Ngày 10/1, David Bennett, bệnh nhân 57 tuổi tại bang Maryland, đã có thể tự thở trong lúc vẫn được nối với một máy tim phổi nhân tạo để trợ giúp quả tim mới, AP đưa tin.
Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland cho rằng lần cấy ghép cho thấy quả tim từ động vật được chỉnh sửa gene có thể hoạt động trong cơ thể người mà không lập tức bị thải trừ.
Lần này, các y sĩ tại Maryland dùng quả tim từ con lợn đã qua sửa đổi gene để loại bỏ một phân tử đường trong tế bào vì phân tử này gây ra hiện tượng thải trừ nội tạng siêu nhanh.
Bác sĩ chụp ảnh cùng bệnh nhân David Bennett trong tháng 1. Ảnh: AP. |
Còn quá sớm để biết liệu ca phẫu thuật có thực sự hiệu quả hay không, nhưng nó vẫn đánh dấu một bước tiến trong hành trình kéo dài cả thập kỷ để cứu sống người bằng cấy ghép nội tạng động vật.
Những tuần tiếp theo sẽ là khoảng thời gian then chốt cho sự hồi phục của ông Bennett. Các bác sĩ cũng luôn theo dõi sát sao quả tim mới của bệnh nhân sau cuộc phẫu thuật kéo dài 7 tiếng vào ngày 7/1.
“Nếu thành công, chúng ta sẽ có nguồn cung nội tạng vô hạn cho các bệnh nhân đang bị giày vò”, bác sĩ Muhammad Mohiuddin, Giám đốc chuyên môn của chương trình cấy ghép động vật sang người thuộc Đại học Maryland, nói.
Do ông Bennett bị suy tim và có nhịp tim thất thường, ông không đủ điều kiện ghép tạng của người.
“Hoặc là chết, hoặc là thực hiện phẫu thuật này. Tôi muốn sống. Tôi biết chuyện này như mò mẫm trong bóng tối nhưng đây là lựa chọn cuối cùng của tôi”, David Bennett, một người thợ làm việc vặt tại bang Maryland, nói một ngày trước buổi phẫu thuật, theo tuyên bố của bệnh viện.