Hôm 23/2, Iran đã công bố tỷ lệ bỏ phiếu bầu cử Quốc hội là 42%, thấp nhất trong lịch sử kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Lãnh đạo nước này cho rằng các kẻ thù của Tehran đã dung “chiêu bài” đe dọa lây nhiễm virus corona mới để ngăn mọi người đi bỏ phiếu.
Phụ nữ đeo khẩu trang phòng virus corona ở Tehran. Ảnh: AP |
Trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng và các mối đe dọa về xung đột hạt nhân với Mỹ, cũng như căng thẳng ngày càng leo thang trong nước, việc bầu cử được coi là một cuộc trưng cầu dân ý về thái độ của công chúng đối với các nhà cai trị Cộng hòa Hồi giáo.
“Tỷ lệ bỏ phiếu trên toàn quốc là là 42,57%… Tại Tehran, tỷ lệ này chỉ khoảng 25%. Trên khắp Iran, hơn 24 triệu người đã bỏ phiếu,” Bộ trưởng Nội vụ Hồi giáo Abdolreza Rahmani Fazli phát biểu tại một cuộc họp báo trên truyền hình. Tỷ lệ cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội là 62% năm 2016 và 66% năm 2012.
Kết quả cuối cùng, được Bộ Nội vụ công bố, cho thấy lợi ích lớn từ những người thuộc phe bảo thủ trung thành với Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có vai trò quyết định tất cả các vấn đề của đất nước.
Lãnh đạo tối cao Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei, trên sân khấu trong một cuộc họp ở Tehran. Ảnh: AFP. |
Tại Tehran, một loạt những người thuộc phe bảo thủ đã giành được 30 ghế, với cựu chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ, Mohammad Bagher Qalibaf, đứng đầu.
Ông Qalibaf với tư cách là chỉ huy lực lượng không quân, một cựu chiến binh và một cảnh sát trưởng cấp quốc gia đã giúp cho ông đứng vào hàng ngũ lãnh đạo tối cao của Iran, tạo cơ hội trở thành người phát ngôn tiếp theo của Quốc hội.
Lãnh tụ Khamenei vào hôm 21/2 đã nói bỏ phiếu là một “nghĩa vụ tôn giáo”, đồng thời đổ lỗi cho những tuyên truyền tiêu cực về virus corona mới của kẻ thù khiến tỷ lệ bỏ phiếu rớt thảm hại. “Tuyên truyền tiêu cực về virus đã bắt đầu từ vài tháng trước và ngày càng rầm rộ hơn trước cuộc bầu cử”.
Những người ủng hộ ông Mohammad Bagher Qalibaf cầm áp phích in hình khuôn mặt ông tại một cuộc họp ở Tehran hồi đầu tháng này. Ảnh: AP |
Iran, nơi đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona chỉ hai ngày trước các cuộc thăm dò cử tri, đã công bố 43 trường hợp dương tính ở 4 thành phố khác nhau, bao gồm cả Tehran. Với tám trường hợp tử vong, Iran có số người chết cao nhất do virus corona mới bên ngoài Trung Quốc.
Quốc hội không có ảnh hưởng lớn đến các vấn đề đối ngoại hay chính sách hạt nhân của Iran, những vấn đề chỉ do Lãnh tụ tối cao Khamenei quyết định. Tuy nhiên, cơ quan này có thể làm bệ phóng cho những người thuộc phe bảo thủ trong chạy đua tranh chức tổng thống năm 2021 và củng cố chính sách đối ngoại của Tehran.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2018 và việc áp dụng các biện pháp trừng phạt lên nước Cộng hòa Hồi giáo đã tác động mạnh đến nền kinh tế Iran.
Cơ quan hành pháp của nước này đã chịu tổn hại nặng nề từ cuộc biểu tình trên toàn quốc vào tháng 11/2019. Những cuộc đàn áp biểu tình dữ dội càng đẩy sự phẫn nộ về khó khăn kinh tế và tham nhũng lên cao hơn.
Hành khách ở Tehran đeo khẩu trang và găng tay chống virus corona khi dùng phương tiện công cộng. Ảnh: AP |
Hội đồng tối cao Iran đã loại bỏ hàng nghìn nười ôn hòa và nhiều người bảo thủ hàng đầu khỏi cuộc đua bằng cách loại bỏ khoảng 6.850 người có tiềm năng để ủng hộ những người bảo thủ cứng rắn trong số 14.000 ứng viên.