hoan nghênh quan hệ nồng ấm giữa Hàn - Nhật nhiều như Mỹ. Trong nhiều năm, Washington thúc giục Tokyo và Seoul bỏ qua những bất hòa trong quá khứ và hợp tác nhiều hơn, vừa ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, vừa giúp kiềm chế tham vọng từ Trung Quốc.
Người Hàn Quốc cần gì từ thủ tướng Nhật?
Hồi tháng 3, ông Yoon gỡ bỏ rào cản trong quan hệ với Nhật Bản khi tuyên bố Hàn Quốc không còn yêu cầu Tokyo bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến II.
“Cành ô liu” chìa tới Nhật Bản là một phần nỗ lực của ông Yoon nhằm tái định hình chính sách ngoại giao của Hàn Quốc, đưa Seoul xích gần các nước “có giá trị chung”, đặc biệt là Mỹ, trong chủ đề như chuỗi cung ứng hay một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Những nhượng bộ ngoại giao của ông Yoon đem đến lợi ích chính trị cho ông Kishida, nhưng lại khiến vị tổng thống trả giá đắt. Nhiều người cáo buộc động thái của ông Yoon là “ngoại giao phản bội, nhục nhã”.
Họ chỉ trích tổng thống cho đi quá nhiều và nhận lại quá ít từ Nhật Bản khi “chưa bao giờ được xin lỗi hay chuộc lỗi thỏa đáng” vì những gì nước này đã làm trong Thế chiến II.
Với nhiều người Hàn Quốc, mấu chốt trong mối quan hệ với Tokyo là cách giới lãnh đạo Nhật Bản nhìn nhận thời kỳ thực dân. Họ có khả năng đánh giá chuyến thăm của ông Kishida dựa trên việc liệu ông có xin lỗi, và xin lỗi thế nào, về quá khứ đó.
“Người Hàn Quốc đang lắng nghe những gì ông Kishida nói về lịch sử. Nếu ông ấy nói mơ hồ, chỉ vòng vo đề cập đến các tuyên bố lãnh đạo Nhật Bản trong quá khứ, sự việc có thể không diễn biến suôn sẻ lắm”, Lee Jung Hwan - chuyên gia về quan hệ Hàn - Nhật tại Đại học Quốc gia Seoul - cho biết.
Ông Yoon và ông Kishida cụng ly tại nhà hàng ở Tokyo hồi tháng 3. Ảnh: Văn phòng Công vụ Nội các Nhật Bản/AP. |
Chính phủ ông Yoon tìm cách thuyết phục người dân Hàn Quốc bằng cách nuôi hy vọng Nhật Bản sẽ đáp lại nỗ lực của nước này, như cho phép công ty Nhật Bản có liên quan tự nguyện đóng góp vào quỹ nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến của Hàn Quốc.
Trong những tuần gần đây, Tokyo dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với Hàn Quốc và bắt đầu đưa nước này trở lại “danh sách trắng” các đối tác thương mại ưu đãi.
Tuy nhiên, nếu ông Kishida không đáp ứng được kỳ vọng của người Hàn Quốc trong vấn đề lịch sử, thì “điều đó sẽ phủ bóng đen lên những gì họ đã nỗ lực trong vài tháng qua,” Daniel Sneider - giảng viên nghiên cứu Đông Á tại Đại học Stanford - cho biết.
“Điều quan trọng hơn cả những phát biểu của ông ấy là liệu các công ty Nhật Bản có đóng góp vào quỹ hay không", ông nói thêm.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Hàn Quốc là bài kiểm tra khả năng lãnh đạo của ông Kishida và là cơ hội chứng tỏ ông có thể mở rộng nỗ lực hướng tới hòa giải của ông Yoon.
“Đây là cơ hội hiếm gặp để thủ tướng thể hiện mình là chính khách có kinh nghiệm táo bạo và thay đổi vòng xoáy tiêu cực dường như vô tận giữa Nhật Bản và Hàn Quốc”, giáo sư Alexis Dudden tại Đại học Connecticut, chuyên gia về quan hệ Hàn - Nhật, cho biết.
Chẳng hạn, ông Kishida có thể thực hiện viếng thăm tượng đài biểu trưng cho những gì Hàn Quốc phải chịu đựng trong quá khứ, giáo sư Dudden nói, so sánh với chuyến thăm Ba Lan năm 1970 của Thủ tướng Đức Willy Brandt.
Tuy nhiên, nếu làm vậy, chưa nói đến việc quỳ gối trước tượng như Thủ tướng Brandt đã làm, có thể là quá sức với ông Kishida, bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu của Nhật Bản có thể “bắt ông trả giá cho những gì họ định nghĩa là yếu thế trước Hàn Quốc” trong vấn đề lịch sử, bà nói.
Áp lực trong nước
Tuy nhiên, chỉ một số nhà phân tích tin những căng thẳng kéo dài hàng thập niên sẽ dễ dàng biến mất, do áp lực chính trị trong nước với cả hai nhà lãnh đạo.
“Hơn 90% mối quan hệ song phương của chúng tôi phụ thuộc vào diễn biến chính trị trong nước. Do đó, người Hàn Quốc không thể tha thứ cho chúng tôi. Họ sẽ tiếp tục gây sức ép và muốn duy trì mối quan hệ kiểu này mãi mãi bằng cách thay đổi các nguyên tắc”, Kunihiko Miyake - cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản - cho biết.
Trong khi đó, ông Kishida cần sự ủng hộ của các chính trị gia cánh hữu, nhóm có ảnh hưởng hàng đầu trong lựa chọn lãnh đạo đảng. Ông Miyake nói mình sẽ ngạc nhiên nếu thủ tướng “đột nhiên đưa ra những nhận xét mang tính hòa giải quá mức với Hàn Quốc”.
Giới phân tích cho rằng Tokyo có thể đang xem xét cách điều hướng áp lực từ Mỹ.
Junya Nishino - giáo sư luật tại Đại học Keio - cho biết việc ông Biden liên tục khen ngợi tài ngoại giao của Tổng thống Yoon là “thông điệp gửi tới cả ông Yoon lẫn ông Kishida”.
Ông Nishino nói thêm những chiến thắng gần đây của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử vào tháng trước cũng có thể mang lại cho ông Kishida “nhiều không gian ngoại giao hơn”.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng phu nhân đến Seoul hôm 7/5. Ảnh: New York Times. |
Quyết tâm cải thiện quan hệ với Tokyo của ông Yoon một phần nhờ sự chuyển biến trong tâm lý dư luận Hàn Quốc. Trong khảo sát gần đây, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nước ít được ưa chuộng nhất, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tâm lý nghi ngại của người Hàn Quốc về Nhật Bản có nguồn gốc sâu xa hơn những gì ông Yoon nghĩ. Khảo sát thực hiện hồi tháng 3 cho thấy 64% người Hàn Quốc được hỏi nói không cần vội vàng cải thiện quan hệ trừ khi Nhật Bản thay đổi thái độ với lịch sử.
Bà Dudden cảnh báo Seoul, Tokyo và Washington không nên coi “lịch sử chỉ là phần phụ và không liên quan đến cách định hình những mối lo ngại trước mắt”.
Lịch sử song phương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhiều lần chứng minh động thái mềm mỏng với tranh chấp lịch sử sẽ không đạt được nhiều bước tiến triển nếu một tranh chấp khác, như vấn đề chủ quyền biển đảo, lại được khơi dậy.
“Các vấn đề lịch sử luôn có cách quay trở lại và gây ảnh hưởng”, ông Sneider nói. “Đây không chỉ là vấn đề liên quan tới ý kiến dư luận trong ngắn hạn, mà còn là vấn đề về bản sắc ở Hàn Quốc”.
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.